Đây là những chia sẻ của Nhà báo Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân trong cuộc phỏng vấn của PV Thời báo Tài chính Việt Nam.

Nhà báo Lê Quốc Minh: Thời báo Tài chính Việt Nam đã nhấn mạnh thị trường ngách mà ít tờ báo có được
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa (thứ 3, phải sang), Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng (thứ 2, trái sang) và ông Lê Quốc Minh (bìa phải) thăm gian hàng của Liên Chi hội Báo chí ngành Tài chính tại Hội báo toàn quốc năm 2022)

PV: Thưa ông xin ông cho biết một số đánh giá về xu hướng của báo chí kinh tế và vai trò của báo chí kinh tế Việt Nam trong dòng chảy chung của hệ thống báo chí hiện nay?

Nhà báo Lê Quốc Minh: Báo chí kinh tế - tài chính là một phần rất quan trọng trong đời sống. Có thể thấy rằng tất cả các nhật báo và các kênh phát thanh - truyền hình đều dành một phần dung lượng, thời lượng dáng kể cho các vấn đề kinh tế, thậm chí có những tờ báo chuyên về kinh tế - tài chính, những kênh truyền hình chuyên về kinh tế - tài chính. Trên thế giới, những ấn phẩm như Financial Times hay Wall Street Journal, kênh truyền hình Bloomberg.... là những ví dụ cụ thể về một sản phẩm báo chí chuyên biệt về kinh tế - tài chính và rất thành công.

Ở Việt Nam, cách đây chừng 3 thập niên chỉ có vài tờ báo in chuyên về kinh tế như Việt Nam Đầu tư nước ngoài (VIR) hay Thời báo Kinh tế Việt Nam (Vietnam Economic Times), nhưng qua thời gian thì các sản phẩm báo chí chuyên về kinh tế - tài chính đã nở rộ và phát triển mạnh mẽ. Cùng với việc gia tăng về số lượng đầu báo, tạp chí, kênh truyền hình chuyên về kinh tế - tài chính là sự lớn mạnh của đội ngũ phóng viên, biên tập viên chuyên về thông tin kinh tế, được huấn luyện bài bản, chuyên nghiệp và liên tục được bổ sung kiến thức chuyên ngành, theo kịp với sự phát triển của nền kinh tế và các ngành nghề, lĩnh vực trong xã hội.

PV: Với góc nhìn của người đứng đầu Hội Nhà báo Việt Nam, theo ông, báo chí kinh tế Việt Nam cần làm thế nào để tiếp tục đổi mới, phát huy hơn nữa vai trò của mình?

Thời báo Tài chính Việt Nam đã nhấn mạnh thị trường ngách mà ít tờ báo có được
Nhà báo Lê Quốc Minh

Nhà báo Lê Quốc Minh: Báo chí kinh tế ở Việt Nam tuy phát triển đa dạng và đang nỗ lực đi theo con đường chuyển đổi số, hoạt động đa nền tảng để bắt kịp người dùng, nhưng xét về nội dung thì chúng ta chưa đáp ứng được mọi nhu cầu của xã hội trong lĩnh vực này.

Cần phải thừa nhận rằng cách làm thông tin kinh tế của chúng ta - cả báo in lẫn phát thanh, truyền hình - chưa được chuyên nghiệp như nhiều cơ quan báo chí quốc tế, không phải là so sánh với báo chí ở những nền kinh tế phát triển đâu mà ngay cả khi so với những đất nước đang phát triển tương đồng với chúng ta.

Có thể thấy rằng bức tranh kinh tế vĩ mô của Việt Nam hay những đường lối, chính sách kinh tế của Đảng và Nhà nước được phản ánh khá tốt trên báo chí, nhưng doanh nghiệp và độc giả, khán thính giả đòi hỏi nhiều hơn vậy. Tại nhiều hội nghị, hội thảo mà chúng tôi có cơ hội tham gia, các doanh nghiệp và bạn đọc cho biết họ vẫn phải tìm kiếm thông tin về hoạt động kinh tế quốc tế trên báo chí nước ngoài, hoặc nêu nhu cầu cần biết thêm nhiều thông tin trực tiếp và cụ thể hơn để điều hành doanh nghiệp của họ, hoặc hỗ trợ đầu tư tư nhân. Họ cũng rất cần những bài phân tích sâu sắc và khách quan về nền kinh tế nói chung cũng như từng ngành nghề, lĩnh vực.

Thông tin dự báo (tất nhiên phải sát thực và chính xác) cũng là nội dung chưa nhiều và thậm chí thiếu vắng trên nhiều báo chí kinh tế ở Việt Nam. Độc giả cũng rất cần nắm bắt thông tin về hoạt động của doanh nghiệp một cách đầy đủ và chính xác, bên cạnh những nội dung thiên về quảng bá, truyền thông.

PV: Thưa ông, Thời báo Tài chính Việt Nam là cơ quan ngôn luận của Bộ Tài chính chính thức kỷ niệm 30 năm thành lập, xin ông cho vài đánh giá, nhận xét về Thời bảo Tài chính Việt Nam?

