Room tăng thêm 1,5 - 2% là hợp lý

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, việc quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5 - 2% cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng trước tình hình tác động từ bên ngoài dịu bớt, thanh khoản của hệ thống các tổ chức tín dụng cải thiện hơn. Nguyên tắc điều chỉnh tăng chỉ tiêu tín dụng được thực hiện theo hướng các tổ chức tín dụng có thanh khoản tốt hơn, lãi suất thấp hơn sẽ được tăng trưởng tín dụng cao hơn.

Với quy mô tín dụng toàn nền kinh tế hiện nay, việc NHNN chính thức nới hạn mức tín dụng thêm 1,5 - 2%, tương ứng lượng vốn tín dụng tăng thêm khoảng 200.000 tỷ đồng. Với mức tăng thêm này, tăng trưởng tín dụng năm nay có thể sẽ đạt khoảng 15,5 - 16% so với cuối năm 2021, so với quy định tín dụng của hệ thống thì tổng hạn mức tín dụng cho tháng 12 vào khoảng 400.000 tỷ đồng (sau khi đã cộng cả hạn mức mới được cấp và hạn mức cũ còn lại).

Nguồn: Ngân hàng Nhà nước. Đồ họa: Văn Chung
Nguồn: Ngân hàng Nhà nước. Đồ họa: Văn Chung

Việc NHNN chính thức nới room được coi là một động thái điều hành chính sách tiền tệ khá phù hợp trong bối cảnh hiện nay, góp phần giải tỏa được phần nào "cơn khát" vốn của cộng đồng doanh nghiệp. Trao đổi với phóng viên TBTCVN, TS. Nguyễn Hữu Huân - Trưởng bộ môn Thị trường tài chính thuộc Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cho biết, việc nới room thời điểm hiện tại là hợp lý vì áp lực tỷ giá không còn mạnh như trước. Bởi lẽ, NHNN nếu rới room sớm hơn khi tỷ giá vẫn còn căng thẳng thì có thể sẽ ảnh hưởng tỷ giá và lạm phát. Trong khi đó, việc nới room nếu chậm muộn hơn thì cũng sẽ không kịp hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp, vì nhu cầu vốn cho hoạt động kinh doanh cuối năm là rất lớn.

Trong khi đó, theo TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, có 3 yếu tố chính từ việc nới room vừa qua của NHNN: một là, góp phần giải tỏa nhu cầu vốn cuối năm; hai là hỗ trợ doanh nghiệp phát triển kinh doanh, ổn định thị trường và kinh tế vĩ mô; ba là, tác động không đáng kể đến lạm phát do tốc độ hấp thụ vốn sẽ nhanh.

Khó “rò rỉ” dòng vốn sang các kênh đầu cơ

Mặc dù được đánh giá là sẽ giải tỏa cơ khát về nhu cầu vốn, nhưng các chuyên gia cũng cho rằng, nới room cũng sẽ chỉ là một trong những giải pháp và dòng vốn cũng sẽ không vì thế mà “ồ ạt” đổ ra nền kinh tế. Bởi lẽ, các ngân hàng khi cho vay cũng sẽ còn cần cân nhắc đến nhiều vấn đề như đối tượng vay, yêu cầu cân đối nguồn tiền của chính các ngân hàng. Ngay trong nội dung quyết định nới room, NHNN cũng đặt ra yêu cầu việc mở rộng tín dụng phải đi đôi với việc kiểm soát rủi ro kỳ hạn để đảm bảo thanh khoản, an toàn hoạt động.

Một trong những vấn đề được cộng đồng quan tâm quanh việc nới room lần này của NHNN là liệu rằng khi tín dụng đã được nới lỏng hơn, dòng tiền có thể lại chảy vào các kênh đầu cơ như chứng khoán, bất động sản… hay không? Trả lời câu hỏi này,

Có thể sẽ sửa Nghị định 31/2022/NĐ-CP về gói hỗ trợ 2% lãi suất

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc họp ngày 6/12, Ngân hàng Nhà nước đề xuất sửa đổi Nghị định 31 năm 2022 về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh để tiếp tục triển khai. Ngành Ngân hàng cũng phải rà soát, đánh giá lại chính sách này để có phương án phù hợp; có chính sách hỗ trợ người dân mua nhà ở xã hội; rà soát các dự án bất động sản để hỗ trợ các dự án đủ điều kiện.

