Sửa Luật Thủ đô: Thận trọng với cơ chế đặc thù khi thu hồi đất
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc hội nghị ngày 26/3. Ảnh tư liệu

Đô thị đặc biệt cần có chính sách đặc biệt

Tại phiên họp, đại biểu Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang), Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhận xét, dự thảo đã có nhiều chính sách đột phá hướng tới xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại, song vẫn còn một số vấn đề cần được hoàn thiện thêm.

Cụ thể, đại biểu lo ngại về quy định tại điểm b khoản 2 của Điều 20 về cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị và bảo tồn khu vực, công trình kiến trúc có giá trị.

Đó là quy định “Dự án cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị được thực hiện trên cơ sở chủ sở hữu nhà, người sử dụng đất tự nguyện thực hiện việc điều chỉnh lại đất đai theo quy định của pháp luật về đất đai. Trường hợp chủ sở hữu nhà, người sử dụng đất không thống nhất được việc điều chỉnh lại đất đai thì trong thời hạn 1 năm kể từ ngày UBND thành phố phê duyệt dự án, UBND cấp huyện quyết định việc điều chỉnh lại đất đai, tổ chức lập, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, bố trí chỗ ở tạm thời nếu được ít nhất là 2/3 tổng số chủ sở hữu nhà ở, người sử dụng đất thuộc phạm vi, ranh giới dự án đồng ý”.

Theo đại biểu Trần Văn Lâm, đây là vấn đề rất lớn, từng gây tranh luận khi sửa Luật Đất đai. Nếu theo quy định này, còn tới 1/3 dân cư trong dự án không đồng tình vẫn được phép cưỡng chế thì sẽ tác động lớn đến xã hội, dẫn đến khiếu kiện phức tạp sẽ nảy sinh. Trong khi đó quyền quyết định chỉ là cấp huyện, nên cần được đánh giá kỹ, đại biểu đề nghị.

Tuy nhiên, GS.TS Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho biết việc cấp quận, huyện được thu hồi đất với dự án chỉnh trang đô thị không phải là mới. Song điểm đặc biệt ở dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi là "tỷ lệ người dân đồng tình 2/3 thì được thu hồi đất".

Đại biểu đoàn Hà Nội nêu quan điểm, nếu bắt buộc 100% người dân đồng tình mới được thu hồi đất, giải phóng mặt bằng để chỉnh trang đô thị thì rất khó triển khai trong thực tế. Ví dụ một hộ dân ở tầng một nhà chung cư cũ không đồng tình thì cả tòa nhà dù có sập cũng không phá được. "Đô thị đặc biệt như Thủ đô phải có chính sách đặc biệt, đây là việc cần thiết. Nếu không quy định cụ thể sẽ không cải tạo được" - đại biểu nói.

Thực tế, đại biểu Hoàng Văn Cường chỉ ra, đề xuất này cũng không gây khiếu kiện khi dự thảo nêu rõ chỉ thực hiện với dự án chỉnh trang đô thị, không phải thu hồi đất nông nghiệp của người dân để thực hiện dự án thương mại, dịch vụ.

Hơn nữa, Luật Thủ đô cũng nêu rõ Hà Nội được quyền quyết định cơ chế, chính sách cao hơn bình thường, có nghĩa thành phố cũng được quyền đền bù cao hơn, đảm bảo thỏa đáng hơn cho người bị thu hồi, đại biểu cho biết.

Cần quy định chặt chẽ hơn về cơ chế thử nghiệm

Ảnh minh họa

Một quy định đặc thù cũng còn đại biểu băn khoăn là cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (Điều 25). Theo đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn), Ủy viên thường trực Ủy ban Xã hội, đây là quy định đầu tiên ở cấp độ Luật điều chỉnh vấn đề hết sức quan trọng này, phúc đáp yêu cầu phát triển khoa học công nghệ. Dự thảo Luật đã mở rộng hơn nhiều so với cơ chế thử nghiệm áp dụng cho TP. Hồ Chí Minh trong Nghị quyết số 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh.

Quy định đầu vào của cơ chế thử nghiệm

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa lưu ý, dự thảo Luật Thủ đô hiện chủ yếu tập trung quy định đầu vào của cơ chế thử nghiệm mà chưa có quy định về đầu ra như việc rút khỏi cơ chế thử nghiệm đang thế nào, hậu quả pháp lý khi kết thúc cơ chế thử nghiệm ra sao. Vì vậy, đại biểu đề nghị xem xét bổ sung các quy định này trong dự thảo Luật

Tại Dự thảo, cơ chế thử nghiệm được áp dụng ở tất cả các lĩnh vực. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị tiếp cận theo hướng thận trọng, bảo đảm kiểm soát tốt. Theo đó, Luật nên giới hạn cụ thể một số lĩnh vực được phép thử nghiệm có kiểm soát mà không nên giao UBND thành phố quyết định. Dẫn kinh nghiệm quốc tế, đại biểu cho biết các lĩnh vực được áp dụng cơ chế thử nghiệm sẽ do thị trường quyết định nhưng thường là: Tài chính, ngân hàng (Fintech); giáo dục (Edtech); Y tế (Medtech).

