Hà Nội thông qua 11 nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội
Hà Nội thông qua 11 nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội.

Bảo đảm tăng trưởng ổn định kinh tế Thủ đô

Nghị quyết của HĐND TP. Hà Nội quyết nghị tán thành đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán thu, chi ngân sách 6 tháng đầu năm và thông qua nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024 của TP. Hà Nội như các báo cáo của UBND TP. Hà Nội và các cơ quan trình HĐND TP. Hà Nội.

HĐND TP. Hà Nội nhấn mạnh, 6 tháng cuối năm 2024, tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, các cấp, ngành, doanh nghiệp và nhân dân Thủ đô phấn đấu cao nhất để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ năm 2024, trọng tâm là tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

HĐND TP. Hà Nội thống nhất với đề xuất của UBND TP. Hà Nội về mức hệ số điều chỉnh giá đất năm 2024 đối với một số trường hợp sử dụng đất được pháp luật quy định trên địa bàn TP. Hà Nội.

Thống nhất với đề xuất của UBND TP. Hà Nội về số lượng xe ô tô bán tải và xe ô tô từ 12 đến 16 chỗ ngồi phục vụ công tác chung cho các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của TP. Hà Nội được giao thực hiện nhiệm vụ đặc thù theo quy định tại khoản 5 Điều 8 Nghị định số 72/2023/NĐ-CP ngày 26/9/2023 của Chính phủ.

Căn cứ tiêu chuẩn, định mức được ban hành, UBND TP. Hà Nội chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm sắp xếp lại, xử lý xe ô tô và tổ chức thực hiện mua sắm theo quy định đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.

Cùng với thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra từ đầu năm, HĐND TP. Hà Nội nhấn mạnh 11 nhiệm vụ, giải pháp, gồm: Bảo đảm tăng trưởng ổn định kinh tế Thủ đô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới; tập trung thực hiện hiệu quả, thực chất cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; xây dựng cơ chế, chính sách tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội; phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí...

Chuẩn bị văn kiện Đại hội Đảng bộ TP. Hà Nội khóa 18 nhiệm kỳ 2025 - 2030; công tác xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội năm 2025; Kế hoạch tài chính, ngân sách năm 2025 và 3 năm 2025 - 2027, Kế hoạch tài chính 5 năm 2026 - 2030; Kế hoạch đầu tư công năm 2025 và rà soát, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025 đảm bảo chất lượng.

Nghị quyết cũng tán thành những nhiệm vụ, giải pháp điều hành ngân sách những tháng cuối năm 2024 do UBND TP. Hà Nội trình và nhấn mạnh giải pháp tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển ổn định, vững chắc, phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh. Tăng cường hiệu quả công tác quản lý hộ kinh doanh; tập trung rà soát thu, đôn đốc các hộ, cá nhân kinh doanh thực hiện nộp đầy đủ, kịp thời số thuế phải nộp vào ngân sách...

Hà Nội thông qua 11 nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội
Ông Nguyễn Xuân Lưu - Giám đốc Sở Tài chính trình bày tờ trình tại kỳ họp.

Huyện Hoàng Mai, Gia Lâm được sử dụng 2.100 tỷ đồng từ nguồn cải cách tiền lương

HĐND TP. Hà Nội cũng tán thành với đề xuất của UBND TP. Hà Nội về các nội dung sau: cho phép các quận, huyện Hoàng Mai, Gia Lâm được sử dụng 2.100 tỷ đồng từ nguồn cải cách tiền lương còn dư của ngân sách quận, huyện để chi đầu tư xây dựng cơ bản năm 2024 theo quy định tại Nghị quyết số 115/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với TP. Hà Nội, cụ thể: quận Hoàng Mai 1.600 tỷ đồng; huyện Gia Lâm 500 tỷ đồng.

HĐND TP. Hà Nội thống nhất điều chỉnh một số khoản dự toán chi thường xuyên ngân sách cấp thành phố năm 2024 tại Nghị quyết số 40/NQ-HĐND ngày 8/12/2023 của HĐND TP. Hà Nội về dự toán ngân sách địa phương và phân bổ ngân sách cấp TP. Hà Nội năm 2024; phương án phân bổ dự toán kinh phí thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia (vốn sự nghiệp) và kinh phí quản lý, bảo trì đường bộ (nguồn ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách thành phố) năm 2024...

Đối với nguồn kinh phí cấp điện chiếu sáng ngõ, ngách đã bố trí trong cân đối ngân sách các quận năm 2023 và 2024: Cho phép để lại nguồn kinh phí ngân sách cấp thành phố đã bố trí trong dự toán năm 2023, 2024 cho các quận để bổ sung nguồn kinh phí thực hiện công tác bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống chiếu sáng ngõ, ngách theo phân cấp.

Triển khai đề án phát triển giao thông công cộng bằng xe buýt điện

HĐND TP. Hà Nội thống nhất về sự cần thiết xây dựng và triển khai Đề án phát triển giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn thành phố; đồng thời đề nghị UBND thành phố chỉ đạo xây dựng và ban hành hệ thống định mức, đơn giá, các cơ chế, chính sách để khuyến khích đầu tư phương tiện, đầu tư cơ sở hạ tầng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh đảm bảo phù hợp với thực tiễn, xu hướng phát triển của thế giới, tránh thất thoát, lãng phí tài sản nhà nước.