Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Tinh giản biên chế đã tiết kiệm được 25,6 nghìn tỷ đồng Bộ trưởng Bộ Tài chính: Tự chủ tài chính ở đơn vị sự nghiệp công lập cần thận trọng, chắc chắn Thủ tướng Chính phủ: Xây dựng dự toán thu, chi ngân sách năm 2023 cần chắc chắn, khả thi

Đường lối đối ngoại của Việt Nam là không chọn bên

Đặt câu hỏi đầu tiên, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) cho rằng, thế giới đang có nhiều diễn biến khó lường, khó đoán định. Đại biểu đề nghị Thủ tướng cho biết một số định hướng đối ngoại cơ bản và thái độ của Việt Nam. "Nhân dân, cử tri, đại biểu Quốc hội muốn biết quan điểm của Đảng, của Chính phủ về vấn đề này để thống nhất phát ngôn và hành động" - đại biểu nói.

Trả lời đại biểu, Thủ tướng cho biết trong cương lĩnh Đại hội XIII, Hiến pháp đã quy định rất rõ Việt Nam theo đuổi đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa; là bạn bè tốt, đối tác tin cậy của tất cả nước trên thế giới vì mục tiêu hòa bình, hợp tác và phát triển và là thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế.

Chính phủ đang cụ thể hóa đường lối chung này với ba trụ cột chính là ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế và ngoại giao văn hóa, thu được nhiều kết quả quan trọng. "Đường lối đối ngoại của Việt Nam là không chọn bên, mà chọn công lý và lẽ phải, đối với các vấn đề liên quan quốc tế thì quan điểm là vì hòa bình, hợp tác phát triển, phù hợp với đường lối, quan điểm đối ngoại của chúng ta vừa qua" - lãnh đạo Chính phủ nói.

TT

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Sắp xếp bộ máy: Chậm nhưng lấy chất lượng bù lại

Theo đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa (đoàn Hải Dương), do tinh giản bộ máy và biên chế nên cán bộ công chức cấp xã đang phải làm quá nhiều việc, quá tải về khối lượng công việc. Một công chức văn hóa cấp xã phải thực hiện nhiệm vụ ở 17 lĩnh vực. Đại biểu đề nghị Thủ tướng cho biết giải pháp về vấn đề này.

Thủ tướng cho biết, vấn đề này Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã trả lời hôm qua. Thủ tướng cũng chia sẻ, công chức ở cơ sở, bình thường công việc đã nhiều, khi có sự cố còn nhiều hơn. Vì vậy, việc thực hiện Nghị quyết của Trung ương về tinh giản bộ máy, biên chế, trong đó có cán bộ cấp xã, cơ sở cần sát thực tế. Cần làm rõ đặc thù ở cấp xã, chính quyền đô thị và nông thôn, từ đó cân bằng bộ máy, con người, bố trí nguồn lực, cơ sở vật chất, làm sao để dung hòa điểm chung, điểm riêng và đặc thù của các nơi, vùng miền khác nhau.

Thủ tướng Chính phủ: Tìm điểm cân bằng giữa thúc đẩy tăng trưởng và kiểm soát lạm phát
Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời trước Quốc hội

Cũng về vấn đề bộ máy, đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh (đoàn Bắc Ninh) hỏi về nguyên nhân và giải pháp của việc chậm ban hành nghị định về cơ cấu, chức năng các bộ, ngành.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời cho biết, Chính phủ phấn đấu trong tháng 11 và đầu tháng 12 hoàn thành các nghị định về cơ cấu, chức năng các bộ, ngành, tinh thần là bám sát Nghị quyết Trung ương, tinh giản bộ máy, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức.

Mặc dù so về thời gian yêu cầu thì chậm, nhưng kết quả dự kiến là sẽ giảm 17 tổng cục, 8 cục, hơn 100 vụ. Theo Thủ tướng, đây là kết quả đáng mừng, “tuy có chậm nhưng lấy chất lượng, hiệu quả bù lại", quan trọng nhất là khi có bộ máy rồi thì con người, cán bộ là quyết định việc vận hành.

Tìm điểm cân bằng là rất quan trọng để giữ ổn định vĩ mô

Đại biểu Đặng Bích Ngọc (đoàn Hòa Bình) chất vấn Thủ tướng về mục tiêu tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2023 đưa ra khoảng 4,5% liệu có khả thi hay không và đề nghị chỉ rõ giải pháp thực hiện mục tiêu này.

