no

Đây là thông tin được ông Đỗ Giang Nam - Phó Tổng giám đốc VAMC cho biết trong cuộc trao đổi với phóng viên TBTCVN.

* PV: Vừa qua, báo cáo của Kiểm toán Nhà nước có một số nhận định về việc xử lý nợ xấu của VAMC như: không thẩm định giá mua, không kiểm tra, đánh giá khách hàng, xử lý nợ xấu sau khi mua chủ yếu thông qua ủy quyền cho các tổ chức tín dụng (TCTD) bán nợ... Vậy, hiện nay việc mua bán, xử lý nợ xấu của VAMC đang được tiến hành ra sao, thưa ông?

- Ông Đỗ Giang Nam: Từ khi thành lập đến ngày 30/6/2019, VAMC đã mua nợ bằng TPĐB đạt 316.066 tỷ đồng, với 347.432 tỷ đồng dư nợ gốc, mua nợ theo giá thị trường đạt 6.419 tỷ đồng.

nam
Ông Đỗ Giang Nam

Đối với việc mua nợ xấu bằng TPĐB, VAMC khẳng định đã tuân thủ theo đúng quy định, tại Nghị định số 53/2013/NĐ-CP và Thông tư 19/2013/TT-NHNN. Theo đó, VAMC mua các khoản nợ xấu đáp ứng các điều kiện theo quy định với giá mua nợ bằng TPĐB = mệnh giá TPĐB = dư nợ gốc nội bảng – dự phòng rủi ro. TCTD chịu trách nhiệm cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác cho VAMC các thông tin, tài liệu về khách hàng vay, bên có nghĩa vụ trả nợ, bên bảo đảm, khoản nợ; tài sản bảo đảm của khoản nợ đã bán cho VAMC. Đồng thời, VAMC có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng mua, bán nợ khi phát hiện khoản nợ xấu đã mua không đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định.

Sau khi mua nợ, bên cạnh việc ủy quyền xử lý cho các TCTD, VAMC đã phối hợp với các TCTD triển khai quyết liệt các giải pháp xử lý nợ nhằm đẩy nhanh quá trình thu hồi nợ, tích cực hỗ trợ TCTD trong việc khởi kiện, thi hành án, thu giữ tài sản đảm bảo, đấu giá khoản nợ… Kết quả đến 30/6/2019, VAMC đã tất toán 163.868 tỷ đồng TPĐB, thu hồi nợ đạt 125.796 tỷ đồng. Đến nay hơn 50% nợ xấu bán sang VAMC bằng TPĐB đã được thu hồi, góp phần làm giảm đáng kể tỷ lệ nợ xấu tại các TCTD.

* PV: Được biết, từ khi có Nghị quyết 42, tiến độ xử lý nợ xấu trong toàn hệ thống đã được đẩy nhanh hơn. Tuy nhiên, các đơn vị tham gia xử lý nợ xấu cho rằng, vẫn có nhiều vướng mắc khi triển khai Nghị quyết 42. Xin ông cho biết cụ thể một số vướng mắc ảnh hưởng đến việc xử lý nợ xấu của VAMC?

- Ông Đỗ Giang Nam: Nghị quyết 42 năm 2017 của Quốc hội là văn bản pháp lý quan trọng thể hiện chủ trương đúng đắn, kịp thời để tháo gỡ khó khăn trong quá trình xử lý nợ xấu. Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được qua 2 năm triển khai, VAMC nhận thấy có một số quy định pháp luật cần được tiếp tục bổ sung, hoàn thiện nhằm tạo ra cơ chế xử lý đồng bộ, hiệu quả, khả thi nhằm xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu.

Thứ nhất, về quyền thu giữ tài sản đảm bảo (TSĐB). Bộ Luật Dân sự 2015 không ghi nhận quyền thu giữ TSĐB của TCTD. Nghị quyết 42 đã tháo gỡ vướng mắc này bằng cách ghi nhận quyền thu giữ TSĐB và quy định các điều kiện để thực hiện quyền thu giữ TSĐB. Tuy nhiên, nhiều hợp đồng thế chấp không quy định cụ thể, mặt khác không phải khoản nợ xấu nào cũng được áp dụng Nghị quyết 42. Do đó, quyền thu giữ TSĐB của VAMC và các TCTD chưa được đảm bảo.

