Thực hiện mọi lúc, mọi nơi

Lượng hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam ngày càng lớn. Theo thống kê, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa năm 2023 đạt 296,75 tỷ USD. 3 tháng đầu năm 2024, trị giá nhập khẩu hàng hóa vào nước ta cũng đã vượt 70 tỷ USD. Lượng hàng hóa khổng lồ này kéo theo hàng triệu bản khai để làm thủ tục thông quan.

Hệ thống khai báo, tiếp nhận bản kê thông tin hàng hóa nhập khẩu điện tử được đưa vào hoạt động đã giúp hàng triệu bản khai bằng giấy được số hóa. Điều này mang lại rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp.

Nếu như thời gian trước, khi khai bản giấy người khai hải quan phải thực hiện khai và nộp tại cửa khẩu. In bản kê, nộp bản kê cho cơ quan hải quan để xác nhận tiếp nhận (trường hợp khai sai, khai chưa đủ sẽ phải khai báo lại từ đầu), xác nhận vào cửa khẩu. Trường hợp khai sai phải in bản kê khai lại nhiều lần và hồ sơ phải lưu bản giấy.

Hải quan số hóa hàng triệu bản khai tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhập khẩu
Nguồn: Tổng cục Hải quan. Đồ họa: Văn Chung

Tuy nhiên, khi khai báo điện tử, người khai hải quan có thể khai và nộp tại bất kì điểm nào có kết nối internet. Hệ thống tự động tiếp nhận và trả kết quả cho người khai hải quan. Người khai chỉ cần sử dụng kết quả và cung cấp số bản kê/mã barcode cho cơ quan hải quan để xác nhận hàng vào cửa khẩu.

Người khai hoàn toàn chủ động, lưu thông tin, khai báo sửa đổi bổ sung trước khi nộp lên hệ thống, không cần in bản kê để chờ cơ quan hải quan đóng dấu xác nhận. Đặc biệt, khi khai điện tử, người khai hải quan không phải lưu hồ sơ giấy.

Theo anh Nguyễn Bắc Bình - Công ty TNHH MTV Đức Thịnh, Lạng Sơn, mỗi tháng doanh nghiệp làm thủ tục cho hàng chục chuyến hàng. Sẽ rất khó theo dõi từng chuyến hàng nếu không có những ứng dụng điện tử. Với hệ thống mới, doanh nghiệp có thể định vị chính xác từng chuyến hàng của mình đang ở đâu, đã được thông quan hay còn vướng mắc thủ tục gì. Rất dễ theo dõi.

Tăng hiệu lực, hiệu quả

Không chỉ doanh nghiệp hưởng nhiều lợi ích từ hệ thống này, đối với cơ quan hải quan, đây là một nghiệp vụ quan trọng trong công tác cải cách, hiện đại hóa của ngành Hải quan, tạo cơ sở dữ liệu điện tử phục vụ xây dựng hải quan số, hải quan thông minh.

Ông Nguyễn Vũ Thân - Trưởng phòng, Cục Giám sát quản lý (Tổng cục Hải quan), việc sử dụng hệ thống khai báo này trước tiên là hết sức minh bạch, phục vụ cho kiểm tra, giám sát từ cấp tổng cục, cấp cục tới cấp chi cục ở hải quan địa phương. Đặc biệt là các cán bộ hải quan trực tiếp làm thủ tục ở cửa khẩu.

Ngoài ra, nếu như trước khi triển khai hệ thống, cơ quan hải quan phải kiểm tra thông tin bản kê do doanh nghiệp khai báo và nộp, đóng dấu công chức tiếp nhận; tiếp nhận và xác nhận hàng vào cửa khẩu trên bản khai giấy. Cơ quan hải quan cần một công chức tiếp nhận và một công chức giám sát tại cửa khẩu để xác nhận bản kê đã được vào cửa khẩu, đồng thời phải lưu hồ sơ bản giấy.

Tuy nhiên, khi khai báo điện tử, hệ thống tự động tiếp nhận, kiểm tra và trả kết quả cho người khai. Hệ thống cũng tiếp nhận số bản kê/mã barcode, tra cứu trên hệ thống và xác nhận trên hệ thống. Về nhân lực, cơ quan hải quan chỉ cần bố trí một công chức giám sát tại cửa khẩu xác nhận bản kê đã được vào cửa khẩu trên hệ thống. Đặc biệt không phải lưu hồ sơ giấy.

Hải quan số hóa hàng triệu bản khai tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhập khẩu

Theo ông Nguyễn Anh Tài - Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn, việc áp dụng hệ thống giúp cho công việc của cơ quan hải quan tăng thêm hiệu lực với mục tiêu là tạo thuận lợi, phi giấy tờ và giúp cơ quan quản lý nhà nước quản lý hiệu quả nhất, ngăn chặn được hàng hóa bất hợp pháp vào Việt Nam.

Việc khai báo, tiếp nhận, kiểm tra, xác nhận bản kê thông tin hàng hóa nhập khẩu điện tử cũng được đánh giá là góp phần ngăn chặn việc đưa hàng cấm vào Việt Nam, hàng hoá không đáp ứng yêu cầu chất lượng, vệ sinh và giấy phép do gắn trách nhiệm người nhập khẩu từ khi chưa đưa hàng hoá vào Việt Nam. Đồng thời kết nối được các khâu trong chuỗi dây chuyền thủ tục nhất là hàng hoá vận chuyển độc lập, từ đó đảm bảo hiệu quả quản lý hải quan. Không còn xảy ra việc đưa hàng hoá vào Việt Nam mà không rõ chủ hàng, người nhập khẩu.

Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan có thể kiểm soát, cập nhật tình hình phương tiện và hàng hoá nhập khẩu vào các cửa khẩu theo thời gian thực để từ đó có những biện pháp, điều chỉnh và quản lý hiệu quả; có đủ thông tin trước để đánh giá rủi ro các lô hàng nhập khẩu.

Để tạo thuận lợi thương mại, khơi thông hàng hóa xuất nhập khẩu, ngành Hải quan đang đề ra chỉ tiêu cụ thể như đến năm 2025, 100% thủ tục hải quan được số hóa và phương thức điện tử. 95% chứng từ thuộc hồ sơ hải quan được chuyển sang dạng dữ liệu số và bản kê hàng hóa điện tử là một cấu phần quan trọng trong việc hướng tới hải quan số, hải quan thông mà ngành Hải quan đang nỗ lực thực hiện.

Giảm chi phí tuân thủ, thời gian thông quan cho doanh nghiệp

Hải quan số hóa hàng triệu bản khai tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhập khẩu

"Doanh nghiệp nhận được rất nhiều lợi ích từ những cải cách này. Dễ nhận thấy đó là giảm chi phí tuân thủ, thời gian thông quan và áp lực trong quá trình xuất nhập khẩu hàng hóa. Đặc biệt, khi hiện đại hóa hải quan, doanh nghiệp có thể làm thủ tục mọi lúc, mọi nơi để có thể chủ động khai báo, làm thủ tục cho các lô hàng của mình nhanh nhất, thuận lợi nhất" - PGS. TS Vũ Duy Nguyên - Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính)