Tín phiếu phát hành giảm mạnh

NHNN đã thực hiện tuần thứ ba liên tiếp hút tiền qua thị trường mở bằng hình thức phát hành tín phiếu kỳ hạn 28 ngày. Diễn biến gần đây cho thấy, các đợt phát hành tín phiếu tuy vẫn diễn ra hàng ngày, nhưng lượng tín phiếu đã giảm từ mức khoảng 15 nghìn tỷ đồng mỗi phiên trong 2 tuần đầu, xuống chỉ còn vài nghìn tỷ đồng mỗi phiên trong tuần này. Riêng trong phiên ngày 29/3, lượng tín phiếu bán ra có thể nói ở chỉ ở mức “nhỏ giọt”, với giá trị chỉ 2,3 nghìn tỷ đồng.

Lãi suất tín phiếu đã có thay đổi theo chiều hướng tăng dần. Trong thời gian đầu, lãi suất trúng thấu tín phiếu chỉ khoảng 1,4%/năm, nhưng sau đó nhích dần lên, đến phiên 26/3 đã tăng lên 1,9%/năm và đến các phiên 28/3 - 29/3 tăng mạnh lên mức khoảng 2,5 - 2,8%/năm.

Tại thị trường liên ngân hàng, lãi suất cho vay qua đêm sau khi giảm về mức rất thấp chỉ còn 0,13%/năm đã bật tăng trở lại lên mức 0,28%/năm, nhưng vẫn ở mức thấp hơn khá nhiều so với trần lãi suất 5% theo quy định của NHNN. Lãi suất liên ngân hàng các kỳ hạn khác ghi nhận mức 1,56% với kỳ hạn 1 tuần, 2,04% với kỳ hạn 2 tuần, 2,36% với kỳ hạn 1 tháng.

Với lãi suất ngoài thị trường huy động và cho vay, NHNN cho biết tính đến cuối tháng 3/2024, lãi suất bình quân huy động và cho vay đối với các giao dịch phát sinh mới thời điểm hiện tại lần lượt ở mức 3,1%/năm và 6,5%/năm; giảm tương ứng khoảng 0,4%/năm và 0,6%/năm so với cuối năm 2023.

Lượng tín phiếu phát hành giảm, tín dụng nhích tăng
Thị trưởng mở đã hoạt động tuần thứ 3 liên tiếp. Ảnh: T.L
Xây dựng thông tư về giấy phép cho các ngân hàng có yếu tố nước ngoài Lãi suất cho vay đã giảm khoảng 0,6% so với cuối năm 2023

Họp Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ

Trong tuần qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái - Chủ tịch Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, đã chủ trì cuộc họp toàn thể của hội đồng.

Tại cuộc họp này, NHNN đã có báo cáo cho thấy, kinh tế có tín hiệu phục hồi khá tích cực, thể hiện ở xu hướng tăng mạnh về xuất khẩu, vốn FDI, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, du lịch, dịch vụ. Các cân đối vĩ mô được đảm bảo: lạm phát trong tầm kiểm soát, phù hợp với mục tiêu đặt ra; tiến độ thu, chi ngân sách nhà nước cao hơn cùng kỳ 2023, thu lớn hơn chi; cán cân thanh toán thặng dư năm 2023 và dự kiến cân bằng trong quý I/2024.

Chỉ số giá vàng tháng 3/2024 tăng 4,59% so với tháng trước.

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá vàng đã tăng 9,41% so với tháng 12/2023; tăng 22,71% so với cùng kỳ năm trước; bình quân quý I/2024, chỉ số giá vàng tăng 18,23%.

NHNN cho biết tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02 và đang rà soát để sửa đổi, bổ sung, gia hạn thông tư; tiếp tục triển khai các chương trình, chính sách tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng như chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng, chương trình cho vay lâm sản, thủy sản...

Đối với công tác quản lý thị trường vàng, một số chuyên gia cho rằng cần nghiên cứu và đánh giá kỹ lưỡng việc bỏ cơ chế nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, thực hiện cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện; xem xét, điều chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh mua, bán vàng trang sức mỹ nghệ thành hoạt động kinh doanh thông thường.

