Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 quy định cơ quan nhà nước trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm rà soát, hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật.

Sẽ bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực ngân hàng
Sẽ bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực ngân hàng. Ảnh: T.L
Ban hành kế hoạch chia sẻ dữ liệu số của Ngân hàng Nhà nước Ngân hàng Nhà nước mạnh tay trấn áp tội phạm lĩnh vực ngân hàng

Trường hợp nếu phát hiện có quy định trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội thì tự mình, hoặc kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền kịp thời đình chỉ việc thi hành, bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung, ban hành văn bản mới, hoặc thay thế văn bản quy phạm pháp luật.

Nghị định 34/2016/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 154/2020/NĐ-CP) quy định bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ có trách nhiệm rà soát, hệ thống văn bản do mình ban hành, liên tịch ban hành hoặc chủ trì soạn thảo; trong đó có quy định “người đứng đầu tổ chức pháp chế thuộc bộ, cơ quan ngang bộ có trách nhiệm đôn đốc, hướng dẫn, tổng hợp kết quả rà soát, hệ thống hóa văn bản chung của bộ, cơ quan ngang bộ”.

Qua kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) hàng năm của Ngân hàng Nhà nước, hiện nay vẫn còn một số văn bản QPPL do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành còn hiệu lực, nhưng nội dung của văn bản đã được thay thế bằng văn bản mới, cần được rà soát, bãi bỏ để đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Về hình thức bãi bỏ văn bản QPPL, tại khoản 1 Điều 12 Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2020) quy định: “Văn bản quy phạm pháp luật chỉ được sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ bằng văn bản quy phạm pháp luật của chính cơ quan nhà nước đã ban hành văn bản đó, hoặc bị đình chỉ việc thi hành, hoặc bãi bỏ bằng văn bản của cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền.…”.

Do đó, việc ban hành một thông tư để bãi bỏ các văn bản QPPL do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành không còn phù hợp là hết sức cần thiết nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật./.