Xuất khẩu tăng trưởng đồng hành với thách thức

Tại hội nghị giao ban xúc tiến thương mại (XTTT) với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 6/2024, diễn ra ngày 2/7, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho rằng, xuất khẩu hàng Việt Nam đã và đang hồi phục và tăng trưởng nhờ nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp.

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại tiếp sức cho xuất khẩu hàng Việt
Quang cảnh hội nghị xúc tiến thương mại 6 tháng đầu năm, bàn giải pháp 6 tháng cuối năm 2024. Ảnh: Hải Anh
Năm 2024, hoạt động XTTM phát triển thị trường xuất khẩu mà nòng cốt là Chương trình cấp quốc gia về XTTM chú trọng vào khai thác các thị trường mới ở Trung Đông, Châu Phi, Nam Mỹ... Các hoạt động XTTM trên đã hỗ trợ khoảng 2.000 đơn vị là các tổ chức XTTM, các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia.

Báo cáo của Bộ Công thương cho thấy, 6 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 369,6 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu ước đạt 189,5 tỷ USD, tăng 14,2%; nhập khẩu ước đạt 180,2 tỷ USD, tăng 18,1%.

Để đạt được kết quả nêu trên, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục XTTM (Bộ Công thương) cho rằng, hoạt động xúc tiến thương mại thời gian qua đã linh hoạt, đổi mới, kết hợp xúc tiến thương mại truyền thống với hiện đại, gắn với thương mại điện tử, kinh tế số. Từ đầu năm 2024 đến nay, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đã tăng cường xúc tiến thương mại khai thác các Hiệp định thương mại tự do (FTA) để đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và đẩy mạnh xuất khẩu.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả khả quan nêu trên, các tham tán thương mại ở nước ngoài cùng đại diện doanh nghiệp cũng chia sẻ những thách thức và lo lắng, khi tại nhiều thị trường trọng điểm như Hoa Kỳ, EU... gia tăng mạnh các biện pháp phòng vệ thương mại. Ông Trần Thanh Hải cho rằng, đây là áp lực lớn trong thời gian tới đối với hàng Việt, trong đó có nhiều mặt hàng chủ lực.

Hỗ trợ doanh nghiệp với các vụ kiện phòng vệ

Đề cập đến việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại tiếp sức cho xuất khẩu hàng Việt trong thời gian tới, các chuyên gia kinh tế và tham tán thương mại tại nước ngoài đều có chung nhận định, kinh tế toàn cầu năm 2024 vẫn đối diện với nhiều rủi ro, khó đoán định. Quy mô nền kinh tế Việt Nam còn khiêm tốn nhưng độ mở lại lớn, khả năng cạnh tranh và sức chống chịu trước các cú sốc từ bến ngoài còn hạn chế.

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại tiếp sức cho xuất khẩu hàng Việt
Khu gian hàng Việt Nam được quảng bá tại hội chợ nước ngoài. Ảnh: TL

Vì vậy, XTMT trong thời gian tới cần gắn với hỗ trợ doanh nghiệp trong các vụ kiện phòng vệ thương mại, đặc biệt là tại các thị trường lớn.

Bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy - Tham tán Thương mại tại Thụy Điển, kiêm nhiệm các nước Bắc Âu cho biết, Uỷ ban Hợp tác về phát triển bền vững khu vực Bắc Âu đã tổ chức họp trong tháng 2/2024 tại Stockholm, Thuỵ Điển và nhất trí đưa ra một nguyên tắc/tiêu chuẩn chung quy định trách nhiệm của nhà sản xuất đối với hàng dệt may. Mục tiêu chính của việc đưa ra các quy định là nhằm giảm khối lượng lớn quần áo và hàng dệt may được tiêu thụ ở khu vực Bắc Âu. Do vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý để chuyển hướng sản xuất phù hợp với xu hướng thế giới trong thời gian tới.

Tham tán Thương mại tại Hoa Kỳ cũng cho hay, Hoa Kỳ luôn là quốc gia đứng số 1 về nhập khẩu hàng hoá Việt Nam. Tuy nhiên, thách thức khi gia tăng xuất khẩu vào thị trường này ngày càng lớn. Đến nay, Hoa Kỳ là nước đã điều tra tất cả các biện pháp phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam (cả phá giá, trợ cấp, lẩn tránh thuế, tự vệ). Chính vì vậy, thời gian tới, doanh nghiệp Việt cần được sự hỗ trợ của các bộ, ngành trong việc triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác Việt Nam – Hoa Kỳ.

Nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa thương hiệu Việt Nam

Liên quan tới hoạt động xuất khẩu thời gian tới, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục XTTM cho biết, Bộ Công thương tiếp tục rà soát các mặt hàng, thị trường trọng tâm, thực hiện xúc tiến thương mại trong ngắn, trung và dài hạn. Đồng thời, tăng cường truyền thông, quảng bá nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa thương hiệu Việt Nam.