Quy định bảo lãnh góp phần bảo vệ quyền lợi người mua nhà
Có một điều cần quan tâm là phí bảo lãnh này được tính như thế nào, nếu ngân hàng đưa ra một mức phí “trên trời” thì sẽ là rào cản bắt chẹt CĐT.   Ông Nguyễn Ngọc Thành
Đây là những chia sẻ của ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản (BĐS) Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Hải Phòng trong cuộc trao đổi với phóng viên TBTCVN.

* Giới đầu tư BĐS đang rất quan tâm đến quy định bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai phải được tổ chức tín dụng bảo lãnh. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Quy định này là cần thiết nhằm siết chặt hoạt động đầu tư xây dựng trong lĩnh vực BĐS cũng như làm minh bạch thị trường BĐS và quyền lợi của người tiêu dùng được đảm bảo; đồng thời sẽ góp phần làm giảm nguồn cung ảo, những dự án mà trên thực tiễn khó hoàn thiện hoặc chậm tiến độ.

Mặt khác, nếu cho phép giao dịch nhà ở hình thành trong tương lai mà không có điều kiện bảo đảm thì tranh chấp sẽ xảy ra nhiều hơn. Nhiều tiêu cực trong thời gian qua như các vụ khiếu kiện, tranh chấp giữa khách hàng với chủ đầu tư (CĐT),… đều do những cam kết không được thực hiện của việc mua bán nhà trên giấy.

* Doanh nghiệp BĐS hiện đang gặp nhiều khó khăn, thêm phí bảo lãnh dự án nữa, nhiều doanh nghiệp kêu bị rơi vào cảnh “một cổ mấy tròng”. Ông có nghĩ như vậy?

- Điều băn khoăn đó của CĐT là hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, tôi cho rằng khi hoạt động đầu tư xây dựng trong lĩnh vực BĐS được siết chặt bởi những quy định như này cũng là một cuộc sàng lọc đối với những doanh nghiệp yếu kém.

Trên thực tế, khi chưa có quy định này, có những CĐT không cần bảo lãnh mà vẫn bán được hàng vì họ có uy tín. Còn những trường hợp CĐT chưa khẳng định được thương hiệu của mình thì cần có những thay đổi trong chiến lược đầu tư kinh doanh để tạo dựng niềm tin với khách hàng. Kinh doanh BĐS đã qua giai đoạn phát triển “sốt nóng”, đầu tư theo phong trào, đã đến lúc các CĐT cần làm thật, bán thật, phù hợp với đúng năng lực tài chính của mình để đảm bảo quyền lợi cho người mua nhà, lấy lại niềm tin nơi khách hàng.

Ở khía cạnh khác có thể thấy, chính việc quy định như này đã tạo thêm cơ hội cho CĐT bán sản phẩm của mình. Bởi lẽ, khi dự án BĐS đã được bảo lãnh đồng nghĩa người mua nhà yên tâm về sản phẩm của CĐT để có những lựa chọn mua nhà chứ không còn vì những lo lắng về tiến độ dự án hay khả năng hoàn thành,… làm cản trở quyết định “xuống tiền” của khách hàng.

Tuy nhiên, cũng có một điều cần quan tâm là phí bảo lãnh này được tính như thế nào, nếu ngân hàng đưa ra một mức phí “trên trời” thì sẽ là rào cản bắt chẹt CĐT. Bởi vậy, nhà nước cần đưa ra những quy định khống chế hay giới hạn mức phí bảo lãnh trong phạm vi chi phí giá thành hợp lý thuận cho cả CĐT và tổ chức bảo lãnh.

* Thưa ông, hiện người mua nhà đang quan tâm đến việc thêm phí bảo lãnh sẽ làm đội giá thành BĐS.Ông đánh giá thế nào về vấn đề này?

- Đương nhiên khi thêm bất kỳ một chi phí nào thì cũng được tính vào giá thành sản phẩm. Tuy nhiên, người mua nhà cũng cần phải nhận thức khi lợi ích và quyền lợi của mình được đảm bảo cao hơn những rủi ro có thể phải gánh chịu thì phải chấp nhận trả thêm những chi phí nhất định.

Khách hàng rất dễ gặp rủi ro khi góp tiền mua nhà với hợp đồng trên giấy nếu CĐT không thực hiện đúng cam kết về chất lượng xây dựng cũng như tiến độ. Bởi vậy, người mua nhà phải tăng lên chi phí nhưng có bảo lãnh sẽ chắc chắn về mặt pháp lý còn hơn chấp nhận rủi ro.

* Hiện tại, dư luận cũng lo lắng quy định này cũng sẽ như gói 30.000 tỷ đồng, trong khi Bộ Xây dựng mở hết cỡ thì ngân hàng lại có phần khắt khe. Ông nghĩ sao?

- Ngay khi tham gia chương trình góp ý cho Dự thảo Luật tôi đã cho rằng khi triển khai trong thực tế sẽ gặp không ít khó khăn, đặc biệt là từ phía ngân hàng. Bởi, Luật quy định CĐT phải thực hiện bảo lãnh, nhưng không có quy định ngân hàng phải tham gia bảo lãnh, vì vậy ngân hàng có thể tham gia hay không tham gia vào quá trình này. Nếu như ngân hàng không vào cuộc thì xem như quy định này không có tác dụng.

Bởi vậy, cần có những quy định về sự phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan như Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước để tạo điều kiện cho CĐT BĐS và tổ chức bảo lãnh gặp nhau, để đảm bảo rằng những quy định trong Luật được vận hành một cách thuận lợi khi đưa vào triển khai trong thực tế./.

* Xin cảm ơn ông!

Thiện Trần (thực hiện)