Việt Nam cải thiện đáng kể về chỉ số tự do kinh tế
Nguồn: Tổ chức The Heritage Foundation. Đồ họa: Văn Chung

PV: Mới đây, Quỹ The Heritage Foundation (Mỹ) đã công bố bảng xếp hạng về Chỉ số tự do kinh tế 2023. Trong đó, Việt Nam đã tăng tới 13 bậc trong bảng xếp hạng và được đánh giá là “ngôi sao đang lên của năm” về chỉ số xếp hạng tự do kinh tế. Ông có bình luận gì về kết quả xếp hạng này của Việt Nam?

Việt Nam cải thiện đáng kể về chỉ số tự do kinh tế
GS.TS Andreas Stoffers

GS.TS Andreas Stoffers: Trước tiên, cần phải nhấn mạnh ý nghĩa của bộ chỉ số Tự do Kinh tế do tổ chức The Heritage Foundation thực hiện hàng năm kể từ 1995. Năm nay là lần thứ 30 được công bố, nó không chỉ cho thấy cái nhìn tổng quan về tình hình kinh tế ở nhiều quốc gia khác nhau, mà còn về con đường các quốc gia này phát triển ra sao, trong đó có Việt Nam. Thế nên, chỉ số này có thể giúp chúng ta theo dõi chi tiết về quá trình tự do hoá kinh tế của Việt Nam đang diễn ra như thế nào. Năm nay, Việt Nam lọt nhóm các nền kinh tế có “mức độ tự do kinh tế trung bình” và đứng thứ 59/176 quốc gia được xếp hạng, khá hơn trên 100 quốc gia khác, nhưng vẫn chưa lọt vào nhóm 20 quốc gia hàng đầu về tự do kinh tế.

Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận quá trình phát triển mà Việt Nam đã trải qua từ năm 1995, 11 năm sau đổi mới (1986): Không có nước nào tiến bộ nhanh chóng về mặt tự do kinh tế trong 30 năm qua hơn quốc gia này - riêng năm nay, Việt Nam đã tăng 13 bậc so với năm ngoái. Vị thế Việt Nam hiện đã đạt được rất ấn tượng, nhưng quan trọng hơn cả là xu hướng đi lên một cách rõ rệt của quốc gia. Tuy thế, đó cũng là một cách để Việt Nam thấy rằng phải tiếp tục nỗ lực, bởi có thể thấy từ những nghiên cứu này, càng tự do thì nền kinh tế càng thịnh vượng.

Cần có hành động cụ thể

“Xung quanh vấn đề hình thành một trung tâm tài chính tại TP. Hồ Chí Minh theo mô hình của thành phố Dubai, để thực hiện ý tưởng này, sẽ cần rất nhiều hành động để tăng cường tự do kinh tế. Đó là một nhiệm vụ nặng nề nhưng cần thiết cho sự phát triển hơn nữa của nền kinh tế Việt Nam, hướng tới trở thành một nước công nghiệp hóa vào năm 2045. Tôi rất vui khi được có mặt tại Việt Nam với tư cách là nhân chứng và người đóng góp cho sự phát triển tích cực này” - GS.TS Andreas Stoffers nhấn mạnh.

PV: Theo The Heritage Foundation: “trong khi tình trạng tự do kinh tế trên thế giới đang giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2001, thì Việt Nam đã đi ngược lại xu hướng toàn cầu và cải thiện đáng kể”. Là chuyên gia lâu năm tại Việt Nam, ông có thể lý giải vì sao Việt Nam lại đi ngược lại xu hướng toàn cầu và cải thiện đáng kể này?

GS.TS Andreas Stoffers: Thật không may, xu hướng toàn cầu về tự do kinh tế hiện đang khá tiêu cực. Điểm trung bình năm nay là 58,6 điểm, thấp hơn mức 59,3 điểm của năm ngoái và là mức thấp nhất kể từ năm 2001. Nhìn chung, nền tảng tài chính của các quốc gia trên toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Nợ quốc gia phình lên giống như một thanh gươm Damocles ‘kề cổ’ vào các nền kinh tế và đe dọa, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế của các quốc gia cho dù có tăng trưởng. Các cuộc khủng hoảng chính trị và kinh tế trên thế giới (xung đột tại Ukraine, gián đoạn các tuyến vận tải ở Biển Đỏ, xung đột ở khu vực Trung Đông, hậu quả của các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 và sự gián đoạn của chuỗi cung ứng...) đang dẫn đến sự quay trở lại của xu hướng bảo hộ và sự phân cực của thế giới.

