Sáng 21/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn việc thực hiện các nghị quyết của UBTVQH về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV đến hết năm 2023 đối với nhóm lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn; công thương; văn hóa, thể thao và du lịch.

Điều chỉnh giá điện bậc thang để hỗ trợ người thu nhập thấp

Đặt câu hỏi chất vấn với Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, trong đó tiền điện sinh hoạt tính theo 6 bậc thang hiện nay chưa phù hợp thực tế tiêu dùng của người dân. Chẳng hạn, mức sử dụng bậc 1 (0-50 kWh) là quá thấp. Đại biểu đề nghị Bộ Công thương cho biết giải pháp sửa biểu giá điện thế nào để phù hợp hơn, đồng thời đề xuất có thể xem xét miễn thuế GTGT 10% với tiền điện, để hỗ trợ người dân, nhất là hộ nghèo hay không.

Giảm thuế Giá trị gia tăng để giảm giá điện là không hợp lý
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết biểu giá điện bậc thang là mô hình phổ biến, nhiều quốc gia sử dụng, nhằm khuyến khích các khách hàng sử dụng điện tiết kiệm. Theo Quyết định 28 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ, biểu giá điện bán lẻ gồm 6 bậc. Tuy nhiên, biểu giá này bộc lộ bất cập nên thời gian qua Bộ Công thương đã nghiên cứu, sửa đổi.

Ngoài rút gọn số bậc thang, ở lần chỉnh sửa Quyết định 28 này, giá điện cho từng bậc cũng được thiết kế lại theo nguyên tắc hạn chế tối đa tác động tới các hộ sử dụng điện. Giá cho nhóm khách hàng (sản xuất, kinh doanh, dịch vụ...) cũng được điều chỉnh. Việc này nhằm dần xóa khoảng cách bất hợp lý, bù chéo giữa các đối tượng sử dụng điện, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho hay.

Mới đây, Bộ Công thương đã trình Chính phủ dự thảo quyết định sửa đổi Quyết định 28. Trong đó, cách tính tiền điện sinh hoạt được rút xuống còn 5 bậc, thay vì 6 bậc như hiện hành. Bậc rẻ nhất tính cho hộ gia đình dùng dưới 100 kWh thay vì 50 kWh hiện nay để hỗ trợ người nghèo. Còn cao nhất (bậc 5) từ 701 kWh trở lên.

Tham gia trả lời thêm về nội dung giảm thuế để giảm giá điện, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh thuế là nguồn thu chủ yếu của ngân sách nhà nước (NSNN), thuế thu được mới đảm bảo tài chính công vững mạnh, đảm bảo chi cho hoạt động của bộ máy nhà nước, an sinh xã hội, cơ sở hạ tầng, an ninh quốc phòng… Vì vậy, việc giảm thuế để giải quyết một vấn đề biến động theo giá cả của thị trường sẽ không hợp lý.

Thực tế, khi gặp khó khăn do tác động khách quan như dịch Covid, 5 năm nay, Quốc hội đã giảm thuế, giảm tiền thuê đất cho các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân khoảng 200.000 tỷ đồng.

Với thuế suất thuế GTGT, mức 10% đã áp dụng 25 năm nay (từ năm 1999) và cũng là mức thấp. Do đó, việc giảm thuế trong trường hợp này không hợp lý, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu rõ.

Đối với vấn đề đại biểu nêu về giá điện bậc thang, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay các hộ gia đình nghèo, gia đình chính sách đã được hỗ trợ về giá điện sinh hoạt. Còn việc áp dụng điện bậc thang là để khuyến khích các hộ gia đình sử dụng tiết kiệm điện.

Giảm thuế Giá trị gia tăng để giảm giá điện là không hợp lý
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời tại phiên chất vấn.

Đa dạng hóa nguồn lực đào tạo nhân tài cho ngành văn hóa

Chất vấn về lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, đại biểu Dương Minh Ánh (đoàn Hà Nội) cho biết, hiện nay, việc đào tạo nguồn nhân lực lĩnh vực nghệ thuật trên toàn quốc đang bị thu hẹp về quy mô, giảm về chất lượng, nhiều ngành, nhiều chuyên ngành không tuyển sinh được số lượng chuyên gia, nhà khoa học có chuyên môn cao, cán bộ quản lý về văn hóa có chuyên môn ngày càng giảm, các cơ sở đào tạo nghệ thuật gặp khó khăn trong việc tự chủ. Với trách nhiệm tư lệnh ngành, đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) cho biết nguyên nhân, giải pháp để nâng cao chất lượng và tăng số lượng, đáp ứng nguồn nhân lực lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật giai đoạn tới đây?

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết, cơ quan quản lý Nhà nước đã nhiều lần báo cáo trước Quốc hội, nếu không có các giải pháp quyết liệt thì có thể sẽ có một số bộ môn nghệ thuật truyền thống sẽ “khép lại”.

Hiện tại, Chính phủ đã có các quy định để khuyến khích, động viên như giảm học phí, có chế độ ưu đãi khi học các bộ môn nghệ thuật truyền thống. Bộ VHTTDL đã và đang triển khai trên cả nước, không chỉ trong các trường của Bộ.

Về lâu dài, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng cần phải có nhiều giải pháp để người dân yêu văn hóa Việt Nam, coi nghệ thuật truyền thống văn hóa Việt Nam là hồn cốt cần gìn giữ, lưu truyền.

Giảm thuế Giá trị gia tăng để giảm giá điện là không hợp lý
Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn

Trả lời thêm về khía cạnh tài chính trong việc đào tạo nhân tài ở lĩnh vực văn hóa, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay, theo Đề án 1301 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 18/7/2016, hàng năm ngân sách trung ương (NSTW) bố trí 45 tỷ đồng.

Còn theo Quyết định 1341 thì phải bố trí đủ kinh phí để thực hiện các mục tiêu, giải pháp của Đề án. Kinh phí đề án theo quy định là gồm NSTW và ngân sách địa phương (NSĐP). Đối với 18 các tỉnh, thành đã cân đối được ngân sách thì NSĐP tự chủ động bố trí. Với 45 tỉnh chưa cân đối được ngân sách thì sẽ bố trí trong dự toán chi của NSĐP và NSTW sẽ cấp bù cân đối. Với những tỉnh chưa bố trí, Bộ trưởng đề nghị các tỉnh sớm bố trí, đưa vào dự toán ngân sách, vì đây là chính sách do trung ương ban hành.

Ngoài nguồn vốn ngân sách đã bố trí, tại Quyết định 1341 cũng quy định về việc thu hút, đa dạng hóa nguồn kinh phí của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho đào tạo nhân tài trong lĩnh vực văn hóa, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết.