Ngày 27/5: Giá dầu thô tăng nhẹ, gas giảm tới hơn 1% phiên đầu tuần
Giá dầu thô tăng nhẹ trong phiên giao dịch sáng ngày 27/5. Ảnh tư liệu

Giá dầu thô Brent tăng 0,2% lên 82 USD/thùng

Giá dầu thô tăng nhẹ trong phiên giao dịch sáng ngày thứ Hai (27/5) khi mùa lái xe cao điểm tại Mỹ bắt đầu vào cuối tuần vừa qua, trong khi các nhà giao dịch phân tích kế hoạch tăng sản lượng dầu của Iran.

Tại thời điểm 7h25 (giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent tăng 0,2% lên 82 USD/thùng và giá dầu WTI của Mỹ tăng 0,22% lên 77,89 USD.

Chốt phiên giao dịch cuối tuần trước, giá dầu thô Brent giao dịch ở 82,09 USD, trong khi giá dầu WTI đạt 77,8 USD/thùng.

Giá cả hai loại dầu đã giảm hơn 2% trong tuần trước vì lo ngại lãi suất duy trì ở mức cao trong thời gian dài hơn, ảnh hưởng tới nhu cầu nhiên liệu.

Về phía cung, số giàn khoan dầu tại Mỹ, một chỉ báo sớm về sản lượng tương lai, không thay đổi ở mức 497 trong tuần này, công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes cho biết.

Trong khi đó, thị trường đang chờ cuộc họp trực tuyến vào ngày 2/6 của nhóm sản xuất OPEC+, gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, để thảo luận về việc có nên gia hạn mức giảm sản lượng dầu tự nguyện 2,2 triệu thùng/ngày hay không.

Các nhà phân tích phần lớn dự đoán rằng việc giảm sản lượng hiện tại sẽ được kéo dài ít nhất đến cuối tháng 9.

Giá gas giảm 1,08%, ở mức 2,74 USD/mmBTU

Mở cửa phiên giao dịch sáng 27/5, giá gas tại thị trường thế giới giảm tới 1,08%, ở mức 2,74 USD/mmBTU đối với hợp đồng khí gas tự nhiên giao tháng 6/2024.

Giá khí đốt tự nhiên chuẩn tại châu Âu tăng mạnh trong bối cảnh lo ngại về nguồn cung ngày càng khan hiếm. Tình trạng trên xảy ra đi kèm với dự báo về sự sụt giảm sản lượng điện gió vào cuối tháng này. Hợp đồng tương lai đối với khí đốt tự nhiên trên sàn TTF của Hà Lan - chuẩn mực cho giao dịch hàng hóa châu Âu, đã đạt mức cao nhất kể từ tháng 1 do nguồn cung từ Na Uy và Nga bị đe dọa, tờ ilPrice cho biết.

Châu Âu không thể dựa hoàn toàn vào khí hóa lỏng (LNG) của Mỹ, dựa trên các đặc điểm cụ thể và điều kiện thị trường của nó.

Nguy cơ gián đoạn những đợt giao hàng cuối cùng từ Liên bang Nga sang Áo đã làm nóng thị trường khu vực và giá cả tăng mạnh. Tình trạng này cho thấy châu Âu vẫn chưa tìm được nguồn thay thế cho Tập đoàn Gazprom.

LNG của Mỹ chỉ tạm thời giúp đỡ, lấp đầy khoảng trống; hệ thống này được hỗ trợ một phần bởi các nguồn năng lượng tái tạo, nhưng Cựu lục địa vẫn dựa phần lớn vào nguồn cung cấp khí qua đường ống từ Na Uy và Nga.

Nếu sự suy giảm năng lượng gió và mặt trời như dự đoán xảy ra, đây sẽ trở thành nguyên nhân bổ sung khiến châu Âu đối diện khủng hoảng ngoài mùa tiêu thụ khí đốt cao điểm. Trong trường hợp này, các chuyên gia đang đặt câu hỏi - điều gì sẽ xảy ra trong mùa đông sắp tới?

Các nhà quản lý tài chính và thương nhân lo ngại rằng việc cắt giảm nguồn cung năng lượng từ Na Uy nằm ngoài kế hoạch vào mùa hè, nhu cầu khí đốt tự nhiên tăng cao ở châu Á và việc chấm dứt thỏa thuận hiện tại về mua khí đốt đường ống của Nga thông qua Ukraine vào cuối năm 2024 sẽ gây ra khủng hoảng nghiêm trọng./.