Bệnh viện

Ngân sách chi cho y tế, giáo dục, an sinh xã hội ngày càng tăng. (Trong ảnh: Khám bệnh cho trẻ tại BV Nhi đồng TP. Hồ Chí Minh - BV nhi hiện đại nhất cả nước).

Ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước (NSNN), Bộ Tài chính đã có cuộc trao đổi với phóng viên TBTCVN về nội dung này.

PV: Bộ Tài chính vừa thảo luận xây dựng dự toán thu, chi NSNN năm 2018 với các bộ, ngành, địa phương. Xin ông cho biết, nguyên tắc xây dựng dự toán ngân sách năm 2018 có khác gì với những năm trước, khi chưa áp dụng các quy định của kế hoạch tài chính 5 năm và kế hoạch tài chính - NSNN 3 năm?

- Ông Võ Thành Hưng: Năm 2018 là năm thứ 3 triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và kế hoạch tài chính 5 năm 2016 - 2020. Cùng với việc xây dựng dự toán ngân sách năm 2018, chúng ta sẽ phải nhìn nhận lại kết quả 2 năm (2016 - 2017) thực hiện các kế hoạch này, trên cơ sở đó, đánh giá khả năng hoàn thành mục tiêu các kế hoạch 5 năm đến đâu, có cần phải điều chỉnh gì không.

Ngoài ra, năm 2018 cũng là năm đầu tiên triển khai thực hiện lập kế hoạch tài chính - NSNN 3 năm. Đây là kế hoạch ngân sách mang tính trung hạn, nhưng lại được lập theo hình thức cuốn chiếu hàng năm trên cơ sở cập nhật diễn biến tình hình thực tế. Chính vì vậy, kế hoạch tài chính - NSNN 3 năm là cầu nối giữa kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia (kế hoạch tĩnh, được lập 5 năm một lần) và dự toán NSNN hàng năm, là bước đi quan trọng trong tiến trình cải cách quản lý tài chính công. Thực hiện quy định của Luật NSNN, đến nay đã có đầy đủ các văn bản hướng dẫn, bao gồm Nghị định số 45 của Chính phủ và Thông tư số 69 của Bộ Tài chính hướng dẫn về việc lập kế hoạch tài chính - NSNN 3 năm. Bộ Tài chính cũng đã tổ chức các cuộc tập huấn riêng về nội dung này cho các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương.

Ông Võ Thành Hưng
Ông Võ Thành Hưng

PV: Nhìn nhận thu ngân sách những năm gần đây và dự báo thu những năm tới có thể thấy, thu ngân sách trung ương (NSTW) vẫn khó khăn do một số yếu tố tác động, đặc biệt nguồn thu từ xuất nhập khẩu giảm theo các cam kết quốc tế... Vậy, Bộ Tài chính đã dựa trên những cơ sở nào để đảm bảo tính khả thi khi xây dựng dự toán ngân sách 2018?

- Ông Võ Thành Hưng: Bộ Tài chính luôn quan niệm thu theo đúng chính sách và thực tế phát sinh. Trên cơ sở đó, tăng cường quản lý thu, thu đúng, thu đủ, kịp thời tất cả các khoản thu ngân sách. Để xây dựng dự toán thu cho năm tới, ngoài việc dựa trên cơ sở số thực hiện thu các năm trước, đánh giá mức độ hoàn thành dự toán của năm hiện hành, còn phải dựa trên cơ sở dự kiến tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng năng lực sản xuất kinh doanh, dự kiến các yếu tố về sản lượng một số mặt hàng lớn, dự kiến về giá cả, về lạm phát. Khi đưa các dự báo làm căn cứ xây dựng dự toán thu, chúng tôi luôn trên tinh thần tích cực, nhưng cũng nhấn mạnh tính khả thi, chắc chắn. Dĩ nhiên, thực tế thực hiện có thể có những chỉ tiêu sai lệch so với dự báo, nhưng cơ bản xoay quanh mức dự báo.

Thực tế trong 3 năm qua, thu NSTW luôn xoay quanh mức dự toán. Phần vượt thu, nếu có, cơ bản ở các địa phương. Trong bối cảnh thu NSTW chịu nhiều tác động, với số thu hàng năm đã phần nào thể hiện tính tích cực của Bộ Tài chính trong xây dựng dự toán với số thu rất cao.

PV: Thưa ông, về thu NSNN năm 2017, đến thời điểm này nhiều địa phương báo cáo có tỷ lệ thu khá cao, song một vài địa phương cũng bày tỏ lo lắng về việc một số nguồn thu chính (từ điện, ô tô…) bị hụt nhiều so với những năm trước. Bộ Tài chính có giải pháp gì hỗ trợ về mặt chính sách đối với địa phương bị hụt thu, thưa ông?

