Làm sao để kiểm soát việc góp vốn “khống”, góp “ảo” của đối tác?
LS. Lê Văn Tiến - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội

Trả lời: Theo Điều 4.34 Luật Doanh nghiệp 2020, vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên công ty, chủ sở hữu công ty đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng mệnh giá cổ phần đã bán hoặc được đăng ký mua khi thành lập công ty cổ phần.

Đảm bảo quyền tự do kinh doanh, Luật Doanh nghiệp 2020 không có quy định bắt buộc công ty phải đăng ký bao nhiêu vốn vốn điều lệ mà trao quyền cho cổ đông quyết định mức vốn điều lệ, tự quyết định việc kinh doanh của mình, ngoại trừ một số ngành nghề đặc thù bắt buộc phải có vốn tối thiểu, chẳng hạn: môi giới chứng khoán (25 tỷ đồng), công ty cho thuê tài chính (150 tỷ đồng), ngân hàng thương mại (3.000 tỷ đồng),…

Hiện Luật Doanh nghiệp 2020 và Nghị định 01/2021/NĐ-CP cho phép doanh nghiệp tự kê khai vốn điều lệ khi thành lập, cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ không xem xét, thẩm tra việc góp vốn vào thời điểm đăng ký. Lạm dụng cơ chế “tiền đăng hậu kiểm”, nhiều doanh nghiệp cố tình kê khai, đăng ký vốn ảo.

Việc cố tình kê khai, đăng ký vốn “ảo” tiềm ẩn nhiều rủi ro cho chính bản thân doanh nghiệp. Theo Điều 16.5 Luật Doanh nghiệp 2020, việc kê khai khống vốn điều lệ, không góp đủ số vốn điều lệ như đã đăng ký là hành vi bị nghiêm cấm và có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Điều 47 Nghị định 122/2021/NĐ-CP. Dù vốn góp ảo, nhưng trường hợp phát sinh nghĩa vụ, các cổ đông hay thành viên góp vốn vẫn phải chịu trách nhiệm tương ứng với phần vốn góp đã đăng ký cũng như tiềm ẩn rủi ro phát sinh tranh chấp liên quan đến phân chia lợi nhuận, trách nhiệm giữa các cổ đông/thành viên góp vốn.

Ngoài ra, trường hợp doanh nghiệp không góp góp đủ vốn điều lệ đăng ký, phần chi phí lãi vay sẽ không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN theo khoản 2.17 và khoản 2.18 Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC.

Việc góp vốn khống, vốn ảo, tạo nên hình ảnh không có thật về doanh nghiệp và làm các bên trong giao dịch hiểu “sai lệch” tiềm lực của đối tác khi giao kết.

Để kiểm soát rủi ro trong các giao dịch, nhất là các giao dịch mua bán, sáp nhập, việc thẩm định vốn điều lệ là điều cần thiết. Trên thực tế, để chứng minh việc góp vốn của doanh nghiệp có thể được kiểm chứng thông qua nhiều cách khác nhau: biên bản góp vốn; phiếu thu của công ty hoặc sao kê tài khoản ngân hàng thể hiện đã thanh toán tiền góp vốn bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản; sổ cổ đông/thành viên góp vốn công ty; giấy chứng nhận cổ phần/vốn góp; báo cáo tài chính của công ty; các chứng từ khác (nếu có).

Trong các hợp đồng, thỏa thuận được giao kết, các bên cần quy định rõ các điều khoản yêu cầu đối tác cam kết đã hoàn thành việc góp đủ vốn điều lệ như là điều kiện tiên quyết làm phát sinh hiệu lực; đồng thời bổ sung các chế tài phạt vi phạm hợp đồng nếu đối tác vi phạm.