PV: Ông nhận định như thế nào về công tác điều hành nhằm kiềm chế lạm phát những tháng đầu năm?

PGS, TS. Đinh Trọng Thịnh: CPI bình quân 6 tháng tăng 2,44% so với cùng kỳ năm trước. Thời gian này, giá xăng dầu, sắt thép, xi măng tăng cao; giá ngô, đậu, cám tăng 30 - 40%. Nếu tính biến động giá nguyên, nhiên liệu, vật liệu dùng cho sản xuất, quý II/2022 tăng 2,23% so với quý trước và tăng 6,38% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng cao nhất thập kỷ của biến động giá nguyên vật liệu, gây áp lực tăng lạm phát.

Trong bối cảnh đó, chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác đã được điều hành linh hoạt và chủ động hơn. Lượng cung tiền vào nền kinh tế ở mức vừa phải, tỷ giá cơ bản ổn định. Đây là cơ sở để chỉ số lạm phát cơ bản thấp, giúp ổn định thị trường tài chính tiền tệ và giúp cho CPI tăng thấp.

Sức ép lạm phát cuối năm sẽ giảm dần
PGS, TS. Đinh Trọng Thịnh

Dưới sự điều hành của Chính phủ, đã có sự phối hợp nhịp nhàng giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ trong việc quản lý thị trường tài chính tiền tệ; sự vào cuộc nhanh chóng, kịp thời, đồng bộ và quyết liệt của các cơ quan quản lý giá cả và cơ quan quản lý thị trường, tránh các đợt tăng giá sốc vào một số thời điểm nhạy cảm. Trong 6 tháng, để kìm giữ tỷ giá ngoại tệ và đồng Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước bán ra một khối lượng khá lớn ngoại tệ và thực hiện hút ròng về hàng trăm nghìn tỷ đồng thông qua kênh tín phiếu trên thị trường mở. Đồng thời, để đảm bảo kế hoạch phát hành trái phiếu chính phủ, theo báo cáo mới nhất của Kho bạc Nhà nước, Bộ Tài chính đã lựa chọn thời điểm thích hợp để tăng tổng khối lượng huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu chính phủ với lãi suất phát hành bình quân thấp, kỳ hạn dài, đảm bảo khả năng chi tiêu của ngân sách và phù hợp kế hoạch vay, trả nợ.

Việc điều hành linh hoạt các chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác góp phần thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.

PV: Dự báo thời gian tới vẫn còn nhiều thách thức trong bối cảnh lạm phát toàn cầu tăng, ông nhận định như thế nào về lạm phát của nước ta trong năm 2022?

PGS, TS. Đinh Trọng Thịnh: Tôi cho rằng nửa cuối năm lại không đáng lo ngại như tình hình đầu năm. Năm 2022, mặc dù tình hình đại dịch Covid-19 vẫn có những diễn biến phức tạp, nền kinh tế thế giới vẫn sẽ từng bước phục hồi.

Cùng với việc lạm phát tăng cao, nhiều quốc gia đã thực hiện nâng lãi suất và các biện pháp để kìm giữ lạm phát nên sự phục hồi và phát triển kinh tế bị chậm lại. Giải pháp kích cầu gần 2 năm qua của nhiều quốc gia chẳng những không mang lại hiệu quả như mong muốn, mà còn tạo nên mất cân đối cung - cầu trầm trọng hơn, làm cho lạm phát bùng nổ trên toàn cầu vượt đỉnh 30, 40 thậm chí 50 năm qua, mà thường bắt nguồn từ các nước có nhiều kinh nghiệm trong xử lý khủng hoảng trước đây. Tuy nhiên, đến nay hầu hết các quốc gia đã nhận ra tình trạng này và đang có các biện pháp khắc phục.

Nguồn: Tổng cục Thống kê
Nguồn: Tổng cục Thống kê

Nhiều quốc gia vừa bắt đầu phục hồi kinh tế, nhu cầu về nguyên nhiên vật liệu, về vật tư, linh phụ kiện và hàng hóa sẽ còn tiếp tục tăng cao; xung đột Nga-Ucraina cũng là nhân tố đẩy giá cả xăng dầu và nhiều mặt hàng tiếp tục ở mức cao, thúc đẩy lạm phát tăng lên. Tuy nhiên, xung đột đã xảy ra 4 tháng nay và chỉ ở mức độ giới hạn, giá dầu thô thế giới đã xác lập mức cao quanh mốc 110 - 120 USD/thùng và ít có khả năng tăng cao hơn, thậm chí có thể hạ thấp do tăng nguồn cung từ Venezuela, Iran. Giá nguyên vật liệu đầu vào cơ bản đã ổn định. Sức ép lạm phát do tăng giá đầu vào trong các tháng cuối năm không lớn như 6 tháng đầu năm.

Một số mặt hàng nguyên nhiên vật liệu nhập khẩu cho đầu vào của sản xuất tại Việt Nam như sắt thép, đồng, nhôm, thức ăn chăn nuôi, phân bón… đã tăng giá mạnh trong giai đoạn trước, nhưng tôi cho rằng, sang 6 tháng cuối năm 2022 mức tăng sẽ thấp hơn nhiều.

Việt Nam đang là một quốc gia xuất khẩu lương thực, thực phẩm lớn của thế giới. Sức ép lạm phát từ tăng giá lương thực, thực phẩm sẽ thấp hơn nhiều quốc gia khác, thậm chí còn được bù đắp bởi sự gia tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy, hải sản.

Với các yếu tố nêu trên, tôi cho rằng, sức ép lạm phát cuối năm có thể giảm dần. Bên cạnh đó, triển vọng cho tăng trưởng kinh tế cuối năm rất lớn, sẽ tạo đà để Chính phủ thực hiện các mục tiêu về các cân đối lớn của nền kinh tế.

PV: Có vẻ như ông không quá lo ngại về mục tiêu lạm phát, kể cả trong trường hợp GDP tăng trưởng cao, kéo theo lạm phát tăng. Ông dự đoán như thế nào về lạm phát của năm nay nếu như kinh tế có mức tăng trưởng ngoạn mục?

PGS, TS. Đinh Trọng Thịnh: Dự báo trong 6 tháng cuối năm 2022 nếu giá dầu và nguồn cung nguyên vật liệu như hiện nay, lãi suất của các nền kinh tế lớn tăng không quá cao, kinh tế thế giới phục hồi chậm, các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng được cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do, kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng ở mức 7% - 7,5% thì khả năng lạm phát cả năm sẽ trong khoảng 3,5% - 3,8%, vẫn thấp hơn mục tiêu đề ra.

Nếu giá dầu thô hạ xuống thấp hơn hiện nay, cơ hội chống lạm phát của các quốc gia tốt hơn, kinh tế thế giới phục hồi gần với dự báo từ đầu năm, các gói hỗ trợ hồi phục và tăng trưởng kinh tế phát huy tốt tác dụng, doanh nghiệp Việt Nam tận dụng tốt các cơ hội, nắm bắt và thích ứng với các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết; cùng với những thay đổi lớn trong nền kinh tế thế giới, đẩy mạnh xuất nhập khẩu, khu vực du lịch, dịch vụ tăng trưởng mạnh mẽ, tăng trưởng năm 2022 nếu như đạt mức 7,8% - 8,4% thì khả năng lạm phát cả năm có thể sẽ ở mức là 3,8% - 4,1%. Tôi cho rằng, nếu GDP tăng trưởng với con số ngoạn mục như trên, lạm phát ở mức trên dưới 4% thì chúng ta đã rất thành công trong điều hành.

PV: Xin cảm ơn ông!