- Ông Võ Thành Hưng: Đến thời điểm này, thu ngân sách địa phương (NSĐP) nói chung cơ bản đạt tiến độ khá. Tuy nhiên, đối với một số địa phương có tiến độ thu thấp so với yêu cầu dự toán do nguồn thu từ một số doanh nghiệp đóng góp tỷ trọng cao cho thu NSĐP gặp khó khăn. Trên cơ sở theo dõi tình hình quý I và dự báo cho cả năm, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị 14 về việc tập trung chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính- NSNN năm 2017. Trong đó, yêu cầu các địa phương chú ý điều hành ngân sách chặt chẽ, tích cực, cố gắng bằng nhiều giải pháp tăng thu ngân sách ở các lĩnh vực, địa bàn khác có khả năng, có dư địa, trên cơ sở đó phấn đấu hoàn thành dự toán thu. Trong trường hợp có khả năng hụt thu thì trước hết phải sắp xếp lại các nhiệm vụ chi, tiết kiệm, cắt giảm, giãn các nhiệm vụ chi chưa thật sự cần thiết, tiếp đến phải sử dụng các nguồn lực tại chỗ của địa phương dự phòng, dự trữ để xử lý.

PV: Tại hội nghị sơ kết thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách 6 tháng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ có chỉ đạo năm 2017 phải tăng thu ngân sách từ 5 - 8%. Vậy, nhìn nhận số thu NSNN đến thời điểm này, theo ông mục tiêu đó có khả năng đạt được?

- Ông Võ Thành Hưng: Qua số liệu thu ngân sách đến thời điểm này, mục tiêu tăng thu từ 5 - 8% là có khả năng đạt được, nhưng đó là tổng thu nội địa và phần lớn trong đó là phát sinh thu từ đất. Sở dĩ năm nay số thu từ đất tăng là trên cơ sở các quy hoạch sử dụng đất đai của địa phương trong trường hợp thu hút được các nhà đầu tư đã phát sinh nguồn thu đó. Thu NSTW nhìn chung tiến độ vẫn chậm so với yêu cầu dự toán. Bộ Tài chính đang nỗ lực triển khai tất cả các giải pháp khả thi để phấn đấu thu NSTW đạt dự toán.

PV: Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo, nếu địa phương nào thu không đủ thì phải điều chỉnh các nhiệm vụ chi. Tuy nhiên, nhiều địa phương phụ thuộc phần lớn vào nguồn hỗ trợ từ NSTW và nguồn thu của địa phương cũng khó đảm bảo được nhiệm vụ chi an sinh xã hội (ASXH), hay chi lương… Với những trường hợp đó thì có những giải pháp gì, thưa ông?

- Ông Võ Thành Hưng: Đối với các địa phương có tiến độ thu thấp so với yêu cầu dự toán thì phải chủ động thực hiện các giải pháp theo đúng Chỉ thị 14 của Thủ tướng Chính phủ như tôi đã nêu trên.

Đối với nhu cầu kinh phí thực hiện các chính sách ASXH, Quyết định số 579/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về nguyên tắc hỗ trợ có mục tiêu từ NSTW cho NSĐP thực hiện các chính sách an sinh xã hội giai đoạn 2017 - 2020 đã nêu rõ: Việc hỗ trợ kinh phí tăng thêm từ NSTW cho NSĐP trong giai đoạn 2017 - 2020 để thực hiện các chính sách ASXH do Trung ương ban hành (không bao gồm chính sách thực hiện cải cách tiền lương theo nghị quyết của Quốc hội) được thực hiện trên cơ sở nguồn lực NSTW, và theo khả năng cân đối ngân sách từng địa phương, đồng thời yêu cầu các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện dự toán ngân sách phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi NSĐP để tăng thêm mức NSĐP đảm bảo, giảm bớt phần hỗ trợ từ NSTW.

Ngoài ra, đối với các địa phương có điều tiết thu về NSTW phải sử dụng NSĐP để thực hiện một phần, hoặc toàn bộ chính sách ASXH do trung ương ban hành. Nếu hụt thu do nguyên nhân khách quan hoặc tăng thu thấp, sau khi đã sử dụng 50% số tăng thu NSĐP năm trước còn lại (nếu có) và 50% dự phòng NSĐP được Thủ tướng Chính phủ giao mà vẫn còn thiếu, thì NSTW sẽ hỗ trợ phần chênh lệch thiếu.

PV: Xin cảm ơn ông!

Huyền Trang (thực hiện)