nghi định 67

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà phát biểu tại Hội nghị.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chủ trì Hội nghị; Hội nghị còn có sự tham dự của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát; Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Xuân Cường; Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cùng lãnh đạo các bộ, ban ngành của Trung ương và địa phương, các doanh nghiệp đóng tàu trên cả nước.

Trước đó, ngày 7/7/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản. Ngay sau khi Nghị định được ban hành, các Bộ, ngành và các địa phương có liên quan đã tích cực triển khai thực hiện.

Báo cáo tại hội nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Bộ đã kịp thời ban hành các văn bản và thông tư hướng dẫn. Cụ thể, Bộ đã có công văn 6021/BNN-TCTS đề nghị UBND các tỉnh, thành phố ven biển chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền phổ biến Nghị định, xác định các dự án ưu tiên đầu tư trong kế hoạch…, ban hành công văn 6049/BNN- TCTS gửi UBND các tỉnh, thành phố ven biển dự kiến số lượng tàu cá đóng mới dựa trên cơ sở trữ lượng nguồn hải sản và khả năng cho phép khai thác tối đa của nguồn lợi đối với từng nghề và từng vùng biển...

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã ban hành Quyết định chỉ định các đơn vị thiết kế mẫu tàu cá vỏ thép, khai thác hải sản, tàu dịch vụ hậu cần; Quyết định hướng dẫn về số lượng tàu cá đóng mới. Bộ đang dự thảo lần cuối các Thông tư: Quy định yêu cầu kỹ thuật đối với thiết kế mẫu tàu cá; quy định yêu cầu về nhà xưởng, trang thiết bị đối với cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá; quy định về duy tu, sửa chữa tàu cá vỏ thép.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, thực hiện triển khai Nghị định 67/2014/NĐ- CP, Bộ Tài chính đã ban hành 4 Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định.

Cụ thể: Thông tư hướng dẫn thực hiện các chính sách hỗ trợ đầu tư, ưu đãi thuế và một số chính sách khác theo quy định tại Điều 3,6,7 của Nghị định 67; Thông tư 114/2014/TT- BTC hướng dẫn cấp bù lãi suất do thực hiện chính sách tín dụng theo Nghị định 67; Thông tư 115/2014/TT-BTC hướng dẫn thực hiện chính sách bảo hiểm quy định tại Nghị định 67; Thông tư 116/2014/TT-BTC hướng dẫn một số vấn đề về tài chính đối với các DN bảo hiểm thực hiện bảo hiểm theo quy định tại Nghị định 67.

Thứ trưởng nhấn mạnh, một số điểm đáng chú ý theo Thông tư 116/2014/TT-BTC là các DN bảo hiểm tham gia triển khai bảo hiểm khai thác hải sản theo phương thức đồng bảo hiểm, khi ký kết hợp đồng bảo hiểm với tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác, sử dụng tàu (sau đây gọi là chủ tàu) các DN bảo hiểm tham gia đồng bảo hiểm cùng đứng tên trong hợp đồng bảo hiểm; DN bảo hiểm đứng đầu có trách nhiệm thay mặt các DN tham gia đồng bảo hiểm thu phí bảo hiểm. Các DN tham gia đồng bảo hiểm có trách nhiệm ủy quyền cho DN bảo hiểm đứng đầu thu hộ phí bảo hiểm.

Về chi phí của DN bảo hiểm, DN bảo hiểm được phép sử dụng tối đa 30% doanh thu phí bảo hiểm để chi bán hàng, chi quản lý, chi hoa hồng đại lý bảo hiểm, chi thù lao. Trong đó, đối với hoa hồng đại lý bảo hiểm và thù lao, DN bảo hiểm được phép chi không quá 5% phí bảo hiểm thu được.

Trong phạm vi quản lý của mình, Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành Thông tư số 22/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện chính sách tín dụng theo Nghị định số 67/NĐ-CP.

Theo đó, chủ tàu được vay tới 70-95% giá trị đầu tư với lãi suất đồng nhất là 7%/năm, trong đó nhà đầu tư chỉ phải trả 1-3%/năm, phần còn lại do NSNN cấp bù.

Đối với trường hợp đóng mới tàu vỏ thép, vỏ vật liệu mới, chủ đầu tư được vay tới 95% giá trị đầu tư đóng mới tàu có tổng công suất máy chính từ 800CV trở lên với lãi suất phải trả là 1%/năm (NSNN cấp bù 6%/năm); được vay tới 90% giá trị đầu tư đóng mới tàu có tổng công suất máy chính từ 400CV đến dưới 800CV với lãi suất phải trả là 2%/năm (NSNN cấp bù 5%)...

Sau Hội nghị này, các Bộ, ban ngành của các địa phương, các DN sẽ hoàn thiện các Thông tư, văn bản hướng dẫn để ban hành cùng thời gian Nghị định 67 có hiệu lực./.

Hồng Chi