Kịch bản nào phù hợp cho phát triển kinh tế TP. Hồ Chí Minh?
Một góc trung tâm TP.Hồ Chí Minh. Ảnh: Sơn Nam

Kịch bản và những khó khăn thách thức

Trên cơ sở nhận định, đánh giá, phân tích tình hình, Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh đặt ra 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế TP. Hồ Chí Minh năm 2023 là 6,08%, 6,47% và 7,46%. Tuy nhiên, với bối cảnh kinh tế toàn cầu và cả nước như hiện nay, nhiều khả năng tăng trưởng kinh tế thành phố sẽ rơi vào kịch bản 6,08%.

Bàn về vấn đề này, TS. Nguyễn Văn Hiến - nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính - Marketing cho rằng, tăng trưởng kinh tế TP. Hồ Chí Minh 9 tháng đầu năm 2023 đạt 4,57%, đây là con số khá khiêm tốn so với mục tiêu đề ra. Nếu như quý I tốc độ tăng trưởng GRDP chỉ đạt 0,7% thì quý II đã đạt 5,87% và quý III đạt ngưỡng 6,71%. Đây là những con số đáng mừng vì tốc độ tăng trưởng kinh tế của TP. Hồ Chí Minh giữa các quý của năm cao hơn hẳn so với cả nước.

Theo ông Hiến, năm 2023 là năm vô cùng khó khăn trên bình diện toàn cầu cũng như trong nước. Riêng TP. Hồ Chí Minh, dù đối diện với những khó khăn, thách thức do tác động của các yếu tố bên trong và bên ngoài nền kinh tế, tuy nhiên, trong 3 quý đầu năm, TP. Hồ Chí Minh đã ngăn được đà suy thoái, kinh tế đi vào quỹ đạo tăng trưởng trở lại, quý sau cao hơn quý trước.

Theo đánh giá của Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh, động lực tăng trưởng chính của thành phố trong 10 tháng đầu năm là tăng trưởng tiêu dùng, đầu tư công và các hỗ trợ tài khóa (miễn, giãn thuế và một số loại phí).

Mặc dù trong những tháng gần đây, một số động lực tăng trưởng kinh tế đã có dấu hiệu khởi sắc, kinh tế thành phố cũng đã có những tín hiệu tích cực của các trụ cột tăng trưởng, nhưng những tín hiệu này vẫn còn khá yếu ớt, chưa đủ sức vực dậy tăng trưởng kinh tế của thành phố để đạt được mục tiêu như kế hoạch đề ra.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, nhu cầu tiêu dùng tại TP. Hồ Chí Minh đang trên đà phục hồi nhưng vẫn còn khá khiêm tốn, chưa bằng mức trước dịch Covid-19, chưa tạo được động lực cho sản xuất, đầu tư và tiêu dùng. Hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục khó khăn do nhu cầu nhập khẩu của thế giới giảm mạnh ở phần lớn mặt hàng chủ lực của thành phố.

Tốc độ giải ngân đầu tư công của TP. Hồ Chí Minh so với các năm trước là tương đối khá nhưng so với mục tiêu và yêu cầu đặt ra thì vẫn còn khá chậm. Đồng thời, cũng trong giai đoạn này, thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào thành phố giảm 34,1%, chỉ đạt gần 2 tỷ USD.

Kỳ vọng vượt khó trong quý IV

Theo phân tích, nhận định từ các chuyên gia, nền kinh tế thế giới những tháng cuối năm 2023 vẫn còn đó rất nhiều khó khăn thách thức và diễn biến khó lường. Cuộc chiến Nga - Ukraina còn chưa lắng xuống thì gần đây lại nổ ra cuộc xung đột quân sự ở khu vực Trung Đông giữa Israel - Hamas ẩn chứa rất nhiều những nguy cơ tiềm tàng khủng hoảng giá xăng dầu thế giới thêm một lần nữa vì khu vực Trung Đông là trung tâm cung cấp dầu mỏ của thế giới.

Các tín hiệu lạc quan từ các thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, châu Âu vẫn chưa xuất hiện nhiều. Kinh tế châu Âu cũng như Hoa Kỳ đang bị chi phối bởi chính sách tiền tệ chống lạm phát của các ngân hàng trung ương tại các quốc gia đó nên thị trường bị thu hẹp. Dấu hiệu phục hồi kinh tế Trung Quốc sau đại dịch cũng chưa rõ ràng. Tất cả những vấn đề này khiến xuất khẩu của Việt Nam nói chung và của TP.Hồ Chí Minh nói riêng tiếp tục bị ảnh hưởng, khó có thể phục hồi mạnh mẽ vào quí IV.

Theo TS. Trương Minh Huy Vũ - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh, các điều kiện tự nhiên đang thay đổi với biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt; những dư địa phát triển dần hạn hẹp với dân số tăng cao và hạ tầng giao thông chưa phát triển đồng bộ; những vấn đề về chính quyền đô thị quản lý bộ máy cần các giải pháp cụ thể, quyết liệt. Tuy nhiên, những bước chuyển biến trong 2 năm qua mang tính quyết định của thành phố đã và đang cho thấy tính phù hợp với xu thế phát triển.

Kịch bản nào phù hợp cho phát triển kinh tế TP. Hồ Chí Minh?
Khu công nghệ cao TP.Hồ Chí Minh. Ảnh: Sơn Nam

Ông Vũ cũng cho rằng, năng lực kinh tế tập trung cao tiếp tục được phát huy nhưng thành phố đã ở một “bảng phân vai” khác, với lợi thế cạnh tranh là chất lượng nhân lực, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao và khả năng tiếp cận hạ tầng logistics chiến lược.

Một trong những điểm nhấn mới hiện nay là TP. Hồ Chí Minh dựa trên 4 đặc trưng về văn hóa, sinh thái, sáng tạo, giao thông công cộng đã kiến tạo những trục đô thị khác nhau, gắn các trọng điểm đô thị. Đặc biệt là các không gian mang tính biểu tượng với mạng lưới sông ngòi kênh rạch, biến cấu trúc hạ tầng xanh trở thành những hành lang kinh tế trọng yếu.

Tất nhiên, để hiện thực hóa tất cả chiến lược phát triển nói trên, điều kiện tiên quyết chính là tiến hành cuộc cải cách mạnh mẽ nền hành chính - tài chính công và thúc đẩy hình thành các định chế công phi lợi nhuận. TP. Hồ Chí Minh đã và đang được tháo gỡ nhiều vướng mắc, bước đầu bằng Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh.

Theo TS. Nguyễn Văn Hiến, với những thuận lợi cũng như những khó khăn như phân tích ở trên, kinh tế TP. Hồ Chí Minh trong quí IV/2023 dự báo sẽ có bước tăng trưởng khá so với các quý trước, nhưng khó có thể bứt phá ở mức trên 11%, vì vậy dự báo mức tăng trưởng kinh tế chung trong năm 2023 của TP. Hồ Chí Minh cố gắng lắm chỉ đạt con số 6,5% là phù hợp với tình hình thực tế.

Trong năm 2024, 3 vấn đề thể chế - chính sách quan trọng khác tiếp tục được đặt lên nghị trình của quốc gia, đó là: Trung tâm Tài chính quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh; phát triển hệ thống đường sắt đô thị; cơ chế phát triển và điều phối vùng Đông Nam bộ. Đây là cơ sở của các thể chế mang tính quyết định cho tương lai phát triển của TP. Hồ Chí Minh.