Trong khi đó, Việt Nam rõ ràng đang đi ngược lại xu hướng suy giảm tự do kinh tế trên toàn thế giới. Sự phát triển trong các lĩnh vực sức khỏe tài chính, chi tiêu chính phủ, gánh nặng thuế và tự do thương mại là đặc biệt tích cực. Những phát hiện này của The Heritage Foundation cũng trùng khớp với những quan sát của riêng tôi. Việt Nam có được sự phát triển nhờ cam kết rõ ràng về thương mại tự do và nền kinh tế thị trường, cũng như hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu. Một điểm quan trọng nữa là hoạt động của Chính phủ Việt Nam duy trì mối quan hệ tốt đẹp với tất cả các quốc gia nước ngoài và giữ thái độ trung lập về chính trị trên nhiều khía cạnh và thay vào đó, tập trung vào thương mại.

PV: Quan sát sự chuyển động của kinh tế Việt Nam thời gian qua, ông ấn tượng với điều gì, thưa ông?

GS.TS Andreas Stoffers: Gạt sang bên những con số trong chỉ số này như thế nào, những diễn biến tích cực ở Việt Nam hoàn toàn có thể được nhìn thấy bằng mắt thường. Cần phải nói rõ là tôi luôn khách quan, kể cả những vấn đề còn tồn tại ở Việt Nam và những vấn đề mà báo cáo của The Heritage Foundation cũng đề cập đến. Điều tôi muốn nêu bật lên là Việt Nam đang tạo cơ hội cho một nền kinh tế thị trường - vẫn có sự kiểm soát của nhà nước trong nhiều lĩnh vực, nhưng theo một cách thận trọng, như có thể thấy từ mức độ sở hữu nhà nước thấp và một ngân sách cân bằng. Trong nhiều lĩnh vực, thị trường là công cụ quan trọng để đưa ra quyết định. Đó là thị trường mang lại cho người tiêu dùng quyền đưa ra quyết định ủng hộ hay phản đối một sản phẩm hoặc dịch vụ.

Việc Việt Nam đi theo con đường tự do kinh tế kể từ thời kỳ đổi mới và đặc biệt là những năm sau 1995 là một quyết định quan trọng và đúng đắn. Theo Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ người Việt Nam sống trong nghèo đói hiện nay chỉ vào khoảng 5%, trong khi vào năm 1993, tỷ lệ này vẫn là 79,7%. Đây là một bước phát triển ấn tượng, một lần nữa khẳng định thông điệp cơ bản trong báo cáo của The Heritage Foundation đó là tăng trưởng kinh tế của một quốc gia luôn đi đôi với tiến bộ về tự do kinh tế. Việt Nam đã đi theo con đường này, cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định, thu hút đầu tư nước ngoài, cải thiện môi trường kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu.

PV: Xin cảm ơn ông!

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện hiệu quả tư pháp

Trả lời câu hỏi Việt Nam có thể làm gì để tiếp tục cải thiện thứ hạng cao hơn nữa về xếp hạng chỉ số tự do kinh tế, GS.TS Andreas Stoffers khẳng định, Việt Nam nên tiếp tục con đường này, tiếp tục tự do hoá nền kinh tế, bởi thời gian vừa qua đã cho thấy đây là một xu hướng rất tích cực.

Theo vị chuyên gia này, Chính phủ Việt Nam đã đặt ra mục tiêu đưa đất nước trở thành nước công nghiệp hóa vào năm 2045 và tham vọng này có thể đạt được. Báo cáo của The Heritage Foundation cũng chỉ rõ những lĩnh vực chắc chắn còn cần cải thiện đối với Việt Nam. Trong đó, ông cho rằng “hiệu quả tư pháp” là đặc biệt quan trọng, bởi đây là tiêu chí mà Việt Nam đã mất vị trí trên bảng xếp hạng so với những năm trước. Điều này bao gồm việc phát triển một khuôn khổ pháp lý hiệu quả, đặc biệt là trong trường hợp các doanh nghiệp để họ có thể thực thi pháp lý chống lại những bất công, vi phạm và các quyết định hành chính.

"Tôi cũng muốn đề cập đến vấn đề “tuân thủ” (cụ thể là tham nhũng). Trở ngại lớn này đã được Đảng và chính phủ Việt Nam giải quyết trong những năm gần đây. Ở đây cần nỗ lực tăng cường tính minh bạch trong hệ thống pháp luật, đảm bảo các quy định pháp luật được thực thi công bằng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân. Ngoài ra, tiến độ ra quyết định và xử lí của nhiều thủ tục hành chính phải được tăng lên" - GS.TS Andreas Stoffers nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, theo GS.TS Andreas Stoffers, Việt Nam cũng cần xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với các nước, tham gia các hiệp định thương mại đa phương để tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu và hợp tác kinh tế.