* Báo cáo số liệu thị trường bảo hiểm 2014 cho thấy, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường năm 2014 ước đạt 52.680 tỷ đồng, tăng 14,2% so với cùng kỳ, trong đó, doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ tăng 17,9%. Doanh thu liên tục tăng trưởng có phải là xu thế chung của toàn thị trường hay chỉ ở nhóm doanh nghiệp dẫn đầu, thưa ông?

-Thị trường bảo hiểm nhân thọ đã và đang ghi nhận những con số tăng trưởng khả quan năm 2014. Một thực tế quan trọng cần lưu ý là thị trường vẫn tiếp tục bị chi phối bởi 6 DN dẫn đầu với hơn 80% doanh số hợp đồng khai thác mới.

Thị trường bảo hiểm vẫn bị chi phối bởi các doanh nghiệp lớn
Tôi hy vọng, thời gian tới các DN nhỏ sẽ giành nhiều thị phần hơn nữa, và điều này sẽ mang lại sự phát triển tổng thể về quy mô của thị trường bảo hiểm nhân thọ.   Ông Stephen Clark

Tôi hy vọng rằng trong thời gian tới các DN nhỏ sẽ giành nhiều thị phần hơn nữa, và điều này sẽ mang lại sự phát triển tổng thể về quy mô của thị trường bảo hiểm nhân thọ.

* Theo ông, đâu là những thách thức lớn nhất mà các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ sẽ phải vượt qua trong thời gian tới?

- Một thách thức đã và đang tồn tại trong những năm qua là hiện vẫn chỉ có một tỷ lệ rất ít người dân Việt Nam tham gia bảo hiểm nhân thọ. Ngoài thực tế về khả năng chi trả thì tôi nghĩ lý do chính của vấn đề là người dân chưa ý thức được tầm quan trọng và sự cần thiết của việc sở hữu một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ.

Là những người trong ngành, chúng ta cần phải có trách nhiệm hơn về vấn đề này, tuy nhiên sự hiện diện của các tiết học về việc lập kế hoạch tài chính trong trường học cũng đóng vai trò quan trọng không kém. Càng sớm tiếp cận và tìm hiểu kiến thức về cách thức lập kế hoạch tài chính phù hợp, những người trẻ sẽ có thêm nhiều cơ hội thực hiện các kế hoạch hoàn hảo hơn cho tương lai.

Một thách thức nữa là việc nhiều nhân viên và đại lý di chuyển từ công ty này sang công ty khác trong ngành, khiến các CEO đau đầu.

* Như ông nói thì một trong những thách thức của ngành bảo hiểm nhân thọ là việc nhiều nhân viên và đại lý di chuyển từ công ty này sang công ty khác. Vậy theo ông phải giải quyết vấn đề này thế nào?

- Thực ra, đây là hệ quả tự nhiên khi ngành bảo hiểm nhân thọ vẫn còn trong giai đoạn đầu của sự phát triển và ngày càng nhiều công ty mới tham gia sân chơi. Số lượng người lao động có năng lực và nhiều kinh nghiệm trong ngành vẫn còn ít nên hiện tượng “nhảy việc” thường xuyên diễn ra. Tất nhiên, những công ty lớn và có thời gian hoạt động lâu hơn sẽ thường xuyên phải đối mặt với tình trạng này.

Để giữ chân nhân viên chúng tôi phải ủng hộ, hỗ trợ và khuyến khích nhân viên gặt hái thành công trong những lĩnh vực họ chọn lựa. Cần phải tạo ra môi trường làm việc có sự kết nối trong suốt quá trình phát triển nghề nghiệp của người lao động, dù làm trong những lĩnh vực thiên về kỹ thuật như thẩm định, công nghệ thông tin, định giá sản phẩm, kế toán hay những công việc thường xuyên tiếp xúc với bên ngoài như kinh doanh và dịch vụ khách hàng.

Tại AIA, chúng tôi luôn thể hiện rõ thông qua nguyên tắc hoạt động: “Làm đúng việc, theo đúng cách với những con người phù hợp”.

* Ông đánh giá thế nào về thị trường bảo hiểm nhân thọ 2015?

- Những kết quả đạt được trong năm 2014, đặc biệt, với một số giải pháp để hỗ trợ thị trường phát triển vừa được cơ quan quản lý đưa ra, chúng tôi kỳ vọng năm 2015, thị trường bảo hiểm sẽ tiếp tục tăng trưởng bền vững. Thị trường sẽ giữ vững đà tăng trưởng 2 con số.

Hiện một số DN nhỏ đã và đang thay đổi cách thức phân phối sản phẩm để tiếp cận thêm nhiều nguồn khách hàng tiềm năng. Đây là một tín hiệu vui cho toàn ngành bảo hiểm vì qua đó, người dân sẽ có thêm cơ hội được lựa chọn sản phẩm và dịch vụ đa dạng, để nhận được thêm nhiều sự bảo đảm hơn cho những kế hoạch tài chính của họ và như vậy, DN sẽ tăng trưởng tốt hơn, thị trường sẽ ghi nhận những con số lớn hơn về doanh thu.

* Xin cảm ơn ông!

Hồng Chi (thực hiện)