Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí: Nói nhiều, chuyển biến còn ít Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí: Kiên quyết cắt giảm các khoản chi không cần thiết Bộ Tài chính tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng kinh phí chi thường xuyên Bộ Tài chính thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong đầu tư công

Sáng 31/10, tại Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường đã trình bày báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) giai đoạn 2016-2021.

Quản lý, sử dụng ngân sách tiết kiệm, hiệu quả hơn

Đây là cuộc giám sát có quy mô và huy động một lực lượng lớn tham gia. Đoàn giám sát nhận khoảng 570 báo cáo của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và các đoàn đại biểu Quốc hội, cùng hệ thống các phụ lục kèm theo đồ sộ khoảng 100 nghìn trang tài liệu.

Tuy nhiên, do phạm vi, quy mô chuyên đề giám sát rất rộng, trong khi hệ thống thông tin, dữ liệu liên quan đến công tác THTK, CLP chưa được thống kê đầy đủ trong nhiều năm, nên mặc dù rất nỗ lực, nhưng sau nhiều lần bổ sung, thông tin, số liệu báo cáo của nhiều bộ, ngành, địa phương vẫn chưa chính xác, còn mâu thuẫn, chưa lượng hóa được số liệu tiết kiệm, lãng phí, thất thoát và chưa đầy đủ theo yêu cầu của đoàn giám sát.

Vẫn còn thất thoát lãng phí lớn, mất đi cơ hội phát triển
Quốc hội trong phiên làm việc sáng 31/10.

Đoàn giám sát đã nhận diện những hạn chế, vướng mắc, tồn tại đang tiềm ẩn rủi ro lãng phí, thất thoát của một số lĩnh vực cụ thể cần phải tiếp tục đi sâu giám sát chuyên sâu để tiếp tục nhận diện, khẳng định thực trạng và đề ra các giải pháp giải quyết căn cơ, cụ thể.

Về quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN), theo báo cáo của đoàn giám sát, công tác lập, thẩm định, phê duyệt, phân bổ dự toán NSNN được thực hiện ngày càng nề nếp, có nhiều chuyển biến tích cực, bảo đảm chặt chẽ, tiết kiệm và hiệu quả hơn.

Công tác quản lý thu, chi NSNN được tăng cường, đảm bảo tính minh bạch. Tổng thu cân đối NSNN từ năm 2016-2021 đạt 8.453 nghìn tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2016-2020 tổng thu và quy mô thu NSNN 5 năm tương ứng là 6.918 nghìn tỷ đồng và bình quân là 25,3% GDP, vượt mục tiêu đề ra và gấp 1,66 lần giai đoạn 2011-2015. Cơ cấu thu chuyển biến tích cực, theo hướng bền vững hơn, tỷ trọng thu nội địa đến năm 2020 đạt 85,6% tổng thu NSNN, vượt mục tiêu đề ra là 84 - 85%. Nhiều địa phương thu đạt và vượt trên 10% dự toán.

Công tác chi NSNN được quản lý chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả. Nhiệm vụ chi NSNN được bảo đảm theo dự toán, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh và phục vụ kịp thời các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách phát sinh, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh. Cơ cấu chi ngân sách chuyển biến tích cực, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển từ mức 22,9% tổng chi NSNN năm 2016 lên khoảng 29% năm 2020; giảm dần tỷ trọng chi thường xuyên từ 64,9% tổng chi NSNN năm 2017 xuống dưới 64% năm 2020 theo đúng mục tiêu đề ra, nhưng vẫn bảo đảm kinh phí thực hiện các nhiệm vụ về an sinh xã hội, các lĩnh vực quan trọng và các chương trình mục tiêu quốc gia.

Ngân sách được cơ cấu bền vững, an toàn

Bội chi NSNN bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 3,37% GDP (mục tiêu là không quá 3,9% GDP), giảm mạnh so với giai đoạn 2011-2015 là 5,4% GDP và năm 2021 là 3,41% GDP. Tỷ lệ nợ công giảm mạnh từ mức 63,7% GDP cuối năm 2016 xuống 55,9% GDP cuối năm 2020 và được cơ cấu lại bền vững, an toàn. Công tác thanh, quyết toán NSNN ở nhiều bộ, cơ quan trung ương và địa phương đảm bảo thời gian quy định.

