Hội nghị Văn hóa toàn quốc: Để văn hóa soi đường cho quốc dân đi
Hội nghị Văn hóa toàn quốc: Chấn hưng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam
Nhà hát Lớn Hà Nội - nơi 75 năm trước đã diễn ra Hội nghị Văn hoá toàn quốc lần thứ Nhất.

Xây dựng hệ sinh thái văn hóa bao trùm và xuyên suốt

Trao đổi với báo chí trước thềm Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, muốn chấn hưng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam thì trước tiên cần phải nâng tầm nhận thức theo đúng quan điểm, đường lối của Đảng để không bị chệch hướng khi xây dựng, phát triển nền văn hóa. “Khi và chỉ khi nhận thức đầy đủ, có hệ thống và nâng tầm nhận thức của mỗi cán bộ, đảng viên thì chúng ta mới có điều kiện thực hành văn hóa đúng đường lối, quan điểm của Đảng, mới không đi chệch hướng, phát huy được đầy đủ các nội hàm xây dựng nền văn hóa mà chúng ta đang hướng đến là tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” - Bộ trưởng chia sẻ.

Theo Bộ trưởng, phải xây dựng hệ sinh thái văn hóa mà bao trùm, xuyên suốt là xây dựng cho được một môi trường văn hóa, tiếp cận theo hướng chọn việc, chọn điểm, chọn lĩnh vực và ưu tiên vấn đề văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân.

Bộ trưởng trao đổi thêm: Khi chúng ta coi doanh nghiệp là trái tim của nền kinh tế, vậy phải xây dựng môi trường văn hóa ở lĩnh vực này như thế nào để đảm bảo hàm lượng văn hóa trong kinh tế và kinh tế trong văn hóa? Đồng thời phải chú ý làm thực chất hơn việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, từ khu dân cư, các cơ quan đơn vị, để đó thực sự là môi trường văn hóa lành mạnh.

Văn hóa có sức mạnh to lớn

Văn hóa xây dựng nhân cách, giáo dục con người có lý tưởng cao cả, tạo nên cuộc sống nhân văn. Từ những ngày đầu lập nước, Bác Hồ đã có quyết tâm: “Phải làm thế nào cho văn hóa vào sâu trong tâm lý của quốc dân, nghĩa là văn hóa phải sửa đổi được tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ. Văn hóa phải làm thế nào cho ai cũng có lý tưởng tự chủ, độc lập, tự do. Đồng thời văn hóa phải làm thế nào cho quốc dân có tinh thần vì nước quên mình, vì lợi ích chung mà quên lợi ích mình”. (Trích Báo Cứu quốc số 416 ra ngày 25/11/1946).

Thấu tỏ và cổ vũ những sáng tạo nhân văn

Khi đặt ra vấn đề chấn hưng văn hóa là thể hiện rõ sự quyết tâm làm cho văn hóa có những bước phát triển vượt trội, quyết tâm không chấp nhận văn hóa có bước đi chậm hơn so với những lĩnh vực khác của xã hội, cũng như những sự trễ hẹn của đời sống văn hóa với thực tại chung, với khu vực và thế giới.

Sự trễ hẹn có thể ví dụ ở đây là trong khi lĩnh vực văn hóa nghệ thuật ở các nước đã hình thành các ngành công nghiệp cho doanh thu hàng tỷ USD, thì Việt Nam vẫn còn mới ở dạng tập sự, loay hoay dò đường.

Muốn văn hóa phát triển thực sự, trước hết phải từ bỏ quan điểm văn hóa chỉ giống như là “cờ, đèn, kèn, trống”… thêm thắt vào cho cuộc sống nhiều màu sắc, có thể dễ dàng cắt bỏ như một yếu tố phụ những lúc cần tiền đầu tư vào lĩnh vực khác.

Bên cạnh đó, muốn nâng cao nhận thức của người dân trong sáng tạo và thụ hưởng văn hóa, để nhân dân thực sự là chủ thể, thì phải thấu hiểu và coi trọng thị hiếu của công chúng. Từ sự thấu tỏ ấy, Nhà nước nâng đỡ, cổ vũ những sáng tạo nghệ thuật truyền cảm hứng tích cực, giàu tính nhân văn. Trước đây chúng ta đã có thời gian nhiều năm xây dựng hình tượng con người mới, cho đến nay, những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam, truyền thống hay hiện đại đều rất cần được tôn vinh.

Văn hóa là lĩnh vực rộng lớn, có sức lan tỏa, nhất là trong thời đại cách mạng số, mạng xã hội tác động rất nhanh và rất lớn tới toàn xã hội, và tác động đó luôn có hai mặt. Muốn quản lý, dẫn dắt công chúng thưởng thức văn hóa chọn lọc thì một mặt phải xây dựng dòng văn hóa nghệ thuật chủ lưu đủ sức cuốn hút, một mặt phải hoàn thiện về thể chế, chính sách và công cụ pháp luật để từ đó thanh lọc, loại trừ những kẻ nhân danh văn hóa nghệ thuật làm vẩn đục môi trường xã hội.

Văn hóa có thể thẩm thấu, làm thanh sạch xã hội, góp phần làm cho đất nước cường thịnh hơn khi thực sự được chấn hưng, được nhìn nhận đúng tầm vóc của nó.

Câu hỏi mà đại biểu quốc hội Bùi Hoài Sơn đặt ra cho Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong phiên chất vấn tại Quốc hội đến nay vẫn đầy ấn tượng: “Liệu chúng ta có thể thêm chữ “văn hóa” vào kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, thêm chữ “văn hóa” và đánh giá tác động xã hội để văn hóa thực sự được đánh giá đúng, trúng và rõ ràng hơn hay không?”. Đây không chỉ là thắc mắc và mong muốn của riêng đại biểu. Chúng ta cần nhìn lại – suốt cả chặng đường dài gian nan phấn đấu đưa đất nước phát triển nên thành tựu như ngày hôm nay, có khi nào đã có lúc, có nơi văn hóa chưa được coi trọng đúng tầm là ánh sáng để soi đường, để ôm trùm xã hội như nó cần phải thế?