Kiểm toán nhà nước  nhất quán mục tiêu tinh gọn, chất lượng
Năm 2024, Kiểm toán nhà nước tiếp tục phương châm "gọn nhưng chất lượng", hạn chế tối đa ảnh hưởng tới hoạt động của đơn vị được kiểm tra. Ảnh: TL

Góp phần giúp nền tài chính quốc gia minh bạch, bền vững

Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) Ngô Văn Tuấn, để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, KTNN đã bám sát chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước, quyết liệt hành động theo phương châm “gọn nhưng chất lượng”.

Tinh thần “gọn nhưng chất lượng” đã dần thấm vào từng đơn vị, từng công chức, kiểm toán viên trong toàn ngành, thể hiện rõ bằng hành động tiên quyết hạn chế tối đa sự xuất hiện các đoàn kiểm toán trên 1 địa bàn, đơn vị. Mỗi kiểm toán viên tham gia không quá 2 đoàn/năm...

Ngoài tăng cường kiểm toán báo cáo quyết toán của bộ, cơ quan trung ương, địa phương và kiểm toán hoạt động, chuyên đề theo Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030, Kế hoạch kiểm toán năm 2023 đã lựa chọn kiểm toán các chủ đề lớn gắn với việc quản lý, điều hành ngân sách nhà nước (NSNN); chuyên đề có phạm vi rộng được Quốc hội, dư luận xã hội quan tâm. Điều này nhằm đánh giá sâu, toàn diện việc thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phục vụ tích cực cho các hoạt động của Quốc hội về lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của quốc gia. Đồng thời, KTNN kịp thời bổ sung một số nhiệm vụ kiểm toán theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và của Thủ tướng Chính phủ.

KTNN cũng đã tập trung nâng cao chất lượng lập kế hoạch kiểm toán thông qua ứng dụng công nghệ thông tin, qua đó đã giảm đáng kể thời gian, nhân sự khảo sát, kiểm toán trực tiếp, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến hoạt động thường xuyên của đơn vị được kiểm toán.

Với các giải pháp chỉ đạo, điều hành quyết liệt và đồng bộ của lãnh đạo KTNN, cùng sự nỗ lực, quyết tâm cao của toàn ngành, đến ngày 15/12/2023, KTNN đã kết thúc 171 cuộc kiểm toán, phát hành 173 báo cáo kiểm toán đảm bảo mục tiêu, chất lượng với nhiều phát hiện kiểm toán quan trọng.

Kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán tăng đáng kể

Kiểm toán nhà nước  nhất quán mục tiêu tinh gọn, chất lượng
Nguồn: Kiểm toán nhà nước. Đồ họa: Phương Anh

Tổng hợp kết quả sơ bộ cho thấy, KTNN đã kiến nghị xử lý 30.245 tỷ đồng, trong đó kiến nghị tăng thu NSNN 4.099,1 tỷ đồng, giảm chi NSNN 7.392,5 tỷ đồng; kiến nghị khác 18.753,4 tỷ đồng. Đồng thời, KTNN kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới 133 văn bản quy phạm pháp luật và văn bản quản lý có nội dung không phù hợp với quy định chung của Nhà nước và thực tiễn; kiến nghị chấn chỉnh hoạt động, xử lý trách nhiệm của nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan trong công tác quản lý, điều hành, sử dụng tài chính công, tài sản công; qua đó góp phần siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực quốc gia.

Dấu ấn nổi bật nữa giúp kỷ luật, kỷ cương tài chính và hiệu quả nguồn lực quốc gia cải thiện tích cực trong năm qua là KTNN đã quyết liệt thực hiện xử lý các kết luận, kiến nghị kiểm toán, phục vụ phiên giải trình “Việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của KTNN đến hết niên độ NSNN năm 2021”, do Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội tổ chức. Ngay trước và sau phiên giải trình, với sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương, kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán của KTNN đã tăng đáng kể.

Thông qua kiểm toán, thúc đẩy phòng, chống tham nhũng

Năm 2023, toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức KTNN đã quán triệt, nêu gương thực thi “đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp” trong từng nhiệm vụ.

Để tăng cường phát hiện, xác minh, làm rõ các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng trong quá trình kiểm toán, Tổng KTNN đã ban hành Quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng; thường xuyên chỉ đạo tăng cường các biện pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; yêu cầu các đoàn kiểm toán tổ chức thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp, đảm bảo tính đúng đắn của các kết luận, kiến nghị kiểm toán… Kết quả, trong năm 2023, KTNN đã kiến nghị chỉ đạo điều tra 1 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Với trách nhiệm thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng KTNN đã tích cực phối hợp, tham gia với các cơ quan có liên quan trong việc chỉ đạo rà soát để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; chủ động đôn đốc đối với cấp ủy, tổ chức đảng được phân công phụ trách báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hiện kiểm tra công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đối với Tỉnh ủy Sơn La, Lai Châu theo kế hoạch.

Ý nghĩa từ công tác của KTNN còn được thể hiện rõ qua những báo cáo ý kiến của KTNN về dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách trung ương, quyết định chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia. KTNN đã nhanh chóng xây dựng và ban hành các quyết định về hướng dẫn chuẩn bị ý kiến của KTNN về dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách trung ương; hướng dẫn tham gia ý kiến về dự toán thu - chi ngân sách hàng năm của các bộ, cơ quan trung ương...

Kiểm toán nhà nước  nhất quán mục tiêu tinh gọn, chất lượng

“Tổng hợp sơ bộ kết quả đến ngày 15/12/2023, số thực hiện kiến nghị kiểm toán năm 2022 về xử lý tài chính là 57.060,7/71.608,4 tỷ đồng, đạt 79,76% (cùng kỳ năm trước đạt 70,61%); các cơ quan đã sửa đổi, bổ sung và ban hành mới 33 văn bản thay thế các văn bản không phù hợp (cùng kỳ năm 2022 là 25 văn bản); có 64/183 báo cáo có kiến nghị về kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân được thực hiện.

Đây là dấu mốc có ý nghĩa quan trọng, tạo tiền lệ trong việc kiên quyết thực hiện hiệu quả các kết luận, kiến nghị kiểm toán đối với các cơ quan, bộ, ngành, địa phương được kiểm toán..."

- ông Ngô Văn Tuấn - Tổng Kiểm toán Nhà nước.