Chiều 28/7, Viện Chiến lược và chính sách kinh tế - tài chính (Bộ Tài chính) đã tổ chức Hội thảo phạm vi, nội hàm kinh tế nhà nước để xây dựng Nghị quyết của Bộ Chính trị. Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn chủ trì hội nghị.

Làm rõ khái niệm, nội hàm kinh tế nhà nước

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Như Quỳnh, Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách kinh tế - tài chính cho biết, kinh tế nhà nước luôn được xác định là trụ cột then chốt trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, thể hiện rõ nét qua gần 40 năm thực hiện công cuộc Đối mới.

Đề xuất tư duy phát triển mới cho kinh tế nhà nước
Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn chủ trì hội nghị. Ảnh: Đức Minh

Trong thời gian qua, kinh tế nhà nước, đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và nhiều tổ chức kinh tế có vốn của nhà nước đã đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta, bảo đảm an sinh xã hội, củng cố thế và lực của đất nước. Tuy nhiên, kết quả, hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế nhà nước còn chưa tương xứng với tiềm năng, nguồn lực được giao.

Trước tình hình đó, yêu cầu đặt ra là phải phát huy tối đa vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy các ngành, lĩnh vực then chốt, thiết yếu và liên kết, dẫn dắt các khu vực kinh tế khác cùng phát triển, tiên phong trong những ngành, lĩnh vực mới có tính chiến lược, đầu tư mạo hiểm có tiềm năng mang lại lợi ích dài hạn cho quốc gia.

Do đó, mục tiêu của hội thảo hôm nay là tiếp tục tổng kết lý luận, đúc rút thực tiễn để góp phần xây dựng, hoàn thiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước theo hướng nâng cao hiệu quả và không làm giảm vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước.

Tại hội thảo, các chuyên gia, các nhà khoa học và đại diện các Bộ, ngành đã phát biểu các ý kiến tập trung vào làm rõ một số nội dung lớn, gồm: nội hàm, phạm vi của kinh tế nhà nước và nội hàm, phạm vi của kinh tế nhà nước dự kiến đưa vào dự thảo Nghị quyết trình Trung ương; đánh giá toàn diện thực trạng của từng thành tố trong kinh tế nhà nước.

Đồng thời, trên cơ sở kế thừa có chọn lọc các quan điểm chỉ đạo, định hướng lớn đã được khẳng định qua các kỳ Đại hội, đề xuất những tư duy phát triển mới, cách tiếp cận mới để xác định quan điểm và mục tiêu mới về phát triển kinh tế nhà nước, bảo đảm phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa khi đất nước ta bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Các chuyên gia, nhà khoa học cũng đề xuất về các định hướng đột phá và một số nhiệm vụ trọng tâm nhằm tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế nhà nước trong giai đoạn tới.

Phát huy vai trò chủ đạo nhưng không tạo độc quyền

Doanh nghiệp nhà nước chỉ là một phần của kinh tế nhà nước

Theo Thứ trưởng Cao Anh Tuấn, kinh tế nhà nước luôn là một trụ cột then chốt trong sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội và giữ vai trò chủ đạo, đã được khẳng định trong Hiến pháp và các văn kiện của Đảng.

Trong đó, kinh tế nhà nước không đồng nghĩa với doanh nghiệp nhà nước; doanh nghiệp nhà nước chỉ là một phần của kinh tế nhà nước. Kinh tế nhà nước có phạm vi rộng hơn và đóng vai trò chủ đạo, Thứ trưởng làm rõ.

Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn đánh giá hội thảo hôm nay là bước khởi đầu quan trọng trong quá trình hoàn thiện cơ sở lý luận và thực tiễn về kinh tế nhà nước, nhằm định hướng xây dựng nghị quyết mới, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên hội nhập sâu rộng và chuyển đổi số mạnh mẽ. “Đây là một cơ hội lớn để chúng ta nhìn nhận, phân tích và đề xuất những giải pháp đột phá cho kinh tế nhà nước”, Thứ trưởng nêu rõ.

Theo Thứ trưởng Cao Anh Tuấn, kinh tế nhà nước là bao gồm toàn bộ nguồn lực và chủ thể của Nhà nước và có khả năng tham gia hoạt động kinh tế. Trong đó, Nhà nước tham gia với tư cách là chủ thể kinh tế thông qua các tổ chức kinh tế nhà nước, sử dụng các cái nguồn lực thuộc sở hữu toàn dân và sở hữu nhà nước do nhà nước đại diện và quản lý thống nhất.

Đề xuất tư duy phát triển mới cho kinh tế nhà nước
Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Đức Minh

Tuy nhiên, thời gian qua, hoạt động của kinh tế nhà nước chưa tương xứng với nguồn lực và kỳ vọng. Nhiều doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, quỹ tài chính hoạt động còn kém hiệu quả, chậm đổi mới và gây lãng phí nguồn lực. Đây là thách thức, đòi hỏi đổi mới tư duy phát triển, cải cách thể chế quản trị hiện đại và phát huy hiệu quả tối đa vai trò chủ đạo, động lực sáng tạo của kinh tế nhà nước. “Đồng thời, chúng ta phải phát huy vai trò nhưng không tạo độc quyền cho kinh tế nhà nước, mà phải theo cơ chế thị trường”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Trước yêu cầu của kỷ nguyên mới, đặc biệt hướng tới các mục tiêu năm 2030 và 2045, Thứ trưởng cho rằng phải có tư duy phát triển mới với các quan điểm, giải pháp đột phá, hành động quyết tâm chính trị, đồng thuận cao và nỗ lực rất lớn của toàn hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân. Đây là cơ hội để rà soát tổng thể vai trò của kinh tế nhà nước trong bối cảnh kinh tế tư nhân đã được khẳng định là một động lực quan trọng.

Ngày 24/7/2025, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1588/QĐ-TTg về việc thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án về Phát triển kinh tế nhà nước theo hướng nâng cao hiệu quả kinh tế nhà nước do Thủ tướng Phạm Minh Chính làm Trưởng Ban Chỉ đạo.

Các Phó Trưởng ban gồm: Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng (Phó Trưởng ban Thường trực, trực tiếp chỉ đạo xây dựng Đề án); Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc; Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng.

Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ xây dựng Đề án về Phát triển kinh tế nhà nước theo hướng nâng cao hiệu quả kinh tế nhà nước để trình Bộ Chính trị ban hành nghị quyết về kinh tế nhà nước. Bộ Tài chính là cơ quan thường trực giúp Ban Chỉ đạo triển khai xây dựng Đề án.