Cũng quan tâm đến quy định này, đại biểu Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam), Ủy viên Thường trực Uỷ ban Khoa học, công nghệ và môi trường dẫn Điều 25 dự thảo quy định về định nghĩa có chế thử nghiệm có kiểm soát; quy định về phạm vi thử nghiệm, quyền hạn quyết định, giới hạn không gian, thời gian, đối tượng ... thủ tục có tính chất bao quát như luật chuyên ngành.

Đại biểu đặt vấn đề, quy định như vậy chỉ áp dụng cho Thủ đô hay có thể trở thành “mẫu” cho luật chuyên ngành về sau vì định nghĩa chung, thủ tục chung … không phản ánh đặc thù hay ưu tiên quyền hạn cho Thủ đô. Theo đại biểu, như vậy Luật Thủ đô dễ xung đột pháp luật chuyên ngành, bởi quy định trước luật chuyên ngành khi chưa có nghiên cứu đầy đủ vì thực tiễn chưa thực hiện, trong khi chưa có nghiên cứu kinh nghiệm nước ngoài về vấn đề này và có những giải trình rõ ràng.

Hiện nay, Chính phủ cũng mới dự thảo mức Nghị định áp dụng cho lĩnh vực tài chính ngân hàng và chỉ quy định khái niệm về cơ chế, phạm vi, đối tượng... trong lĩnh vực này và đang lấy ý kiến mà chưa có định nghĩa về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát. Như vậy, dễ có xung đột khi Chính phủ xây dựng Nghị định thực hiện trong lĩnh vực cụ thể lại vướng khái niệm chung quy định trong Luật Thủ đô, không bảo đảm tính thống nhất trong kỹ thuật lập pháp.

Cũng theo quy định tại Điều 25, “Thử nghiệm có kiểm soát có thể bị giới hạn về không gian địa lý triển khai thực hiện; về quy mô thử nghiệm; về đối tượng được tham gia sử dụng công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, tham gia mô hình kinh doanh được thử nghiệm; về số lượng người dùng hoặc các giới hạn cần thiết khác”.

Đại biểu Trần Văn Khải cho rằng, quy định như vậy không rõ giới hạn vì có những lĩnh vực áp dụng liên quan tới quyền lợi ích của công dân hay quyền con người, quyền bí mật đời tư… thuộc phạm vi Hiến pháp quy định sẽ xử lý như thế nào?

Do đó, đại biểu đề nghị cần sửa quy định tại Điều 25 phù hợp với yêu cầu và thực tế áp dụng ở Việt Nam, theo hướng quy định cơ chế, phạm vi, điều kiện, giới hạn trong theo từng lĩnh vực phù hợp với điều kiện đặc thù, không nên quy định chung để có thể áp dụng tràn lan, dễ sơ hở.

Hà Nội được phép thí điểm dùng ngân sách lập quỹ đầu tư mạo hiểm

Liên quan đến vấn đề tài chính, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) mở rộng các lĩnh vực mà HĐND thành phố được quy định mức tiền phạt cao hơn và áp dụng trên địa bàn toàn, không phân biệt nội thành, ngoại thành (khoản 2 Điều 33).

Dự thảo Luật cũng bổ sung, làm rõ hơn một số chính sách huy động nguồn lực tài chính, ngân sách cho TP. Hà Nội như: ngân sách trung ương (NSTW) trích 30% của số tăng thu để thưởng cho ngân sách thành phố; bổ sung có mục tiêu cho ngân sách thành phố toàn bộ số tăng thu (sau khi trích thưởng), với điều kiện NSTW không hụt thu; cho giữ lại toàn bộ phần NSTW được hưởng theo tỷ lệ phân chia khoản thu tiền sử dụng đất, tiền cho thuê đất thuộc thẩm quyền quản lý của TP. Hà Nội,… (Điều 34).

Đặc biệt, thành phố Hà Nội được cho phép thí điểm thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm có sử dụng ngân sách nhà nước để đầu tư vốn vào các doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong các lĩnh vực trọng điểm về khoa học, công nghệ của thành phố nhằm hỗ trợ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và thương mại hóa sản phẩm khoa học, công nghệ (Điều 36).