Trả lời vấn đề này, Thủ tướng khẳng định Chính phủ luôn kiên trì mục tiêu nền tảng vĩ mô, trong đó có kiểm soát lạm phát. Lạm phát gồm hai nội hàm là cầu kéo và cung đẩy. Do đó, muốn chống lạm phát, tức là phải giảm cầu kéo, tìm cung đẩy, nhất là cung đẩy từ bên ngoài cho hợp lý.

"Chúng ta phải tìm cân bằng giữa cung đẩy và cầu kéo sao cho phù hợp, nhưng cũng phải cân bằng với mục tiêu tăng trưởng. Lựa chọn mục tiêu thế nào để vừa thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát được lạm phát, đây là điểm cân bằng rất quan trọng" - Thủ tướng nói.

Thủ tướng Chính phủ: Tìm điểm cân bằng giữa thúc đẩy tăng trưởng và kiểm soát lạm phát
Đại biểu Đặng Bích Ngọc

Về cầu kéo, Thủ tướng giải thích hiện có 752 mặt hàng, 11 nhóm hàng hoá, dịch vụ được thống kê và tính trong rổ hàng hoá. Một số nhóm hàng, dịch vụ tác động lớn tới rổ hàng hoá tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI) như ăn uống (39,3%), xây dựng - vật liệu xây dựng (19%), trang thiết bị gia dụng, ăn mặc, giáo dục, y tế... Theo ông, 7 nhóm hàng hoá, dịch vụ lớn hiện chiếm 86% trong rổ tính CPI, nên chống lạm phát phải tập trung vào những nhóm này để giảm cầu kéo, cộng với việc đưa tiền ra qua đầu tư công hợp lý.

Về kiểm soát cung đẩy, như trong lĩnh vực xăng dầu, Chính phủ đã giảm thuế, phí, lệ phí... để giảm giá giá đầu vào mặt hàng quan trọng này. Giữ ổn định vĩ mô rất quan trọng, trong đó phải tìm điểm cân bằng giữa tăng trưởng - lạm phát - việc làm, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.

Quan tâm đến chính sách về nhà ở xã hội, đại biểu Lò Thị Luyến (đoàn Điện Biên) nêu thực trạng nhiều người có nhu cầu nhà ở xã hội nhưng nguồn cung thiếu. Hơn nữa, với các quy định hiện nay, người lao động có thu nhập thấp rất khó đáp ứng điều kiện để tiếp cận nhà ở xã hội. Đại biểu đề nghị Thủ tướng cho biết thời gian tới có chính sách để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân hay không?

Theo Thủ tướng, muốn có nhà ở xã hội thì điều quan trọng nhất là nguồn lực, theo đó cần phải tháo gỡ về cơ chế để có hợp tác công tư. Trên thế giới, nhiều nước đã chia nhà ở xã hội thành các nhóm để mua, thuê, thuê mua. Việt Nam chưa có chính sách về thuê mua nên cần nghiên cứu thêm. Ai có tiền thì mua nhà ngay, người không có tiền thì thuê mua. Quá trình thuê trong 10-20 năm có thể trả xong. Vì vậy, cần tính toán lại phương thức mua nhà xã hội.

Về quy hoạch, Thủ tướng cho rằng nếu dự án chung cư cao cấp mà phải dành 20% làm nhà ở xã hội thì cũng có bất cập, nên cần nghiên cứu phù hợp, sát thực tế, khả thi hơn.

Chính phủ luôn cầu thị lắng nghe các ý kiến

Trước khi kết thúc phần trả lời chất vấn, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói, thời gian trả lời chất vấn ngắn, đại biểu hỏi nhiều vấn đề đều lớn nên "cái gì chưa được thì mong đại biểu và đồng bào cử tri cả nước thông cảm".

Thủ tướng khẳng định, “những công việc cụ thể, thể chế hóa đường lối của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội chưa tốt thì Chính phủ sẽ tiếp tục nỗ lực cố gắng" và mong đại biểu, đồng bào cử tri cả nước chia sẻ với Chính phủ trong lúc khó khăn. Chính phủ luôn cầu thị lắng nghe các ý kiến.