Hết quý I mới tăng hơn 2%

Số liệu cụ thể của NHNN thống kê đến 28/3 cho thấy, tăng trưởng tín dụng đạt 2,06%. Số liệu này cao hơn so với công bố về tăng trưởng tín dụng do Tổng cục Thống kê đưa ra cách đây ít ngày. Trước đó, theo số liệu của Tổng cục Thống kê thì tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 1,61% (tính đến 20/3). Như vậy, với tốc độ tăng trưởng theo công bố của NHNN thì tăng trưởng tín dụng mới đạt khoảng 15% quãng đường, còn theo số liệu của Tổng cục Thống kê thì tăng trưởng mới đi được hơn 11% chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 sau 1 quý đầu năm. Tốc độ tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế trong quý I/2023 (cả theo số liệu của NHNN và của Tổng cục Thống kê) theo đó chỉ cao hơn so với mức 1,26% của năm 2021 (là năm diễn ra dịch Covid-19) và thấp hơn khá nhiều so với tốc độ tăng 5,04% của năm 2022.

Nhiều ngân hàng đang tung ra các gói vay ưu đãi để kích cầu tín dụng.
Nhiều ngân hàng đang tung ra các gói vay ưu đãi để kích cầu tín dụng.

NHNN cho biết, trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 khoảng 6,5% và lạm phát khoảng 4,5% được Quốc hội, Chính phủ đặt ra, NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2023 khoảng 14-15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Tháng 2/2023, NHNN đã phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng và tiếp tục chỉ đạo tổ chức tín dụng hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc NHNN cho biết, trong bối cảnh hiện nay, các ngân hàng và doanh nghiệp cũng không còn băn khoăn gì về vấn đề giới hạn tăng trưởng tín dụng. Về vấn đề tín dụng tăng trưởng không cao trong quý đầu năm, ông Tú cho biết đây cũng là diễn biến thông thường trong quý đầu tiên do giai đoạn nghỉ Tết, tuy nhiên cũng có yếu tố cho thấy khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp có phần giảm. Về phía NHNN vẫn tiếp tục thực hiện các giải pháp gắn kết doanh nghiệp và ngân hàng, trong đó vẫn hướng đến mục tiêu tăng trưởng đã đề ra từ đầu năm.

Vừa mừng vừa lo

Diễn biến tín dụng tăng trưởng chậm của các ngân hàng đầu năm đang là một vấn đề đáng quan tâm với giới tài chính và nền kinh tế, thể hiện cả ở mặt tích cực và ở những tín hiệu cảnh báo.

Ở mặt tích cực, trong bối cảnh này thanh khoản của hệ thống ngân hàng Việt Nam đang trong trạng thái rất dồi dào. Lãi suất bình quân thị trường liên ngân hàng mấy ngày qua liên tục giảm, hiện tại lãi suất cho vay qua đêm đã xuống tới mức mức chỉ còn 0,96%. Điều này là yếu tố quan trọng giúp các ngân hàng trong nước đảm bảo sự ổn định giữa các biến cố vừa xảy ra trên thị trường tiền tệ thời gian vừa qua. Đây cũng là cơ sở để các ngân hàng có thể giảm lãi suất hỗ trợ các doanh nghiệp và nền kinh tế.

Tuy nhiên, tín hiệu tăng trưởng tín dụng chậm cũng cảnh báo khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế đang có dấu hiệu chậm lại. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2023 tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước, chỉ cao hơn tốc độ tăng 3,21% của quý I/2020 trong giai đoạn 2011-2023. Ông Đào Minh Tú cho biết, tình hình tiếp cận doanh nghiệp cho thấy thực tế cũng đã có tình trạng doanh nghiệp gặp khó khăn đơn hàng, tồn kho vẫn còn nhiều, sản xuất kinh doanh chậm lại… nên họ cũng giảm nhu cầu vay vốn lưu động. Động thái này không phải xuất phát từ nội tại nền kinh tế trong nước mà còn có phần do ảnh hưởng chung từ cả nền kinh tế thế giới. NHNN cho biết, kinh tế thế giới đang phục hồi chậm, bước đầu đã tránh được nguy cơ suy thoái, nhưng vẫn phải đối mặt với nhiều diễn biến phức tạp.

Trong bối cảnh hiện tại, NHNN cho biết đã chỉ đạo toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh triển khai chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp tại các địa phương. NHNN cũng yêu cầu các ngân hàng chủ động làm việc trực tiếp với khách hàng nhằm tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng theo đúng quy định của pháp luật; thành lập đường dây nóng (điện thoại, email) để tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân và doanh nghiệp; xử lý, trả lời rõ ràng đối với việc cấp tín dụng cho từng trường hợp cụ thể...

Triển khai gói hỗ trợ 2% lãi suất với trách nhiệm cao nhất

Một trong những giải pháp tới đây của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là tiếp tục đẩy mạnh triển khai gói hỗ trợ 2% lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục xác định việc triển khai cho vay hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP là nhiệm vụ trọng tâm, cần khẩn trương, quyết liệt thực hiện với tinh thần, trách nhiệm cao nhất. Các tổ chức tín dụng chủ động tiếp cận, đồng hành, hướng dẫn khách hàng, nhất là các khách hàng thuộc đối tượng đang có dư nợ thuộc ngành, lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất để khách hàng hoàn thiện hồ sơ, thủ tục được hỗ trợ lãi suất theo quy định.