Hỏi: Có nhà hảo tâm ở nước ngoài muốn biếu, tặng quà cho học sinh khiếm thị của Trung tâm. Vậy chính sách thuế nhập khẩu đối với các hàng hóa biểu tặng này sẽ áp dụng như thế nào?

Hướng dẫn chính sách
PGS. TS Lê Xuân Trường

PGS. TS Lê Xuân Trường: Theo quy định của pháp luật thuế XNK, định mức quà biếu, tặng của tổ chức, cá nhân nước ngoài cho tổ chức, cá nhân Việt Nam; quà biếu, quà tặng của tổ chức, cá nhân Việt Nam cho tổ chức, cá nhân nước ngoài có trị giá hải quan không vượt quá 2 triệu đồng hoặc có trị giá hải quan trên 2 triệu đồng nhưng tổng số tiền thuế phải nộp dưới 200 nghìn đồng và được miễn thuế không quá 4 lần/năm.

Ngoài ra, quà biếu, tặng của tổ chức, cá nhân nước ngoài cho cơ quan, tổ chức Việt Nam được NSNN đảm bảo kinh phí hoạt động theo pháp luật về ngân sách; quà biếu, quà tặng vì mục đích nhân đạo, từ thiện có trị giá hải quan không vượt quá 30 triệu đồng được miễn thuế không quá 4 lần/năm.

Trường hợp vượt định mức miễn thuế của cơ quan, tổ chức được NSNN đảm bảo kinh phí hoạt động, Bộ Tài chính sẽ xem xét quyết định miễn thuế đối với từng trường hợp cụ thể.

Hỏi: Doanh nghiệp thuê nhà của cá nhân làm trụ sở giao dịch nhưng cá nhân không có hóa đơn thì có được tính khoản chi phí này là chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp không? Nếu doanh nghiệp nộp thay thuế thu nhập cá nhân cho người cho thuê nhà thì có được tính chi phí được trừ không?

PGS. TS Lê Xuân Trường: Căn cứ tiết 2.5 khoản 2 Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC đã được sửa đổi, bổ sung theo Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC thì trường hợp này, hồ sơ để xác định chi phí được trừ là hợp đồng thuê tài sản và chứng từ trả tiền thuê tài sản. Trường hợp này không cần hóa đơn.

Nếu trong hợp đồng thuê tài sản có thỏa thuận tiền thuê tài sản chưa bao gồm thuế (thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân) và doanh nghiệp nộp thay cho cá nhân. Đồng thời, doanh nghiệp đã có chứng từ nộp thuế thay cho cá nhân thì phần thuế nộp thay cho cá nhân được tính là chi phí được trừ.