Thứ hai, về chuyển nhượng TSĐB, theo Nghị quyết 42, các TCTD, các tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được chuyển nhượng TSĐB của khoản nợ xấu là dự án bất động sản với điều kiện “có quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”, thay vì phải đáp ứng điều kiện “có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” theo quy định tại Luật Đất đai. Tuy nhiên, trên thực tế, việc chuyển nhượng các dự án bất động sản chưa có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vẫn gặp phải nhiều khó khăn khi tiến hành chuyển nhượng tại cơ quan có thẩm quyền.

Thứ ba, về quyền nhận thế chấp, Nghị quyết 42 quy định bên mua khoản nợ có nguồn gốc từ nợ xấu của các TCTD mà TSĐB là quyền sử dụng đất, tài sản gắn với đất hoặc tài sản gắn với đất hình thành trong tương lai được quyền nhận thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn với đất. Tuy nhiên, pháp luật hiện quy định chỉ VAMC, TCTD mới có quyền nhận thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất nên việc các tổ chức, cá nhân mua nợ của VAMC, TCTD không được hưởng quyền tương tự sẽ không khuyến khích các nhà đầu tư mua khoản nợ từ VAMC và các TCTD.

Ngoài ra, còn một số vướng mắc cụ thể khác liên quan đến cơ chế phối hợp, văn bản hướng dẫn…

* PV: Các chuyên gia cho rằng, để xử lý nợ xấu căn bản thì cần có thị trường mua bán nợ phát triển. Ở Việt Nam, dù đã có những định hướng từ lâu nhưng thị trường này vẫn rất sơ khai. Theo ông, hạn chế nào khiến thị trường này khó phát triển?

- Ông Đỗ Giang Nam: Theo tôi, để thị trường mua bán nợ phát triển, điều quan trọng là phải có nhiều bên tham gia, trong đó các tổ chức mua bán nợ là lực lượng chủ yếu. Tại Việt Nam, dù nguồn cung nợ xấu nhiều nhưng các công ty chuyên về mua bán nợ lại không nhiều, mới chỉ có VAMC, DATC (Công ty TNHH mua bán nợ Việt Nam) và AMC (Công ty quản lý tài sản của một số TCTD). Ngoài ra, các chủ thể trung gian như các đơn vị xếp hạng, các đơn vị môi giới, tư vấn chuyên nghiệp tại Việt Nam chưa phát triển, thậm chí chưa hình thành.

Bên cạnh đó, thị trường mua bán nợ hiện nay thông tin còn thiếu và chưa minh bạch. Nguồn cung hàng hóa cho thị trường sơ cấp và thị trường thứ cấp về nợ xấu chủ yếu từ các TCTD. Tuy nhiên, số liệu về nợ xấu của các TCTD hiện nay chỉ được báo cáo với cơ quan quản lý nhà nước. Việc tiếp cận số liệu là rất khó khăn. Các TCTD rất hạn chế trong việc công khai về các khoản nợ xấu, chủ yếu hiện nay việc bán nợ của các TCTD là do sức ép từ quy định giới hạn về tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng Nhà nước. Nhiều TCTD chưa chủ động, tích cực trong việc bán nợ xấu cho công ty mua bán nợ. Thêm vào đó, TCTD có thể dùng kỹ thuật tài chính để đẩy tỷ lệ nợ xấu xuống dưới 3%, khi đó không còn sức ép phải xử lý nợ xấu, khiến thị trường mua bán nợ sơ cấp ít hoạt động.

Ngay cả khi hàng hóa hiện hữu trên thị trường, các bên tham gia thị trường có nhu cầu giao dịch thì việc tiếp cận thông tin về các khoản nợ xấu, TSĐB của các khoản nợ xấu cũng rất khó khăn, độ chính xác của thông tin không được chứng thực.

Ngoài ra, còn những hạn chế như: phương thức mua bán nợ thiếu đa dạng, thiếu các nhà môi giới chuyên nghiệp và thiếu một tổ chức có vai trò đứng ra tạo lập thị trường mua bán nợ xấu.

* PV: Xin cảm ơn ông!

Thị trường mua bán nợ hiện nay thông tin còn thiếu và chưa minh bạch. Nguồn cung hàng hóa cho thị trường sơ cấp và thị trường thứ cấp về nợ xấu chủ yếu từ các TCTD. Tuy nhiên, số liệu về nợ xấu của các TCTD hiện nay chỉ được báo cáo với cơ quan quản lý nhà nước. Việc tiếp cận số liệu là rất khó khăn.

H.Y (thực hiện)