Đáng chú ý một số địa phương đã cắt giảm dự toán chi thường xuyên để tăng chi đầu tư phát triển với tỷ trọng khá cao, như: Bà Rịa - Vũng Tàu tỷ trọng chi đầu tư phát triển trên tổng dự toán chi NSNN năm 2021 là 50,5%; Hà Nội là 47,2% (cả giai đoạn 2016-2021 số tuyệt đối dự toán và thực hiện chi đầu tư phát triển cơ bản đứng đầu cả nước); Phú Yên là 43,9%; Quảng Ninh là 42,3%; Hải Phòng là 42%; Vĩnh Phúc là 34,8%. Các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực thực hiện chủ trương tiết kiệm kinh phí NSNN, cắt giảm kinh phí thực hiện các nhiệm vụ chi chưa thực sự cấp thiết (như: tổ chức hội nghị, hội thảo, lễ hội, khánh tiết, công tác nước ngoài; mua sắm xe ô tô công...) để tạo nguồn tháo gỡ khó khăn trong giai đoạn diễn ra đại dịch Covid-19.

Qua thống kê cho thấy, tiết kiệm chi thường xuyên giai đoạn này được hơn 64 nghìn tỷ đồng. Trong giai đoạn 2016-2021, tổng số kinh phí tiết kiệm trong tổ chức hội nghị, hội thảo là 709,2 tỷ đồng; tiết kiệm chi tiếp khách, khánh tiết, lễ hội, kỷ niệm là 717,5 tỷ đồng; tiết kiệm trong mua sắm, sửa chữa phương tiện đi lại là 7.470,6 tỷ đồng.

Phải tiết kiệm, chống lãng phí cả khu vực công và khu vực tư

Bên cạnh kết quả đạt được, báo cáo cũng chỉ ra việc thực hiện chính sách, pháp luật về THTK, CLP vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế; việc chấp hành pháp luật còn chưa nghiêm; trong một số trường hợp thất thoát, lãng phí là rất lớn, nghiêm trọng, làm mất đi cơ hội phát triển.

Vẫn còn thất thoát lãng phí lớn, mất đi cơ hội phát triển
Đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận về THTK, CLP trong cả ngày hôm nay.

Báo cáo đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế, như: Việc xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện và báo cáo kết quả thực hiện Chương trình THTK, CLP 5 năm và hàng năm của các cấp, các ngành còn chậm, nhìn chung còn nặng về hình thức, chưa trọng tâm, trọng điểm; công tác cổ phần hóa, thoái vốn giai đoạn 2016-2020 rất chậm, còn nhiều bất cập; công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch còn nhiều hạn chế…

Theo báo cáo của đoàn giám sát, trách nhiệm chính của những tồn tại, hạn chế nêu trên thuộc về các tổ chức, cá nhân và người đứng đầu các cơ quan, đơn vị.

Nêu ra các giải pháp, đoàn giám sát đề nghị thời gian tới phải đổi mới mạnh mẽ công tác tuyên truyền, phổ biến nhằm thay đổi nhận thức, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về THTK, CLP tại từng cơ quan, tổ chức, cá nhân, cả khu vực công cũng như khu vực tư để THTK, CLP thực sự là một quốc sách hàng đầu.

Đồng thời, tăng cường, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, nâng cao hiệu quả huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực của đất nước để phát triển nhanh và bền vững.

Từ năm 2023, Quốc hội phát động trong toàn quốc cuộc vận động về THTK, CLP. Chính phủ tổ chức phong trào thi đua về THTK, CLP trong sản xuất, tiêu dùng ở mọi cấp, mọi ngành và trong nhân dân với chủ đề, nội dung, hình thức thiết thực, hiệu quả.

Đồng thời, đổi mới việc xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện và báo cáo việc thực hiện chương trình THTK, CLP 5 năm và hằng năm, theo hướng vừa đảm bảo tính tổng thể, toàn diện, vừa có trọng tâm, trọng điểm, có chủ đề từng năm…/.

Đã tiết kiệm hơn 350 nghìn tỷ đồng trong đầu tư xây dựng cơ bản

Về công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, theo báo cáo của đoàn giám sát, đã từng bước được triển khai chặt chẽ hơn. Nhiều công trình trọng điểm quốc gia được khởi công, hiệu quả đầu tư công được cải thiện. Hệ số suất đầu tư (ICOR) của Việt Nam đã giảm dần; ICOR giai đoạn 2016-2019 là 6,1, thấp hơn so với mức gần 6,3 của giai đoạn 2011-2015. Tổng số tiết kiệm kinh phí ngân sách, vốn nhà nước giai đoạn 2016-2021 là 350,54 nghìn tỷ đồng. Trong đó: Bộ Quốc phòng: 13,32 nghìn tỷ đồng; Bộ Tài chính: 8,91 nghìn tỷ đồng; Bảo hiểm Xã hội Việt Nam: 2,85 nghìn tỷ đồng; Vĩnh Phúc: 10,72 nghìn tỷ đồng; Bà Rịa Vũng Tàu: 7,74 nghìn tỷ đồng; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam: 21,5 nghìn tỷ đồng; Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội: 11,59 nghìn tỷ đồng.../.