HS

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại lễ công bố chiều 15/7. Ảnh: H.Y

Tham dự lễ công bố có Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cùng nhiều đại diện các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ.

Bãi bỏ tội kinh doanh trái phép, báo cáo sai trong quản lý kinh tế

Tại lễ công bố, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng đã giới thiệu các nội dung cơ bản của dự thảo Bộ Luật hình sự và 8 vấn đề trọng tâm xin ý kiến nhân dân theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Một trong số đó là vấn đề trách nhiệm hình sự của pháp nhân và loại tội pháp nhân chịu trách nhiệm hình sự. Dự thảo bổ sung quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân, theo hướng quy định hẹp cả về chủ thể và loại tội phạm, theo đó, trách nhiệm hình sự của pháp nhân chỉ áp dụng với 32 tội danh thuộc các tội phạm về kinh tế, môi trường, tham nhũng, rửa tiền và tài trợ khủng bố.

Vấn đề trọng tâm khác cần xin ý kiến là việc bãi bỏ 5 tội phạm bao gồm: Tội hoạt động phỉ, tội tảo hôn, tội kinh doanh trái phép, tội báo cáo sai trong quản lý kinh tế. Ngoài ra, dự thảo bổ sung 37 tội danh mới trong đó có nhiều tội liên quan đến kinh tế như tội làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán; tội vi phạm quy định về cạnh tranh; tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản; tội vi phạm quy định về sử dụng điện; tội truy cập trái phép tài khoản ngân hàng của tổ chức, cá nhân chiếm đoạt tài sản; tội thu thập, tàng trữ, trao đổi, công khai hoá về tài khoản ngân hàng; tội sản xuất mua bán, tàng trữ lưu hành thẻ ngân hàng giả…

Bên cạnh đó, các tội: trục lợi trong kinh doanh bảo hiểm; gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; gian lận bảo hiểm y tế; trốn đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho người lao động; tội rải đinh hoặc vật sắc nhọn trên đường bộ…. cũng được bổ sung vào dự thảo.

Bổ sung quy định về xoá án tích

Theo Thứ trưởng Đinh Trung Tụng, việc đổi mới nhận thức về chính sách hình sự đã được thể hiện ở hầu hết các quy định của dự thảo, trong đó trọng tâm là đổi mới quan niệm về tội phạm và hình phạt, theo đó tội phạm không chỉ do cá nhân mà còn do pháp nhân thực hiện. Chính sách xử lý với một số tội phạm được sửa đổi, bổ sung theo hướng giảm quy định về hình phạt tử hình; tăng cường hình phạt tiền, cải tạo không giam giữ, hạn chế áp dụng hình phạt tước tự do. Sửa đổi bổ sung quy định về chính sách hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội theo hướng đảm bảo lợi ích tốt nhất cho trẻ em. Bổ sung quy định về xoá án tích theo hướng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người vi phạm tái hoà nhập cộng đồng….

Phát biểu chỉ đạo tại lễ công bố, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu bộ, ngành, địa phương nghiêm túc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về bộ luật quan trọng này. Đề nghị Toà án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân có kế hoạch lấy ý kiến rộng rãi trong toàn ngành, vì đây là lĩnh vực liên quan trực tiếp, do đó đóng góp của hai ngành toà án và kiểm sát rất quan trọng vì có tính thực tiễn. Các cơ quan truyền thông dành thời lượng cần thiết, đa dạng hoá các hình thức thông tin để người dân hiểu được những điểm đổi mới Bộ Luật.

Thời gian lấy ý kiến cho dự thảo lần này khá ngắn, chỉ trong 2 tháng, do đó Phó Thủ tướng yêu cầu các ngành, cấp, địa phương khẩn trương, nghiêm túc thực hiện lấy ý kiến đầy đủ của nhân dân để tập hợp vào báo cáo chậm nhất là ngày 14/9 tới. Theo Nghị quyết của UBTVQH, Chính phủ xây dựng báo cáo tổng hợp trình UBTVQH chậm nhất là ngày 25/9/2015 để sau đó trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 vào tháng 10 sắp tới.

Nội dung dự thảo đã được đăng tải trên báo Nhân dân, cổng thông tin điện tử của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tư pháp… Thời gian lấy ý kiến bắt đầu từ ngày 15/7/2015 và kết thúc vào ngày 14/9/2015.

Ý kiến của nhân dân trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài góp ý cho dự thảo được gửi đến các cơ quan, tổ chức bao gồm: Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, HĐND, UBND tỉnh, thành phố, Đoàn đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan thông tấn, báo chí…. Hoặc gửi đến Bộ Tư pháp theo địa chỉ: số 60 Trần Phú, Ba Đình, Hà Nội, email [email protected].

Hoàng Yến