Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh nhận thấy, để hoàn thành được dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh thì điều kiện tiên quyết và rất quan trọng đó là công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và giải phóng mặt bằng của dự án. Nếu nội dung này chậm trễ sẽ ảnh hưởng đến công tác xây lắp và sẽ ảnh hưởng chung đến toàn bộ tiến độ dự án.

TP. Hồ Chí Minh: Sở Tài nguyên và Môi trường “hiến kế” giải quyết nhanh tiến độ dự án vành đai 3

Tại TP. Hồ Chí Minh, dự án Vành đai 3 dự kiến đi qua địa giới 4 thành phố, huyện gồm: Quận 9 (nay thuộc TP Thủ Đức), các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh.

Ngày 5/7/2022, UBND TP. Hồ Chí Minh và UBND các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An đã ký ban hành Kế hoạch phối hợp triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh. Theo đó, dự án này bắt đầu bàn giao mặt bằng từ ngày 1/10/2022 và đến tháng 3/2024, toàn bộ mặt bằng sẽ được bàn giao; phấn đấu khởi công công trình trong tháng 6/2023; đến tháng 10/2025 sẽ thông xe kỹ thuật tuyến cao tốc; trong tháng 6/2026 sẽ thi công hoàn thành toàn bộ dự án và quyết toán vào năm 2027.

Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đường vành đai 3 đoạn qua TP. Hồ Chí Minh có sơ bộ tổng mức đầu tư là 25.610 tỷ đồng, tổng số trường hợp bị ảnh hưởng khoảng 2.377 trường hợp, tổng số trường hợp tái định cư khoảng 752 trường hợp

Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đang kiến nghị UBND thành phố trình Thủ tướng Chính phủ cơ chế thí điểm riêng. Theo kế hoạch thực hiện thì dự kiến đến tháng 6/2023 sẽ phê duyệt chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, ban hành quyết định thu hồi đất, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là một công việc khó khăn và vô cùng phức tạp do ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của người có đất bị thu hồi. Để đảm bảo tiến độ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, bàn giao mặt bằng đòi hỏi công tác chuẩn bị phải hết sức kỹ lưỡng, đầy đủ (về nhân sự, về pháp lý, về kinh phí...), công tác thực hiện, theo dõi giám sát thực hiện phải hết sức chặt chẽ, đòi hỏi sự nổ lực, phối hợp giữa sở, ngành thành phố và các địa phương, giữa các cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND cấp huyện với nhau.

Ngoài ra, do tính chất của công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thường phát sinh những vụ việc vướng mắc mà địa phương không thể giải quyết, cần xin ý kiến hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ của Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng và nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo Ban Chỉ đạo bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành phố để giải quyết ngay.

Nếu các địa phương chỉ gửi văn bản đến các sở, ngành có liên quan, UBND thành phố và chờ hướng dẫn giải quyết như cách thông thường hiện nay thì sẽ rất chậm, ảnh hưởng tiến độ dự án. Do đó, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương và các sở, ngành, kho bạc thành phố để hoàn thành các nhiệm vụ, đảm bảo tiến độ dự án.