Thị trường sắp về vùng đáy?

Dù VN-Index đã tăng gần 24 điểm trở lại trong phiên 10/5, tuy nhiên, thị trường chứng khoán vẫn chưa thể khẳng định đã thoát khỏi xu hướng giảm. Trên thực tế, thị trường đã giảm rất mạnh trong tháng 4 và những phiên đầu tháng 5 vừa qua, khiến chỉ số VN-Index mất mốc 1.300 điểm.

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, ông Nguyễn Trọng Đình Tâm - Chuyên gia Tư vấn chiến lược đầu tư, Công ty Chứng khoán SSI cho rằng, bên cạnh tác động thì các yếu tố quốc tế, VN-Index giảm điểm trong thời gian qua do lo ngại về những rủi ro tiềm ẩn liên quan tới thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường chứng khoán, đi cùng với sự thận trọng về các biến số vĩ mô như lạm phát và lãi suất.

Theo ông Tâm, chỉ số VN-Index sẽ tìm điểm cân bằng quanh vùng 1.260 – 1.250 điểm trước khi hồi phục trở lại. Tuy nhiên, thanh khoản tương đối thấp trong nhịp hồi phục này cho thấy dòng tiền lớn vẫn đang thận trọng nên thị trường sẽ cần thời gian để tìm điểm cân bằng và tăng trở lại.

Đồ họa: DUY THÁI
Đồ họa: Duy Thái

“Tôi cho rằng có 2 kịch bản có thể xảy ra với chỉ số thị trường trong tháng 5 này. Kịch bản thứ nhất, VN-Index quay lại với trạng thái điều chỉnh và hình thành thêm đáy số 2 (sau khi tạo đáy số 1 từ phiên 26/4), trước khi hồi phục trở lại (theo thuật ngữ phân tích kỹ thuật thì đây là mẫu hình 2 đáy). Kịch bản thứ hai, chỉ số sẽ thu hẹp dần biên độ biến động trước khi giằng co đi ngang (trạng thái sideway)” - Chuyên gia của SSI nói.

Nhận định về thanh khoản thị trường, ông Nguyễn Trọng Đình Tâm cho rằng, sau khi VN-Index hoàn thành các mẫu hình tạo đáy hoặc xác nhận trạng thái sideway, thì thanh khoản sẽ có sự cải thiện so với quy mô hiện tại với sự quay lại của bên chờ mua.

Còn theo ông Nguyễn Vũ Long - quyền Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán VNDIRECT, trong ngắn hạn, thanh khoản thị trường có thể duy trì ở mức thấp do ảnh hưởng của những sự kiện gần đây khiến tâm lý của nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn. Tuy vậy, trong dài hạn, thanh khoản thị trường vẫn được kỳ vọng sẽ được cải thiện cùng với đà phục hồi của thị trường trong bối cảnh các yếu tố cơ bản tích cực (GDP, lợi nhuận doanh nghiệp) được phản ánh vào thị trường.

Cơ hội hấp dẫn nếu nhìn ở định giá và các yếu tố hỗ trợ

Theo đánh giá của ông Nguyễn Trọng Đình Tâm, thị trường chứng khoán đang trông chờ vào các yếu tố cần thiết để tăng trở lại, đó là: sự ổn định hơn của các biến số vĩ mô, ví dụ như lạm phát; động lực từ dòng tiền khối ngoại cũng như ETF; kỳ vọng vào câu chuyện tăng trưởng lợi nhuận tại các doanh nghiệp niêm yết trong bối cảnh Việt Nam thực hiện mở cửa nền kinh tế sau dịch Covid-19.

Theo ông Vũ Đức Tiến – Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), trải qua một thời gian dài giãn cách vì đại dịch, đến nay hoạt động kinh tế đang dần trở lại trạng thái bình thường và hầu hết các ngành, lĩnh vực đã có xu hướng phục hồi tăng trưởng trở lại, GDP quý I/2022 tăng trưởng 5,03% so với cùng kỳ. Cùng với đó, bức tranh kết quả kinh doanh quý I/2022 dự báo sẽ tiếp tục “sáng sủa”. Mặt khác, lượng tài khoản nhà đầu tư mở mới vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao trong những tháng đầu năm sẽ tạo thêm lực cầu cho thị trường. “Đó là các yếu tố tích cực hỗ trợ trong giai đoạn hiện tại và xu hướng thị trường sẽ tiếp tục tăng trưởng trong dài hạn song hành với quá trình hồi phục, phát triển của nền kinh tế.” - ông Tiến nói.

Dòng tiền sẽ hướng vào cổ phiếu triển vọng tốt

“Thị trường chứng khoán sẽ quay trở lại với những “giá trị cơ bản”. Do đó nhà đầu tư nên tập trung vào những cổ phiếu có cơ bản tốt, có triển vọng kinh doanh tích cực và mức định giá hấp dẫn, tránh nhóm cổ phiếu “đầu cơ”, “tăng nóng” thời gian qua mà không rõ nguyên nhân. Dòng tiền có thể hướng tới những ngành có triển vọng kinh doanh tích cực và định giá hấp dẫn trong thời gian tới như ngân hàng, thực phẩm và đồ uống, điện…”. - Ông Nguyễn Vũ Long (Quyền Tổng giám đốc VNDRECT).

Quyền Tổng Giám đốc VNDIRECT Nguyễn Vũ Long cũng đánh giá, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn là thị trường đầu tư hấp dẫn với nhiều điểm sáng. Thị trường chứng khoán vẫn được hỗ trợ bởi nền tảng vĩ mô vững chắc: GDP quý I tăng trưởng 5,03%; lạm phát vẫn được kiểm soát trong bối cảnh giá cả hàng hóa thế giới tăng mạnh; đồng VND vẫn ổn định so với đồng tiền khác trong trong vực. Cùng với việc từng bước mở cửa các chuyến bay quốc tế, các chính sách hỗ trợ đang được triển khai quyết liệt để đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế trong các quý tới. Đồng thời, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn tiếp tục được yểm trợ bởi dòng vốn trong nước. Những số liệu về tài khoản chứng khoán mở mới gần đây cho thấy nhiều người dân lựa chọn chứng khoán là một kênh đầu tư. “Tôi cho rằng, điều này là hợp lý và phù hợp với sự phát triển của đất nước khi đầu tư sẽ dần trở thành một kỹ năng thiết yếu của mỗi người dân” - ông Long nói.

Ngắn hạn vẫn nên thận trọng

“Nhà đầu tư trong ngắn hạn nên giao dịch với tỷ trọng thấp, chờ đợi VN-Index xác nhận trạng thái mới sau đó mới cân nhắc tăng tỷ trọng trở lại. Các cổ phiếu mà nhà đầu tư có thể tham khảo khi tăng tỷ trọng trở lại sẽ là các lĩnh vực được xác nhận bởi câu chuyện tăng trưởng kết quả kinh doanh trong năm 2022, có thể kể tên như bán lẻ, cảng và vận tải biển, thủy sản…”. - Ông Nguyễn Trọng Đình Tâm (Chuyên gia tư vấn chiến lược đầu tư SSI).