Doanh nghiệp nhà nước tiên phong chuyển đổi số để xoay chuyển tình thế
Chuyển đổi số góp phần thúc đẩy sự lớn mạnh hơn nữa của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Ảnh minh họa

Sáng 15/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị Thủ tướng Chính phủ làm việc với các chủ tịch, tổng giám đốc một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước được tổ chức với chủ đề “Doanh nghiệp nhà nước tiên phong trong chuyển đổi số và thúc đẩy tăng trưởng”.

Chuyển đổi số là yếu tố sống còn trong tình hình mới

Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Tâm cho biết, năm 2024, tổng tài sản của 671 doanh nghiệp nhà nước đạt trên 5,6 triệu tỷ đồng, tăng 45% so với năm 2023.

Vốn chủ sở hữu đạt gần 3 triệu tỷ đồng, tăng 61%, tổng doanh thu đạt gần 3,3 triệu tỷ đồng, tăng 24%, lợi nhuận trước thuế gần 227,5 nghìn tỷ đồng, tăng 8% và nộp ngân sách nhà nước gần 400 nghìn tỷ đồng, tăng 9%.

Trong đó, các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực công nghệ số đã thể hiện rõ nét vai trò dẫn dắt trong chuyển đổi số, xây dựng hạ tầng số cho các cơ quan của Chính phủ và nhiều địa phương, tổ chức, doanh nghiệp; phát triển và ứng dụng thành công các sản phẩm chuyển đổi số về dịch vụ khách hàng… Nhóm "Big 4" các ngân hàng lớn nhất Việt Nam cũng chuyển đổi số mạnh mẽ trong nhiều năm qua.

Nguyên tắc "cái gì biết mới quản, không biết thì không quản"

Với các bộ ngành, Thủ tướng yêu cầu rà soát, đề xuất, tháo gỡ ngay các vướng mắc thể chế, theo nguyên tắc "cái gì biết mới quản, không biết thì không quản", tăng cường phân cấp, phân quyền. Cùng với đó, rà soát, loại bỏ toàn bộ các thủ tục hành chính rườm rà cho doanh nghiệp; cắt giảm ít nhất 30% thủ tục, chi phí và thời gian tuân thủ.

Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại trong việc thực hiện chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, hiệu quả hoạt động chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ; năng lực cạnh tranh, khoa học công nghệ còn hạn chế; công cụ quản trị kinh doanh còn chậm đổi mới, chưa làm chủ công nghệ lõi trong chuyển đổi số… ở các doanh nghiệp nhà nước.

Tại phiên họp, đại diện các doanh nghiệp nhà nước đều khẳng định quyết tâm hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cao đã được Chính phủ đề ra. Khi các động lực truyền thống đang có nhiều khó khăn, các doanh nghiệp nhấn mạnh chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo sẽ là con đường tắt nhanh nhất đi đến mục tiêu này.

Theo ông Huỳnh Quang Liêm - Tổng Giám đốc VNPT, chuyển đổi số trong hoạt động, điều hành, quản trị của doanh nghiệp là nội dung sống còn của doanh nghiệp trong tình hình mới, đặc biệt là với doanh nghiệp dịch vụ như VNPT. Với vai trò tiên phong trong công cuộc chuyển đổi số từ nhiều năm trước, với năng lực và thực tế đã triển khai của đơn vị, VNPT mong muốn được cùng với Chính phủ đưa các giải pháp chuyển đổi số vào thực tế.

“Đây là đòn bẩy để chúng ta gia tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả vận hành và mở rộng dư địa tăng trưởng cho từng doanh nghiệp, từng ngành nghề” - ông Liêm khẳng định.

Đại diện ngành năng lượng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Công nghiệp năng lượng Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) Lê Mạnh Hùng cho biết, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng rất mạnh mẽ từ xu hướng công nghệ, dịch chuyển năng lượng và đặc biệt là các vấn đề về địa chính trị, như thách thức từ chính sách thuế quan, tỷ giá, lãi suất…

Ngay từ năm 2022, Petrovietnam rất quyết liệt, triển khai mạnh mẽ, bài bản về chuyển đổi số. Các giải pháp về công nghệ số góp phần giúp cho Petrovietnam đạt tốc độ tăng trưởng về doanh thu khoảng 16,7%/năm, nộp ngân sách khoảng 21,3%/năm cho giai đoạn 2021 - 2024 vừa qua.

Ưu tiên các dự án lớn về công nghệ cho doanh nghiệp nhà nước

Để đảm bảo nhu cầu điện cho tăng trưởng kinh tế tốc độ cao, đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, tập đoàn tiếp tục đầu tư mạnh vào hạ tầng điện. Nhiều năm nay, EVN luôn là doanh nghiệp nhà nước đầu tư lớn nhất trong các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Năm 2024, 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước đầu tư 160.000 tỷ đồng, thì riêng EVN là 112.892 tỷ đồng.

