Dự báo và lượng hóa các yếu tố tác động đến Kế hoạch phát trienr kinh tế-xã hội năm 2024
Quang cảnh kỳ họp.

Hoàn thành và vượt mức 18/23 chỉ tiêu kế hoạch

Phát biểu tại Kỳ họp thứ 14, HĐND TP. Hà Nội khoá XVI, nhiệm kỳ 2021 - 2026 sáng 5/12, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, năm 2023, bên cạnh những thuận lợi là cơ bản, Thủ đô Hà Nội phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, đặc biệt là trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, tình hình dịch bệnh, thiên tai diễn biến bất thường, ảnh hưởng không nhỏ tới phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Tuy nhiên, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 của TP. Hà Nội cơ bản hoàn thành mục tiêu tổng quát, đã hoàn thành và vượt mức 18/23 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong đó có 3 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Các ngành, lĩnh vực đều phát triển khá. Ước cả năm 2023, GRDP của thành phố tăng 6,27%, thấp hơn kịch bản đề ra nhưng vẫn cao hơn mức bình quân chung cả nước, khoảng trên 5%. GRDP bình quân đầu người ước đạt 150 triệu đồng/người/năm cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực.

Thu ngân sách trên đạt bàn dự kiến đạt 400,4 nghìn tỷ đồng, đạt 113,5% dự toán, tăng 20% so với thực hiện năm 2022; chi ngân sách chuyển dịch theo hướng tích cực, tiết kiệm chi thường xuyên; tổng vốn đầu tư xã hội ước đạt 504,89 nghìn tỷ đồng, tăng 9%; vốn đầu tư nước ngoài đạt 2.874 triệu USD, tăng 62%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng trên 10%...

Năm 2023, là năm có ý nghĩa hết sức quan trọng, năm bản lề, đánh giá sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025; năm thứ ba triển khai thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng bộ TP. Hà Nội lần thứ 17 (nhiệm kỳ 2020 - 2025).

Thành phố đang triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng có tính chiến lược đến phát triển Thủ đô trong tương lai như: Phối hợp Bộ Tư pháp, các bộ, ngành, cơ quan trung ương tập trung, khẩn trương xây dựng, hoàn thiện Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), đã trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6; dự kiến Quốc hội thông qua kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024). Đồng thời đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; khởi công dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, mục tiêu hoàn thành vào năm 2026 và đưa vào khai thác năm 2027...

Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định, những thành quả đạt được nêu trên là sự nỗ lực của toàn Đảng bộ, chính quyền, hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp Thủ đô; sự lãnh đạo quyết liệt của Thành ủy; việc cụ thể hóa, thể chế hóa các chủ trương, cơ chế, chính sách của HĐND TP. Hà Nội.

Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2023 của thành phố còn một số tồn tại, hạn chế như: Còn một số chỉ tiêu chưa đạt; kinh tế tăng trưởng thấp hơn so với kế hoạch; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao hơn cùng kỳ năm trước nhưng vẫn thấp hơn so với mục tiêu đề ra; cải thiện môi trường đâu tư của thành phố tuy có cải thiện song chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố.

Dự báo và lượng hóa các yếu tố tác động đến Kế hoạch phát trienr kinh tế-xã hội năm 2024
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại kỳ họp.

Nhiều đổi mới trong hoạt động

Ông Đinh Tiến Dũng cũng nhấn mạnh, trong thời gian vừa qua, HĐND, Thường trực HĐND đã có nhiều đổi mới trong hoạt động, toàn diện, sâu sát và hiệu quả với những kết quả nổi bật.

HĐND TP.Hà Nội đã nắm bắt, lựa chọn đúng và trúng các nội dung, những vấn đề quan trọng, cấp thiết, sát yêu cầu thực tiễn của thành phố, cử tri và nhân dân quan tâm để ban hành nghị quyết và giám sát, tái giám sát, chất vấn, giải trình nhằm kịp thời khắc phục các tồn tại, hạn chế, bất cập. Từ đó đề xuất thúc đẩy đầu tư, các cơ chế, chính sách trong các lĩnh vực của thành phố... góp phần hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị năm 2023 vừa qua.

Nhấn mạnh năm 2024 là năm thứ 4 thực hiện kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, là năm bản lề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết XVII Đại hội Đảng bộ thành phố, Bí thư Thành uỷ yêu cầu, tại kỳ họp này, trên cơ sở phân tích, đánh giá một cách khách quan, toàn diện về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

"Các đại biểu cần phân tích, đặc biệt là dự báo và lượng hóa đầy đủ các yếu tố tác động và ảnh hưởng đến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và Kế hoạch đầu tư công năm 2024 của thành phố đảm bảo sát với thực tiễn, có tính đột phá, tính hiệu quả, tính khoa học và tính khả thi cao. Trong đó, cần đặc biệt chú trọng lựa chọn những nhiệm vụ, đề án, dự án có trọng tâm, trọng điểm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo trong năm 2024...".

Đối với các nghị quyết chuyên đề, cơ chế, chính sách đặc thù, Bí thư Thành uỷ đề nghị, đi sâu vào làm rõ các tác động, tính hiệu quả, các giải pháp đột phá, tầm nhìn xa hơn, bảo đảm phù hợp, khả thi để triển khai nhanh, góp phần khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế to lớn của Thủ đô về nguồn lực con người, nguồn lực về khoa học và công nghệ, tháo gỡ các nút thắt về hạ tầng, thể chế và phát huy tính năng động, sáng tạo, tự chủ của cơ sở, thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo tốt an sinh xã hội.

Bên cạnh đó, cần tập trung rà soát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, nhằm đẩy nhanh tiến độ, chuẩn bị đầu tư, lập dự án đầu tư, công tác đền bù giải phóng mặt bằng, nâng cao tỷ lệ giải ngân đầu tư công. Đặc biệt, kiên quyết cắt giảm vốn đầu tư cho các dự án không giải ngân được để chuyển bổ sung nguồn vốn chi trả nợ, thu hồi vốn ứng trước, các dự án cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện… nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.

Từ nay đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn, Bí thư Thành uỷ đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị cần quan tâm thực hiện tốt công tác bảo đảm an ninh trật tự, đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa, đặc biệt quan tâm công tác an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất, sức khỏe và tinh thần của nhân dân, đặc biệt là người có công, các đối tượng chính sách xã hội.

Đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, hàng giả, đầu cơ, tích trữ, găm hàng, không để gây bất ổn thị trường, giá cả, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm để nhân dân đón tết vui tươi an toàn, lành mạnh, tiết kiệm.