Mặt bằng lãi suất huy động nhiều ngân hàng tăng 300 – 400 điểm cơ bản

Báo cáo thị trường tiền tệ tuần của SSI Research cho biết, trạng thái thanh khoản ngắn hạn của hệ thống ngân hàng tiếp tục được điều tiết linh hoạt thông qua hoạt động thị trường mở trong tuần qua. Nghiệp vụ OMO vẫn được sử dụng xuyên suốt tuần với tổng khối lượng là 23 nghìn tỷ đồng, ở kỳ hạn 14 ngày và lãi suất trúng thầu là 6%.

Cuối tuần qua, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố giảm về 81 nghìn tỷ đồng (từ mức 101 nghìn tỷ đồng của tuần trước đó). Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không phát hành thêm tín phiếu và đưa khối lượng lưu hành trên kênh tín phiếu về mức 0. Tổng cộng, NHNN đã hút ròng nhẹ 5,6 nghìn tỷ đồng thông qua hoạt động OMO.

Lãi suất huy động và tỷ giá vẫn còn áp lực tâm lý khá cao
Bên cạnh việc đẩy mạnh chương trình khuyến mại, cộng thêm lãi suất trên 6 tháng để thu hút dòng tiền, nhiều ngân hàng thương mại lớn đã tiếp tục tăng mức lãi suất cho tài khoản không kỳ hạn lên mức trần quy định 1%.

Cũng trong tuần qua, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng đã giảm nhiệt tương đối mạnh, xuống chỉ còn 4,4% ở kỳ hạn qua đêm (giảm 160 điểm so với tuần trước đó) và khiến cho chênh lệch giữa lãi suất VND và USD bị thu hẹp đáng kể. Chuyên gia của SSI Research kỳ vọng, NHNN sẽ tiếp tục hút ròng nhằm đẩy mặt bằng lãi suất VND liên ngân hàng lên mức an toàn hơn so với USD, giảm bớt áp lực lên tỷ giá.

Các chuyên gia của SSI Research cho rằng, diễn biến lãi suất huy động ở các ngân hàng thương mại (NHTM) cổ phần còn phức tạp khi thanh khoản dài hạn trên hệ thống chưa có nhiều sự cải thiện. Bên cạnh việc đẩy mạnh chương trình khuyến mại, cộng thêm lãi suất trên 6 tháng để thu hút dòng tiền, nhiều NHTM lớn đã tiếp tục tăng mức lãi suất cho tài khoản không kỳ hạn lên mức trần quy định 1%. Hiện nay, mặt bằng lãi suất huy động của nhiều ngân hàng đã cao hơn vùng trước Covid, với mức tăng trung bình 300 - 400 điểm cơ bản so với cuối năm 2021.

Áp lực tâm lý lên tỷ giá vẫn còn

Báo cáo của SSI Research cho biết, tâm lý đầu tư trên thị trường tài chính đã có nhiều sự cải thiện trong tuần qua khi số liệu lạm phát của Mỹ hạ nhiệt trong tháng 10. Trong đó, chỉ số CPI tăng 7,7% so với cùng kỳ (giảm mạnh từ mức 8,2% của tháng 9 và thấp hơn dự báo là 7,9%). Đáng chú ý, CPI cơ bản chỉ tăng 6,3%, với đóng góp từ nhóm y tế và phương tiện đã qua sử dụng. Sau khi CPI được công bố, thị trường kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ thu hẹp biên độ nâng lãi suất trong cuộc họp vào tháng 12 năm nay, với xác suất 80% khả năng sẽ chỉ tăng 50 điểm cơ bản.

Đồng USD, thông qua chỉ số DXY cũng ghi nhận mức giảm mạnh nhất theo tuần trong vòng 6 tháng qua, khi giảm tới 3,1%, trong khi đó các đồng tiền chủ chốt khác đều tăng giá mạnh như JPY +4,1%, EUR +3,1%, GBP +3,3%. Các đồng tiền trong khu vực cũng tăng mạnh so với USD, như KRW +7,1%, THB 3,8%, và nhờ đó thu hẹp mức mất giá so với cuối năm 2021, chỉ còn khoảng trên dưới 10%.

Lãi suất huy động và tỷ giá vẫn còn áp lực tâm lý khá cao

Trên thị trường ngoại hối trong nước, NHNN đã có bước điều chỉnh hạ tỷ giá bán tại Sở giao dịch NHNN lần đầu tiên kể từ tháng 1 năm nay, mặc dù mức điều chỉnh khá hạn chế (giảm 10 đồng, về 24.860 đồng/USD). Trong khi tỷ giá liên ngân hàng và trên thị trường tự do đều ghi nhận giảm 30 – 100 đồng sau động thái trên. Tỷ giá niêm yết tại các NHTM vẫn duy trì ở mức kịch trần biên độ mới so với tỷ giá trung tâm, quanh mốc 24.880 đồng/USD (tương đương mất giá 8,5% so với cuối năm ngoái).

“Điều này cho thấy áp lực tâm lý vẫn còn khá cao và NHNN cũng thực hiện việc bán USD từ dự trữ ngoại hối khá đều đặn với khối lượng vừa đủ nhằm cấp thanh khoản USD cho hệ thống” – chuyên gia của SSI Research cho hay./.

Vừa qua, Bộ Tài chính Mỹ đã công bố báo cáo định kỳ về “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Mỹ”, trong đó Việt Nam đã được ra khỏi danh sách giám sát về thao túng tiền tệ. Cụ thể, với việc Việt Nam chỉ không thỏa mãn 1 tiêu chí (liên quan đến thặng dư thương mại hàng hóa với Mỹ) trong liên tiếp trong 2 kỳ báo cáo, cùng với những bước tiến trong công tác điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá của NHNN, Bộ Tài chính Mỹ đã không còn để Việt Nam trong danh sách kể trên. Trong khi đó, các nước trong danh sách giám sát kỳ này bao gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Singapore, Malaysia và Đài Loan.