Tiếp tục điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt, có hiệu quả
Nguồn: Bộ Tài chính Đồ họa: Văn Chung

Khẩn trương đưa chính sách vào cuộc sống

Nếu tính trong 4 năm qua, tổng các gói hỗ trợ tài khóa lên tới khoảng 700 nghìn tỷ đồng. Trong đó, quy mô các giải pháp hỗ trợ năm 2020 khoảng 129 nghìn tỷ đồng, năm 2021 khoảng 145 nghìn tỷ đồng, năm 2022 khoảng 233 nghìn tỷ đồng. Năm 2023, để kịp thời, chủ động trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và tài chính - ngân sách, Bộ Tài chính đã khẩn trương nghiên cứu, đề xuất với các cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền các giải pháp về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất, với tổng giá trị hỗ trợ dự kiến khoảng 200 nghìn tỷ đồng.

Tiếp tục điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt

Bám sát tình hình thực tế, Bộ Tài chính tiếp tục điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp chính sách về thu NSNN phù hợp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Trong thời gian tới, cùng với việc triển khai quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ đã được ban hành, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình thực tế để nghiên cứu, đề xuất các giải pháp áp dụng cho năm 2024.

Trước mắt, Bộ Tài chính khẩn trương tổ chức thực hiện hiệu quả chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) như đã áp dụng năm 2023 đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 10% vừa được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV. Đặc biệt, Bộ Tài chính khẩn trương trình Chính phủ ban hành nghị định quy định chi tiết chính sách giảm 2% thuế suất thuế GTGT để nhanh chóng đi vào cuộc sống, đến ngay với các đối tượng gặp khó khăn, cần hỗ trợ. Dự kiến thực hiện giải pháp này số tiền thuế được giảm khoảng 25 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, Bộ Tài chính trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định tiếp tục giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn như đã áp dụng của năm 2023. Dự kiến thực hiện nghị quyết này sẽ giảm thu ngân sách nhà nước (NSNN) khoảng 42,5 nghìn tỷ đồng.

Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 63/2023/TT-BTC ngày 16/10/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của một số thông tư quy định về phí, lệ phí của Bộ Tài chính nhằm khuyến khích sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Thông tư có hiệu lực từ 1/12/2023 và áp dụng đến hết năm 2025. Với mức giảm phí, lệ phí từ 10% đến 50%, dự kiến thực hiện chính sách này sẽ hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khoảng 100 tỷ đồng/năm.

Hiện đại hóa ngành Tài chính, hỗ trợ doanh nghiệp

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, trong thời gian tới Bộ Tài chính sẽ tiếp tục cải cách trên mọi mặt công tác, gồm hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy, cải cách thủ tục hành chính theo hướng toàn diện và hiệu quả hơn; tiếp tục đẩy mạnh hiện đại hoá các lĩnh vực của ngành Tài chính, đặc biệt là trong các lĩnh vực thuế, hải quan, vốn được xem là các lĩnh vực có liên quan nhiều và trực tiếp tới doanh nghiệp, người dân nhằm tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp để cải thiện môi trường kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Hiện nay, Bộ Tài chính đã và đang chủ động, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát mức thuế suất thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh trong nước.

Về lâu dài, quán triệt các chủ trương, định hướng đã được đề ra tại các nghị quyết của Đảng, của Quốc hội, Bộ Tài chính đã và đang nghiên cứu, tham mưu với các cấp có thẩm quyền nhằm hoàn thiện đồng bộ hệ thống chính sách thuế phù hợp với các tiêu chuẩn của hệ thống thuế tốt theo thông lệ quốc tế, đáp ứng yêu cầu về nguồn lực để thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030. Trên cơ sở đó, hướng tới một hệ thống thuế đồng bộ, có cơ cấu bền vững, bảo đảm huy động hợp lý các nguồn lực cho NSNN, đồng thời, góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, công bằng, đảm bảo tính bền vững của nền kinh tế.

Chia sẻ với phóng viên TBTCVN, TS. Dorsati Madani - Chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, nhận định công tác điều hành chính sách tài khóa của Chính phủ đã đi đúng hướng. Việc thực hiện chính sách tài khóa linh hoạt hỗ trợ tích cực cho phục hồi của kinh tế.

Theo bà Dorsati Madani, việc áp dụng chính sách tài khóa linh hoạt, lấy doanh nghiệp và người dân làm trung tâm chính là áp dụng khuôn khổ chính sách tài khóa nghịch chu kỳ. Chính sách này nhằm đáp ứng những diễn biến của nền kinh tế và góp phần giảm thiểu tác động của các cú sốc kinh tế, ổn định môi trường kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm.

Khi nền kinh tế đang gặp cú sốc tiêu cực như đại dịch Covid-19, việc áp dụng các biện pháp như giảm thuế cho hộ gia đình hoặc doanh nghiệp, tăng đầu tư công và mở rộng chính sách bảo trợ xã hội hiệu quả và có mục tiêu tốt giúp hỗ trợ những người dân bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi khủng hoảng, qua đó hỗ trợ tổng cầu.

Không ngừng đổi mới, sáng tạo trong công tác quản lý thu

Trong bối cảnh nền kinh tế tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, thực hiện các nghị quyết của Đảng và Quốc hội, chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã quyết tâm phấn đấu, nỗ lực cùng các bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ đề ra.

Quốc hội đã đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, Bộ Tài chính đã điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt, kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội và đời sống người dân.

Sở dĩ có được kết quả đó là do Bộ Tài chính đã tăng cường công tác quản lý thu NSNN, đẩy mạnh chống thất thu, rà soát các nguồn thu trên địa bàn, quản lý thuế đối với 100% doanh nghiệp có kinh doanh, các hoạt động kinh doanh bất động sản, thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số; quản lý thu từ nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam; kiểm soát chặt chẽ hoàn thuế giá trị gia tăng đảm bảo đúng chính sách, quy định của pháp luật; đôn đốc thu hồi, xử lý nợ đọng thuế…

Trả lời báo chí mới đây, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã khẳng định, Bộ Tài chính đã hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp nhưng trong quá trình triển khai đã sáng tạo và đổi mới trong quản lý thu. Ví dụ như khoản thu tiềm năng mà lâu nay chưa thu được như sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, năm 2023 đã có 73 doanh nghiệp của nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp lớn như Google, Meta (Facebook), Microsoft, TikTok, Netfix, Apple đều cũng đã đăng ký, khai, nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài./.