Nhà báo Lê Quốc Minh: Là một cơ quan báo chí trực thuộc Bộ Tài chính, Thời báo Tài chính Việt Nam có những ưu thế riêng, phát huy được thế mạnh đó và là một trong không nhiều tờ báo kinh tế có đậm chất “kinh tế - tài chính” với nhiều chuyên mục, chuyên trang khá đặc sắc và quan trọng nhất là giữ vững được tôn chỉ "đưa tiếng nói tài chính đến với mọi tầng lớp xã hội”. Việc cho ra phiên bản tiếng Anh là bước đi đúng hướng, góp phần cung cấp thông tin, thu hút đầu tư, nâng cao niềm tin của các tổ chức quốc tế đối với nền kinh tế Việt Nam.

Tôi đánh giá cao việc Thời báo Tài chính Việt Nam bắt nhịp hiệu quả với chiến lược ưu tiên nội dung số thông qua việc đẩy mạnh đầu tư báo điện tử và tạo ra nhiều sản phẩm digital phù hợp với xu thế phát triển của báo chí hiện đại.

PV: Với những đặc thù hiện tại, xin ông có thể chia sẻ, chỉ ra những giải pháp để giúp Thời báo Tài chính Việt Nam tiếp tục phát huy được thế mạnh của mình?

Nhà báo Lê Quốc Minh: Xu thế phát triển của báo chí hiện đại được các chuyên gia gợi ý là nên xoay quanh 2 từ khóa “big or niche” - hoặc là phải có quy mô thật lớn, hoặc là tập trung vào thị trường ngách của mình. Tên gọi của Thời báo Tài chính Việt Nam đã nhấn mạnh thị trường ngách mà ít tờ báo có được, vậy thì hãy tập trung vào đó, càng chuyên sâu càng tốt.

Phải làm cho tờ báo trả lời được mọi câu hỏi về tài chính, dù ở cấp độ vĩ mô hay vi mô, thì sẽ giữ được bản sắc riêng có và có ưu thế cạnh tranh hơn những tờ báo khác trong phân khúc. Tất nhiên, trong thời đại hiện nay thì phải phát triển đa nền tảng và kiên định với chiến lược ưu tiên nội dung số (digital first) trong khi giữ vững sản phẩm in cốt lõi, nội dung cần phải đổi mới với nhiều cách thức kể chuyện, cách thức thể hiện hấp dẫn. Công nghệ là một trụ cột quan trọng của báo chí hiện đại nên cũng phải đầu tư vào lĩnh vực này. Một vấn đề then chốt nữa là đa dạng hóa nguồn thu để đảm bảo sự phát triển bền vững.

PV: Trong thời gian tới, Hội Nhà báo Việt Nam sẽ có những hoạt động gì để hỗ trợ, giúp báo chí Việt Nam vươn lên trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, xã hội số?

Nhà báo Lê Quốc Minh: Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Hội Nhà báo Việt Nam là hỗ trợ các cơ quan báo chí về đào tạo và trung bình mỗi năm, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức khoảng 100-120 khóa đào tạo trên toàn quốc, có sự tham gia của các chuyên gia trong và ngoài nước. Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ của Hội Nhà báo Việt Nam thường xuyên tổ chức khảo sát nhu cầu của các cơ quan báo chí để xây dựng chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu của đa số các tòa soạn và có thể thấy rằng nhu cầu đào tạo hiện nay đã khác trước rất nhiều.

Bên cạnh những chủ đề “kinh điển” thì đã xuất hiện những chủ đề mới về trí tuệ nhân tạo, về quản trị tòa soạn, về những công nghệ làm báo mới, hay về cách thức tạo nguồn thu ngoài quảng cáo. Hiện tại, Hội Nhà báo Việt Nam đang phối hợp với một số đối tác quốc tế triển khai chương trình hỗ trợ chưa từng có cho 100 tòa soạn của Việt Nam: thay vì các chương trình đào tạo, tập huấn ngắn hạn như thường thấy, chúng tôi thực hiện một chương trình kéo dài 5 tháng với cơ hội tư vấn 1:1 và “may đo” theo quy mô của từng tòa soạn tham gia.

Thời gian tới, Hội Nhà báo Việt Nam có kế hoạch triển khai nhiều chương trình đào tạo hơn nữa, đa dạng nội dung và cách thức đào tạo hơn nữa. Chúng tôi rất mong có những đề xuất, kiến nghị, phản hồi của các cơ quan báo chí để hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ được chuyên nghiệp, bài bản và thực sự hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của các cơ quan báo chí trong kỷ nguyên kỹ thuật số hiện nay.

PV: Xin cảm ơn ông!

Là một cơ quan báo chí trực thuộc Bộ Tài chính, Thời báo Tài chính Việt Nam có những ưu thế riêng, phát huy được thế mạnh đó và là một trong không nhiều tờ báo kinh tế có đậm chất “kinh tế - tài chính” với nhiều chuyên mục, chuyên trang khá đặc sắc, đồng thời quan trọng nhất là giữ vững được tôn chỉ “đưa tiếng nói tài chính đến với mọi tầng lớp xã hội”.

Nhà báo Lê Quốc Minh