TS. Nguyễn Hữu Huân cho biết, trong thông điệp của NHNN đã nêu rõ việc ưu tiên vốn cho sản xuất nên khả năng vốn chảy sang đầu cơ là rất khó. Cụ thể, Thống đốc NHNN đã đưa yêu cầu khá rõ ràng với các ngân hàng là phải cân đối vốn phù hợp để cấp tín dụng, tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ…

Theo đó, các chuyên gia cho rằng, room nới thêm lần này có thể hiểu rằng sẽ chủ yếu phục vụ nguồn vốn lưu động cuối năm cho các doanh nghiệp chứ không phải để phục vụ các dự án đầu tư hay bất động sản, chưa nói đến việc có thể có “khe cửa” cho dân đầu cơ lướt sóng bất động sản. Đặc biệt, việc kiểm soát dòng vốn tín dụng cũng là yêu cầu được đặt ra từ cấp chính phủ khi tại cuộc họp Chính phủ hôm 6/12 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo ngành Ngân hàng phải tập trung tín dụng cho 3 động lực tăng trưởng là đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng; tăng cường giám sát, kiểm tra để tín dụng đi đúng, đi trúng mục tiêu và chống tiêu cực, tham nhũng, trục lợi chính sách.

Trong bối cảnh hiện tại, ngay cả các hoạt động vay với danh nghĩa vay tiêu dùng, nhưng dùng để đầu cơ bất động sản cũng sẽ khó xảy ra. TS. Nguyễn Hữu Huân cho biết, mặt bằng lãi suất vay tiêu dùng hiện nay cũng đã được các ngân hàng đưa lên mức khá cao. Do đó, việc mượn danh vay tiêu dùng để đầu tư bất động sản trong thời điểm hiện tại phải đối mặt với rủi ro rất lớn, nên các nhà đầu tư cũng sẽ không dám mạo hiểm trong giai đoạn này.

Hiệp hội Ngân hàng kiến nghị các giải pháp tăng thanh khoản hệ thống

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) vừa họp với đại diện các tổ chức tín dụng hội viên để bàn về vấn đề ổn định lãi suất và các giải pháp hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống ngân hàng, đặc biệt là trong những tháng cuối năm 2022.

Theo đánh giá chung của VNBA, việc điều hành chính sách tiền tệ của ngành ngân hàng đã có những đóng góp rất tích cực vào kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Lạm phát được kiểm soát ở mức khá thấp, kinh tế tăng trưởng ở mức cao so với các nước trên thế giới. Thị trường tiền tệ, ngoại hối tương đối ổn định; đồng Việt Nam kiểm soát được mức tăng thấp hơn nhiều so với các đồng tiền khác. Mặt bằng lãi suất có tăng lên phù hợp với xu hướng tăng lãi suất trên thế giới nhưng so với mặt bằng lãi suất của các nước cũng thấp hơn nhiều.

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thực hiện nhiều giải pháp, giúp thanh khoản hệ thống được cải thiện. Để hỗ trợ nền kinh tế, nhiều ngân hàng cam kết giảm lãi suất cho vay trong các tháng cuối năm 2022 với mức lãi suất giảm từ 0,5% - 3%/năm.

Theo Tổng Thư ký VNBA Nguyễn Quốc Hùng, trong bối cảnh hiện nay, nhằm tiếp tục ổn định thị trường tiền tệ, các ngân hàng cần đồng thuận giữ mặt bằng lãi suất ổn định để đảm bảo an toàn hệ thống và hỗ trợ giảm lãi suất cho vay doanh nghiệp, người dân cũng như hỗ trợ nhau nguồn lực để thanh khoản hệ thống thông suốt. Bên cạnh đó, cần trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ, đẩy mạnh truyền thông để dư luận hiểu và chia sẻ hoạt động kinh doanh ngân hàng.

Đại diện VNBA kiến nghị Vụ Chính sách tiền tệ, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (thuộc NHNN) tham mưu cho Thống đốc NHNN để tiếp tục có những thông điệp cụ thể đảm bảo thanh khoản cho các tổ chức tín dụng, tạo sự an tâm hoạt động an toàn, hiệu quả.

Cụ thể, VNBA cũng đề xuất NHNN tiếp tục hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng qua tăng cường các công cụ thị trường mở (OMO)…, ưu tiên đáp ứng tối đa nhu cầu vốn của các ngân hàng qua kênh OMO. Giải pháp này kỳ vọng làm giảm áp lực dự phòng thanh khoản cao của ngân hàng, góp phần làm giảm lãi suất giao dịch liên ngân hàng cũng như giảm lãi suất huy động từ khách hàng.

Về dài hạn, Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng cũng mong các cơ quan soạn thảo các dự thảo của NHNN lắng nghe đầy đủ những ý kiến đóng góp của VNBA đối với dự thảo sửa đổi, bổ sung một số các văn bản luật, hoàn thiện khung pháp lý cho các tổ chức tín dụng hoạt động ổn định, lành mạnh, hiệu quả. Dự kiến, VNBA sẽ tổng hợp những vướng mắc của các tổ chức tín dụng và đề xuất bằng văn bản các giải pháp cụ thể tới Thống đốc NHNN để tháo gỡ cho các tổ chức tín dụng ổn định thanh khoản và mặt bằng lãi suất huy động.