Nhiều giải pháp cụ thể thực hiện mục tiêu tăng trưởng 7,5-8% năm 2024
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: S.Nam

Tăng trưởng đứng thứ 2 trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương

Sáng 6/1, UBND TP. Hồ Chí Minh (TP.HCM) tổ chức hội nghị tổng kết tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024.

Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của UBND TP. Hồ Chí Minh cho thấy, năm 2023 dù đối diện với những khó khăn nhưng thành phố đã tìm ra những điểm nghẽn, đề ra các giải pháp giúp tình hình kinh tế - xã hội được cải thiện qua từng tháng, từng quý. Kết quả, năm 2023, kinh tế TP.HCM đạt tăng trưởng 5,81%, đứng thứ 2 trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương và đứng đầu vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Về giải ngân vốn đầu tư công, năm 2023, TP.HCM giải ngân gấp 2 lần so với năm 2022. Bên cạnh đó, đầu tư tư nhân tiếp tục có kết quả đáng khích lệ, là năm đầu tiên thành phố vượt qua mốc 50.000 doanh nghiệp.

Tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP năm 2023 ước đạt 1.621.191 tỷ đồng (theo giá hiện hành). Tính theo giá so sánh 2010 đạt 1.099.072 tỷ đồng, tăng 5,81% so với năm 2022. Tổng thu ngân sách nhà nước ước thực hiện 446.545 tỷ đồng, đạt 95,07%.

Về tình hình thực hiện vốn đầu tư công, năm 2023 thành phố đã giao và phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công là hơn 68.634 tỷ đồng.

Theo số liệu báo cáo của Kho bạc Nhà nước TP.HCM cung cấp, tính đến ngày 30/12/2023, tổng vốn kế hoạch đầu tư công đã giải ngân là hơn 42.931 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 63% tổng số vốn giao. Ước đến ngày 31/1/2024, giải ngân đạt 71% so với tổng số vốn được giao.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho biết, các vấn đề bất cập, các điểm nghẽn kéo dài được tập trung tháo gỡ, chuyển biến tích cực hơn, nhất là vướng mắc của doanh nghiệp, dự án đầu tư, thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp… Nhiều dự án quan trọng, trọng điểm quốc gia trên địa bàn thành phố có tác động lan tỏa được đưa vào khai thác. Nhiều dự án của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 được đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện.

Tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, đạt kế hoạch đề ra. Hoạt động chuyển đổi số đạt nhiều kết quả tích cực, đứng thứ 2 cả nước về Chỉ số chuyển đổi số. Công tác đối ngoại tiếp tục đẩy mạnh, làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác nhiều mặt. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững.

Tuy nhiên, theo đánh giá của UBND thành phố, năm 2023 thực trạng khả năng hấp thụ vốn của thị trường còn thấp, tỷ lệ nợ xấu có xu hướng tăng; tiến độ giải quyết công việc còn chậm, công tác phối hợp chưa đồng bộ, thiếu thống nhất, còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, còn tâm lý chờ đợi chỉ đạo mà chưa chủ động nghiên cứu đề xuất tham mưu để có phương án. Sự phối hợp tham mưu UBND TP.HCM của các sở, ngành còn chưa đồng bộ, còn tình trạng văn bản “chạy qua chạy lại”, một vấn đề bàn tới bàn lui nhiều lần.

Bên cạnh đó, giải ngân vốn đầu tư công, tiến độ triển khai lập quy hoạch thành phố, quy hoạch chung thành phố chưa đảm bảo tiến độ; công tác cải cách hành chính còn một số hạn chế, cần chỉ rõ những điểm nghẽn để tập trung cụ thể hóa trong Đề án “Xây dựng nền công vụ TP.HCM hoạt động hiệu lực, hiệu quả giai đoạn 2024-2030”. Ngoài ra, khối lượng công việc ngày càng nhiều, độ khó ngày càng cao trong khi đội ngũ về số lượng vẫn ổn định, thậm chí phải tinh giản…

Cần nhiều giải pháp cụ thể, quyết liệt hơn

Trước những dự báo về tình hình thế giới và trong nước, phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trong năm 2024 dự báo sẽ còn tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức bên cạnh những cơ hội mới. TP.HCM xác định chủ đề công tác năm 2024 là: “Quyết tâm thực hiện hiệu quả chuyển đổi số và Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội”.

Cần giải pháp cụ thể thực hiện mục tiêu tăng trưởng 7,5-8% năm 2024
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại hội nghị. Ảnh: S.Nam

TP.HCM xây dựng 18 chỉ tiêu chủ yếu và được phân chia thành 5 nhóm: Nhóm chỉ tiêu về kinh tế; Nhóm chỉ tiêu về xã hội; Nhóm chỉ tiêu về đô thị; Nhóm chỉ tiêu về cải cách hành chính; Nhóm chỉ tiêu về quốc phòng, an ninh.

Về các nhiệm vụ giải pháp năm 2024, TP.HCM chủ động, sáng tạo, thích ứng linh hoạt, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả trong công tác chỉ đạo, điều hành. Đẩy nhanh tiến độ các chương trình, đề án thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025. Cùng với đó, TP.HCM đẩy mạnh chuyển đổi số; thực hiện hiệu quả cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố; tăng cường huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển; quyết tâm hoàn thành tốt kế hoạch đầu tư công.

TP.HCM tập trung phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ và hiện đại; quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên; tăng cường bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ; thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Cùng với đó, TP.HCM chú trọng phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa; phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa - xã hội; tiếp tục đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo; tăng cường chăm lo xây dựng, nâng cao chất lượng đời sống người dân thành phố. Phát triển nông nghiệp đô thị hiện đại, bền vững gắn với chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; tăng cường công tác đối ngoại, đảm bảo quốc phòng, an ninh./.

Về chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2024, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, chỉ tiêu tăng trưởng 7,5-8% được xác định là cao và thách thức. Vì vậy, cả hệ thống chính trị của thành phố cần tập trung xây dựng những giải pháp cụ thể để phấn đấu thực hiện đạt hiệu quả cao nhất.