Tiếp tục phiên họp 31, chiều 15/3, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về dự thảo Luật Đường bộ,

Hai phương án về phân cấp ngân sách đầu tư quốc lộ

Theo báo cáo do Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) Lê Tấn Tới trình bày tại phiên họp, một trong những vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự thảo luật là việc giao cấp UBND tỉnh đầu tư xây dựng và quản lý, vận hành khai thác quốc lộ.

Trong quá trình góp ý, có ý kiến nhất trí như dự thảo luật Chính phủ trình, vì thực tế hiện nay, khả năng ngân sách trung ương (NSTW) bảo đảm cho việc đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành khai thác và bảo trì quốc lộ còn hạn chế. Trong khi một số địa phương có nguồn lực đề nghị cho phép đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành khai thác và bảo trì đoạn tuyến quốc lộ đi qua địa phương để tăng năng lực vận tải, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Vì vậy, việc bổ sung các quy định này trong dự thảo luật là phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Đầu tư quốc lộ: Ngân sách trung ương phải giữ vai trò chủ đạo
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới trình bày báo cáo tại phiên họp.

Ý kiến khác cho rằng, pháp luật về ngân sách hiện hành quy định “không được dùng ngân sách của cấp này để chi cho nhiệm vụ chi của cấp khác…”. Luật Đầu tư công cũng chỉ giao UBND cấp tỉnh quyết định đầu tư đối với dự án thuộc thẩm quyền quản lý. Do đó, quy định giao UBND cấp tỉnh đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành khai thác và bảo trì quốc lộ là chưa thống nhất với quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước (NSNN) và pháp luật về đầu tư công.

Trên cơ sở thảo luận, nghiên cứu, Thường trực UBQPAN cho rằng dự thảo luật Chính phủ trình là phù hợp với tình hình thực tiễn, tận dụng được nguồn lực để đầu tư xây dựng phát triển hệ thống đường bộ… Cơ quan thẩm tra cũng đưa ra 2 phương án xin ý kiến UBTVQH.

Phương án 1 là chỉnh lý nội dung điểm c khoản 2 Điều 32 dự thảo luật Chính phủ trình theo hướng cho phép Bộ Giao thông vận tải phân cấp cho chính quyền địa phương đầu tư xây dựng quốc lộ. Đồng thời đề nghị sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan tại Luật Ngân sách nhà nước (NSNN) và Luật Đầu tư công như quy định tại khoản 4, khoản 5 Điều 90 của dự thảo luật tiếp thu, chỉnh lý.

Phương án 2 là để bảo đảm thống nhất với quy định của Luật NSNN, nội dung điểm c khoản 2 Điều 32 cơ bản được giữ như dự thảo Chính phủ trình, nhưng bổ sung nội dung điểm đ khoản 3 Điều này quy định việc đầu tư xây dựng công trình đường bộ phải tuân thủ quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về NSNN và pháp luật có liên quan.

Theo đó, trước mắt việc giao UBND cấp tỉnh đầu tư xây dựng quốc lộ vẫn phải tuân thủ pháp luật về NSNN và pháp luật có liên quan. Đồng thời, Thường trực UBQPAN kiến nghị UBTVQH báo cáo Quốc hội xem xét sửa đổi quy định của Luật NSNN và các quy định của pháp luật có liên quan để thống nhất nội dung này và bảo đảm tính khả thi.

Đối với hoạt động quản lý, vận hành khai thác và bảo trì quốc lộ, Thường trực UBQPAN đề nghị UBTVQH cho quy định theo hướng điều chuyển đoạn tuyến quốc lộ đó cho UBND cấp tỉnh quản lý theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Ngân sách quốc gia phải tập trung nguồn lực cho đầu tư quốc lộ

Góp ý về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, theo nghị quyết Trung ương, sắp tới Chính phủ sẽ trình đề xuất sửa đổi Luật NSNN để đảm bảo các điều kiện NSTW giữ vai trò chủ đạo.

Vừa qua, chúng ta đã thực hiện phối hợp các nguồn NSTW và địa phương để xây dựng các đường quốc lộ trên địa bàn các tỉnh. Thực tiễn này xuất phát từ nguyên nhân những năm qua, các địa phương thu ngân sách cao, có điều kiện tốt, nên Quốc hội đã thống nhất chủ trương sử dụng phần ngân sách của các tỉnh để tham gia cùng NSTW xây dựng một số quốc lộ. Tuy nhiên, về lâu dài, NSTW cơ bản phải giữ vai trò chủ đạo.

Việc tập trung nguồn lực quốc gia để xây dựng hệ thống cao tốc quốc lộ trong những năm gần đây và trong thời gian sắp tới cũng chỉ tiếp tục trong một khoảng thời gian nhất định. Vì vậy, việc phối hợp ngân sách địa phương và NSTW là tạm thời trong hoàn cảnh trước mắt, không nên vì thế mà sửa nguyên tắc trong Luật NSNN, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị.

Đầu tư quốc lộ: Ngân sách trung ương phải giữ vai trò chủ đạo

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại phiên họp

Đồng tình với ý kiến này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, Luật NSNN đã quy định rất chặt chẽ, trong đó ngân sách là thống nhất cấp quốc gia và đảm bảo vai trò chủ đạo NSTW.

Dù có thể phân cấp để địa phương tham gia vào quá trình đầu tư, tham gia vào quá trình giải phóng mặt bằng, nếu đủ điều kiện có thể làm chủ đầu tư cao tốc, song Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khẳng định đây vẫn chủ yếu là trách nhiệm của ngân sách quốc gia.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, điều quan trọng nhất là cần phê duyệt quy hoạch về phát triển giao thông quốc gia để trong trung và dài hạn phân bổ nguồn lực, quyết tâm hoàn thành theo thứ tự ưu tiên các tuyến cao tốc xương sống kết nối cùng. Do vậy, ngân sách quốc gia phải tập trung các nguồn lực ngắn hạn và dài hạn để đầu tư các quốc lộ đảm bảo đúng tiêu chuẩn, an toàn và kết nối liên vùng, tạo động lực phát triển.

Còn các địa phương nên tập trung đầu tư nâng cấp, cải tạo các tuyến đường tỉnh, đường huyện, trách nhiệm của trung ương là đầu tư các tuyến quốc lộ để tạo sự kết nối liên thông. Một số địa phương tham gia đầu tư quốc lộ có thể xem xét như trường hợp đặc thù, chứ không phải vì có thể sử dụng ngân sách, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Ngay việc dùng ngân sách địa phương này chi cho địa phương khác, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng cũng là hết sức hãn hữu, bởi ngân sách là thu chi của một cấp chính quyền do HĐND và nhân dân địa phương đó quyết định, nếu chi phải đúng thẩm quyền và quyết toán được. Do vậy, chỉ xảy ra trong một số trường hợp như thiên tai, bão lũ, công trình phúc lợi, xã hội, xóa đói giảm nghèo… Vì vậy, không nên luật hóa việc này.