Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa có tờ trình Chính phủ báo cáo đề nghị xây dựng dự án Luật Đầu tư công sửa đổi
Luật hóa những vấn đề "đã chín, đã rõ"
Theo Bộ KH&ĐT, Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 đã quy định nhiều nội dung mới, cải cách, đột phá về tư tưởng và quan điểm. Tuy nhiên, sau gần 5 năm thực hiện, Luật Đầu tư công năm 2019 cũng đã bộc lộ một số khó khăn, hạn chế, các vướng mắc có tính cấp bách cần xử lý, tháo gỡ. Đồng thời, Quốc hội cũng đã ban hành các Luật, Nghị quyết để sửa đổi, quy định một số chính sách mới, ban hành một số cơ chế thí điểm cần nghiên cứu để luật hóa.
Cụ thể, thời gian qua, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã ban hành các Nghị quyết phân cấp cho địa phương thực hiện một số dự án quy mô lớn, đường cao tốc, trọng điểm, liên vùng. “Đây là những vấn đề “đã chín, đã rõ”, cần nghiên cứu luật hóa để mở rộng phạm vi áp dụng” - Bộ KH&ĐT cho biết.
Ảnh TL minh hoạ |
Đồng thời, qua thực tiễn triển khai Luật Đầu tư công năm 2019, một số nội dung có thể nghiên cứu phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn, theo nguyên tắc cấp nào quản lý chương trình, dự án thì cấp đó chịu trách nhiệm về các nội dung liên quan trong quá trình thực hiện.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất phân cấp cho Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh KHĐTCTH và hằng năm giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong trường hợp không thay đổi tổng mức vốn trung hạn và hằng năm Quốc hội đã quyết nghị… Phân cấp cho cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư được kéo dài thời gian bố trí vốn ngân sách trung ương (NSTW); phân cấp cho Chủ tịch UBND các cấp kéo dài thời gian bố trí vốn, kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ngân sách địa phương (NSĐP). |
Chẳng hạn như phân cấp cho cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án phải bảo đảm sự phù hợp với nguồn vốn và khả năng cân đối vốn; phân cấp cho HĐND cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài.
Cùng với đó, cần tiếp tục nghiên cứu, cắt giảm, đơn giản hóa một số trình tự, thủ tục không cần thiết để giảm bớt thời gian xây dựng, triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn (KHĐTCTH) và hằng năm.
Cho phép sử dụng chi thường xuyên để chuẩn bị đầu tư dự án
Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị sửa đổi 5 nhóm chính sách lớn.
Nhóm chính sách thứ nhất là thể chế hóa các cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù đã được Quốc hội cho phép áp dụng.
Các nội dung được đề xuất gồm: cho phép tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập đối với tất cả các nhóm dự án (bao gồm cả dự án nhóm B, C); quy định thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ giao một UBND cấp tỉnh là cơ quan chủ quản thực hiện dự án trên địa bàn từ 2 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên…
Đây là các chính sách đặc thù đã được Quốc hội cho phép thực hiện tại các Nghị quyết số 43, Nghị quyết số 106…
Nhóm chính sách thứ 2 là tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền. Các chính sách được đề xuất là phân cấp thẩm quyền điều chỉnh KHĐTCTH và hằng năm vốn NSTW giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương từ UBTVQH cho Thủ tướng Chính phủ.
Nâng quy mô vốn đầu tư công với dự án quan trọng quốc gia từ 30.000 tỷ đồng trở lên; dự án nhóm A, nhóm B và nhóm C. Phân cấp thẩm quyền cho người đứng đầu bộ, cơ quan trung ương quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A do cơ quan, tổ chức mình quản lý với quy mô vốn dưới 10.000 tỷ đồng; dự án nhóm A từ 10.000 tỷ đồng đến 30.000 tỷ đồng thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ…
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng làm việc với ban soạn thảo dự án luật |
Ở nhóm chính sách thứ 3 về nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư, khai thác nguồn lực, năng lực thực hiện dự án đầu tư công của địa phương, doanh nghiệp nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất quy định cho phép sử dụng nguồn chi thường xuyên và các nguồn vốn hợp pháp khác để chuẩn bị đầu tư dự án; cho phép doanh nghiệp nhà nước là cơ quan chủ quản thực hiện dự án đầu tư công theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ…
Nhóm chính sách thứ 4, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất bổ sung một chương riêng quy định về vốn nước ngoài. Trong đó bổ sung quy định về việc cho phép giải ngân kế hoạch vốn nước ngoài nguồn NSTW độc lập với kế hoạch vốn cho vay lại; đơn giản hóa nội dung liên quan đến Đề xuất dự án…
Nhóm chính sách cuối cùng là về đơn giản hóa trình tự, thủ tục; bổ sung, làm rõ các khái niệm, thuật ngữ, quy định, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật. Theo đó, trình tự, thủ tục lập KHĐTCTH và hằng năm được đơn giản hóa; cắt giảm thủ tục thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn; quy định danh mục dự án Chính phủ báo cáo Quốc hội để ban hành KHĐTCTH là danh mục dự kiến…/.
Dự kiến Luật áp dụng ngay từ năm 2025Năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm cuối triển khai KHĐTCTH giai đoạn 2021-2025, đồng thời phải chuẩn bị tốt để triển khai KHĐTCTH giai đoạn 2026-2030. Để đáp ứng yêu cầu phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất Luật Đầu tư công sửa đổi được áp dụng ngay từ năm 2025. Do đó, dự kiến dự Luật sẽ được trình Quốc hội xem xét cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) theo quy trình một kỳ họp với trình tự, thủ tục rút gọn. |