Tín dụng tăng trưởng dương

Tuần qua NHNN và Tổng cục Thống kê đều đã công bố số liệu về tăng trưởng tín dụng tháng 3/2024. Theo NHNN, tính đến ngày 25/3/2024, tín dụng nền kinh tế đạt khoảng 13,6 triệu tỷ đồng, tăng 0,26% so với cuối năm 2023 (riêng tháng 3 tăng 0,98%).

Trong khi đó theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến thời điểm 25/3/2024, huy động vốn của các tổ chức tín dụng giảm 0,76% so với cuối năm 2023; tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 0,26%.

Trước đó, tăng trưởng tín dụng âm trong 2 tháng đầu năm 2024 và theo đó, NHNN đã có một số cuộc họp để phân tích, đánh giá nguyên nhân và đưa ra các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng.

NHNN cho biết, mức giảm thời gian qua ở hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế. Trong đó NHNN cho rằng, khó khăn một phần do kinh tế thế giới diễn biến khó lường, áp lực lạm phát và mặt bằng lãi suất thế giới ở mức cao, đồng USD, giá vàng thế giới diễn biến phức tạp; chênh lệch lãi suất USD-VND...

Về yếu tố trong nước, nhu cầu vốn tín dụng thường tăng cao vào dịp cuối năm và thời điểm trước Tết Nguyên đán. Trong khi đó, cầu và sức hấp thụ vốn của nền kinh tế ở mức thấp, nhiều doanh nghiệp thu hẹp hoặc ngừng hoạt động do sức ép lạm phát, giá cả vật liệu tăng; người dân tăng dự phòng và giảm vay chi tiêu…

Lượng tín phiếu phát hành giảm, tín dụng nhích tăng
Giá vàng thế giới liên tục thiết lập các kỷ lục mới. Ảnh: T.L

Giá vàng vẫn nhích tăng

Tuần qua giá vàng không có những diễn biến bùng nổ quá mạnh, nhưng vẫn nhích tăng và neo ở mặt bằng cao. Cuối tuần, giá vàng miếng SJC 9999 ghi nhận ở mức mua vào là 79.000 đồng/lượng và bán ra ở mức 81.000 đồng/lượng; giá vàng nhẫn SJC 9999 mua vào ở mức 69,2 triệu đồng/lượng và bán ra ở mức 70,45 triệu đồng/lượng.

Trong khi đó, giá vàng ở thị trường quốc tế vẫn tiếp tục là điểm nóng và ghi nhận nhịp sóng bùng nổ mới trong những ngày cuối tuần, tiếp tục thiết lập các mốc kỷ lục mới mọi thời đại. Đến chiều ngày 29/3 theo giờ Việt Nam, giá vàng thế giới đã đạt mức giao dịch lên tới 2.233 USD/ounce.

Chỉ số giá Đô la Mỹ

Giá Đô la Mỹ tháng 3/2024 tăng 0,88% so với tháng trước; tăng 1,81% so với tháng 12/2023; tăng 4,32% so với cùng kỳ năm trước; bình quân quý I/2024 tăng 3,97%.

Với diễn biến tỷ giá, sau một thời gian NHNN thực hiện các động thái hút tiền qua thị trường mở, tỷ giá tại thị trường tự do đã hạ nhiệt đáng kể, đến nay sức ép tại thị trường này đã giải tỏa với giá mua vào/bán ra đều ở mức dưới 25.500 đồng/USD. Tuy nhiên, tỷ giá chính thức tại các ngân hàng thương mại vẫn còn neo ở mức cao khi tỷ giá bán tại Vietcombank tại buổi chiều ngày ngày 29/3 là 24.980 đồng/USD.

Tuần qua, Tổng cục Thống kê đã công bố các số liệu xuất nhập khẩu với diễn biến xuất siêu vẫn tiếp tục duy trì qua đó cho thấy sức ép tỷ giá về mặt trung và dài hạn. Cụ thể, cán cân thương mại hàng hóa tháng 3 ước tính xuất siêu 2,93 tỷ USD. Tính chung quý I/2024, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 8,08 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 4,93 tỷ USD)..