Vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp sẽ được xác định là vốn của doanh nghiệp Thay thế Luật số 69: Bước ngoặt lớn trong quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp: Nghiên cứu sửa luật để giải quyết nhiều vướng mắc lớn Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp - nhìn lại và hướng tới

Sửa đổi căn bản Luật số 69 với 6 nhóm chính sách mới

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, Luật số 69 được ban hành đã tạo hành lang pháp lý cho việc đầu tư vốn nhà nước vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp. Cơ chế, chính sách quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp đã được hoàn thiện phù hợp với yêu cầu đổi mới, hội nhập, tạo môi trường pháp lý đầy đủ, đồng bộ, ổn định hơn…

Đề xuất nhiều chính sách mới về quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh phát biểu khai mạc tọa đàm. Ảnh: Nghĩa Đức

Tuy nhiên, thời gian qua, có sự điều chỉnh một số chủ trương, quan điểm chỉ đạo và hệ thống pháp luật có liên quan đến việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai thực hiện luật và các văn bản hướng dẫn đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế.

Cụ thể như phạm vi, điều chỉnh của luật chưa tách bạch, phân định rõ chức năng quản lý nhà nước với chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn của Nhà nước và chức năng quản trị kinh doanh của doanh nghiệp; chưa bao gồm nội dung cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Việc đổi mới căn bản, toàn diện trong quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp theo Nghị quyết 12-NQ/TW chưa được thể hiện đầy đủ. Việc xác định vai trò của cơ quan quản lý nhà nước với vai trò của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp chưa rõ. Các quy định mang tính hành chính can thiệp vào hoạt động quản trị doanh nghiệp chưa thực sự được khắc phục. Việc đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp chưa được quy định cụ thể, chưa tạo tính chủ động, linh hoạt, kịp thời.

Bên cạnh đó, một số quy định liên quan đến quản trị doanh nghiệp do Nhà nước đầu tư trực tiếp còn bất cập. Việc quản lý lợi ích thu được từ vốn nhà nước đầu tư vào các doanh nghiệp chưa được quy định cụ thể trong luật…

Đề xuất nhiều chính sách mới về quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp
Các đại biểu tham dự tọa đàm sáng 9/1. Ảnh: Nghĩa Đức

Do đó, để khắc phục các tồn tại, hạn chế, bất cập của Luật số 69, thực hiện các chủ trương của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, cần thiết phải sửa đổi căn bản, toàn diện Luật số 69.

Trình bày tham luận tại tọa đàm, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) Bùi Tuấn Minh cho biết, Bộ Tài chính dự kiến đề xuất sửa đổi căn bản các nội dung của Luật số 69 thể hiện ở 6 nhóm chính sách mới.

Đảm bảo nguyên tắc bình đẳng, tự chủ trong hoạt động doanh nghiệp

Chính sách thứ nhất là về quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp. Theo đó, xác định rõ nguyên tắc quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp đảm bảo nguyên tắc “lợi ích thì hài hòa, rủi ro thì chia sẻ”, bảo toàn, hiệu quả, công bằng, thị trường, linh hoạt và công khai, minh bạch.

Tăng cường phân công, phân cấp ủy quyền cho hội đồng thành viên (HĐTV), hội đồng quản trị (HĐQT) doanh nghiệp gắn với trách nhiệm giải trình của người đứng đầu, của lãnh đạo doanh nghiệp; trách nhiệm giám sát, kiểm tra của cơ quan, người đại diện chủ sở hữu vốn. Vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp phải được quản lý thống nhất, không phân biệt cấp quyết định thành lập.

Phân cấp thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư

Về thẩm quyền quyết định phê duyệt chủ trương dự án đầu tư trong nước, dự thảo đề xuất quy định Quốc hội quyết định phê duyệt chủ trương các dự án thuộc thẩm quyền, theo quy định của Luật Đầu tư và dự án có tổng mức đầu tư từ 15.000 tỷ đồng trở lên.

Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án thuộc thẩm theo quy định của Luật Đầu tư và dự án có tổng mức đầu tư từ 5.000 tỷ đồng đến dưới 15.000 tỷ đồng.

Cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn quyết định các dự án có tổng mức đầu tư từ 1.000 tỷ đồng đến dưới 5.000 tỷ đồng và dự án đầu tư có tổng mức đầu tư từ 50% vốn điều lệ ghi trên giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Chính sách thứ hai về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp sẽ quy định rõ vốn nhà nước sau khi đã đầu tư vào doanh nghiệp để thực hiện nghĩa vụ góp vốn chủ sở hữu nhà nước được xác định là tài sản/vốn của pháp nhân doanh nghiệp theo quy định của Bộ luật Dân sự, bảo đảm nguyên tắc bình đẳng, tự chủ trong hoạt động của pháp nhân là doanh nghiệp. Nhà nước thực hiện quản lý doanh nghiệp theo pháp nhân doanh nghiệp đầu tư vốn, không quản lý doanh nghiệp theo từng tài sản mà chủ sở hữu góp vốn điều lệ (đã chuyển quyền sở hữu cho doanh nghiệp).

Về hoạt động đầu tư của doanh nghiệp, dự kiến sẽ quy định cụ thể, phân cấp rõ trong luật để đảm bảo chủ động và xác định rõ thẩm quyền trình tự, thủ tục, rõ trách nhiệm của doanh nghiệp và các cơ quan trong hoạt động đầu tư của doanh nghiệp.

Ở chính sách thứ 4 về sắp xếp, cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Tài chính dự kiến đề xuất hướng dẫn cụ thể các nguyên tắc về sắp xếp, cơ cấu lại vốn nhà nước đã đầu tư tại doanh nghiệp (các quy định tại nghị định đã được thực hiện ổn định trong thời gian qua) và quy định rõ hình thức chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước giữa các cơ quan đại diện chủ sở hữu. Trong đó, quá trình sắp xếp, cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp là quá trình thực hiện thường xuyên, liên tục.

Đề xuất nhiều chính sách mới về quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp
Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp Bùi Tuấn Minh trình bày tham luận tại tọa đàm. Ảnh: Nghĩa Đức

Chính sách thứ 5 là về cơ quan, người đại diện chủ sở hữu vốn, theo đó sẽ tách bạch rõ nội dung chức năng quản lý, đầu tư vốn của đại diện chủ sở hữu nhà nước với chức năng quản trị, điều hành của doanh nghiệp nhà nước cần phải quy định rõ quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện, người đại diện chủ sở vốn theo chức năng.

Liên quan đến quản trị doanh nghiệp, chính sách thứ 6 xác định một số nội dung trong công tác quản trị doanh nghiệp để quy định rõ quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp (không quy định các nội dung mang tính quản trị điều hành của doanh nghiệp), đảm bảo tính tự chủ trong hoạt động sản xuất, đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp.

Sau khi nghe các tham luận, báo cáo, các đại biểu đã trao đổi thẳng thắn, cởi mở về đối tượng, phạm vi điều chỉnh và các nội dung chính sách mới của dự thảo luật được đề xuất. Nhiều ý kiến đánh giá cao sự chuẩn bị kỹ lưỡng, tiếp thu nghiêm túc của cơ quan soạn thảo và tinh thần đổi mới, cải cách được thể hiện trong những nội dung chính sách,

Góp ý, đề xuất, cung cấp những cơ sở khoa học và thực tiễn cho dự thảo

Các chuyên gia, nhà quản lý, đại diện các doanh nghiệp cũng góp ý, đề xuất, cung cấp những cơ sở khoa học và thực tiễn quan trọng cho Bộ Tài chính – cơ quan chủ trì xây dựng dự thảo luật và Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội – cơ quan chủ trì thẩm tra dự thảo luật, trong quá trình thẩm tra, cho ý kiến đối với đề xuất sửa đổi Luật số 69/2014/QH13 mà hiện nay Chính phủ đang xem xét.