Cùng với đẩy mạnh đầu tư, EVN chú trọng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ. Hiện nay 99,5% giao dịch của tập đoàn được thực hiện trên môi trường số, tiết kiệm khoảng 13.000 nhân công. Năm 2024, EVN được ghi nhận là doanh nghiệp chuyển đổi số mức độ 4, phấn đấu năm nay mức độ 5.

Tuy đạt nhiều kết quả tích cực, song Chủ tịch EVN Đặng Hoàng An cũng đánh giá còn rất nhiều việc phải làm, mà khó nhất là cải tiến quy trình nội bộ, gần như phải "đập đi xây lại".

Từ kinh nghiệm thực tiễn, đại diện Ngân hàng Quân đội (MB) cho rằng, để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp nhà nước trong chuyển đổi số, nên ưu tiên các cơ hội về chuyển đổi số, các dự án lớn về công nghệ, dự án về nền tảng mới cho doanh nghiệp nhà nước, từ đó phát huy tính dẫn dắt của các đơn vị này. Bên cạnh đó, cho phép doanh nghiệp nhà nước có chế độ trả lương như doanh nghiệp tư nhân, để có thể đầu tư mạnh mẽ hơn cho chuyển đổi số.

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, chuyển đổi số là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu trong phát triển đất nước và với từng doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải tiên phong trong chuyển đổi số vì có nguồn lực, điều kiện, con người, tham gia dẫn dắt trong chuyển đổi số của đất nước.

Đồng thời, doanh nghiệp phải tăng trưởng cao ở mức 2 con số, để góp phần đưa tăng trưởng GDP cả nước đạt từ 8% trở lên năm 2025 và tăng trưởng 2 con số những năm tới.

Trong chuyển đổi số, Thủ tướng nhấn mạnh một số điểm quan trọng: các doanh nghiệp phải hoàn thiện quy trình, quy định, chuẩn hóa theo chuyển đổi số; xây dựng cơ sở dữ liệu, số hóa tài liệu, hồ sơ để thúc đẩy, phát triển, sử dụng trí tuệ nhân tạo; phát triển hạ tầng số; phát triển các sản phẩm số…

Tất cả các nhiệm vụ này, Thủ tướng lưu ý, phải hòa chung vào quá trình chuyển đổi số của cả nước, trong đó có phong trào Bình dân học vụ số.

Nhấn mạnh "Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội đồng tình, nhân dân ủng hộ, Tổ quốc trông đợi thì chỉ bàn làm, không bàn lùi", Thủ tướng tin tưởng các doanh nghiệp nhà nước sẽ làm tốt việc chuyển đổi số quốc gia và thúc đẩy tăng trưởng theo chủ trương của Đảng, Nhà nước và chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm.

Chuyển đổi số phải do người đứng đầu thực hiện

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Đức Long, để đẩy nhanh chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhà nước cần tập trung một số vấn đề.

Thứ nhất là vai trò của người đứng đầu. Ai cũng có thể ứng dụng công nghệ thông tin nhưng chuyển đổi số thì chỉ người đứng đầu có thể quyết định. Tuy nhiên, người đứng đầu phải trực tiếp làm, trực tiếp phụ trách, theo đúng tinh thần của Nghị quyết 57.

Thời gian vừa qua, các tập đoàn, công ty nhà nước thực hiện chuyển đổi số nhưng đôi khi vẫn theo trào lưu, chưa đi vào thực chất. Thứ trưởng Phạm Đức Long nhấn mạnh, chuyển đổi số là đổi mới sáng tạo, tạo ra những mô hình mới, có những rủi ro, người đứng đầu nếu không trực tiếp làm thì sẽ không thành công.

Thứ hai, chuyển đổi số thể hiện trên dữ liệu, nếu không có dữ liệu thì tất cả công nghệ đều vô nghĩa. Tuy nhiên, hiện nay ý thức xây dựng dữ liệu trong các doanh nghiệp còn thiếu, đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước.

Thứ ba, chuyển đổi số cần một doanh nghiệp công nghệ số đồng hành, bởi đây là một quá trình, không phải một công đoạn. Các doanh nghiệp nhà nước nên chọn một doanh nghiệp công nghệ số đồng hành. Toàn bộ các vấn đề về công nghệ vận hành cải tiến… giao cho doanh nghiệp chuyển đổi số, còn doanh nghiệp nhà nước chỉ tập trung vào đổi mới sáng tạo để tạo ra sản phẩm mới, dịch vụ mới, mô hình mới.

Thứ tư, chuyển đổi số là chuyển đổi mô hình kinh doanh để tạo ra tăng trưởng mới. Tăng trưởng trên 10% không thể đến từ mở rộng quy mô mà phải đến từ đột phá mô hình kinh doanh. Doanh nghiệp cần chuyển đổi từ sản xuất truyền thống sang doanh nghiệp số, dựa trên khoa học công nghệ.