PV: Ông nhìn nhận thế nào về tinh thần doanh nhân, về vai trò của doanh nhân trong doanh nghiệp nhà nước (DNNN)?

Ông Đặng Quyết Tiến: Khác với đội ngũ doanh nhân ở doanh nghiệp tư nhân, doanh nhân trong DNNN thường là những người được Nhà nước cử đến doanh nghiệp với trách nhiệm thực thi các nhiệm vụ Nhà nước giao.

Họ trước tiên là đảng viên, có trách nhiệm gương mẫu đi đầu trong việc chấp hành pháp luật nhà nước, trong đổi mới sáng tạo, vì người dân, vì xã hội. Vì vậy, các doanh nhân DNNN thường gắn liền với quá trình lịch sử phát triển của đất nước, của DNNN. Rất nhiều doanh nhân trở thành anh hùng, thành người khai phá, phát triển những ngành nghề mà trước đây Việt Nam chưa có, nay đã lớn mạnh như viễn thông, điện, hàng không… Họ được tôn vinh trong suốt quá trình lịch sử phát triển của đất nước, có người đã trở thành huyền thoại.

Xây dựng cơ chế để bảo vệ người dám nghĩ, dám làm
Ông Đặng Quyết Tiến

Trong bối cảnh hiện nay, vai trò của doanh nhân DNNN vẫn còn giữ nguyên giá trị lịch sử và giá trị hiện đại, đặc biệt khi nền kinh tế trải qua những khó khăn về dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế… Bởi đây là nguồn nhân lực đào tạo bài bản, lành nghề và đang nắm những nguồn lực rất lớn của quốc gia, trong những ngành nghề rất quan trọng mà chỉ có DNNN đủ nguồn lực làm. DNNN vẫn là lực lượng đi đầu dẫn dắt, tạo ra hệ sinh thái cho các thành phần kinh tế khác phát triển.

Bên cạnh đó, vừa qua chúng ta cũng thấy có những cá nhân không gương mẫu, vi phạm pháp luật đã bị xử lý, bị lên án nặng nề hơn so với doanh nghiệp dân doanh, bởi đây là những người hiểu rõ pháp luật, được trang bị đầy đủ kiến thức, được tôi luyện với các hệ thống đào tạo, giám sát, nhưng vẫn vi phạm quy định.

Ngày tôn vinh doanh nhân cũng là dịp mà mỗi doanh nhân, trong đó có doanh nhân DNNN soi lại mình, nhìn nhận về trách nhiệm của mình, để cùng với cơ quan quản lý nhà nước hoàn thiện thể chế, làm cho môi trường hoạt động của doanh nghiệp nói chung, DNNN nói riêng minh bạch công khai, theo nguyên tắc thị trường, gắn với trách nhiệm cộng đồng, xã hội và tuân thủ pháp luật.

PV: Gần đây, nhiều người có tâm lý sợ làm sai, thà không làm gì còn hơn vướng tội làm sai. Vậy đây có phải là rào cản đối với sự đổi mới sáng tạo? Theo ông làm thế nào để bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, tạo động lực cho đổi mới, phát triển?

Ông Đặng Quyết Tiến: Dám nghĩ dám làm, đổi mới sáng tạo không có nghĩa là làm sai quy định, trái pháp luật, mà tất cả những điều đó phải trong khuôn khổ pháp luật và khuôn khổ pháp luật cao nhất là Hiến pháp. Điều 51 Khoản 3 của Hiến pháp năm 2013 quy định: “Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nhân, doanh nghiệp và cá nhân, tổ chức khác đầu tư, sản xuất, kinh doanh…”. Trong lịch sử lập pháp, đây là lần đầu tiên các quy định về doanh nhân, về quyền đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nhân, của doanh nghiệp được hiến định. Đây là cơ sở pháp lý vững chắc cho các doanh nhân, doanh nghiệp thực hiện các quyền kinh tế của mình.

Đối với DNNN, Nghị quyết 12-NQ/TW năm 2017 về tiếp tục đổi mới, cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả DNNN đã hướng tới tạo cơ chế tự chủ, chủ động gắn với nâng cao năng lực quản trị theo nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch, tách chức năng quản lý, quản trị doanh nghiệp ra khỏi chức năng quản lý của chủ sở hữu. Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 về cải cách chính sách tiền lương đã có chủ trương đưa tiền lương gắn với cơ chế thị trường, do doanh nghiệp quyết định, để người quản lý doanh nghiệp hưởng lương theo hiệu quả của doanh nghiệp.

Nguồn: Tổng cục Thống kê
Nguồn: Tổng cục Thống kê

Những nguyên tắc đó đúng và xuyên suốt. Thay vì không làm vì sợ trách nhiệm, sợ sai thì nên tìm cách tháo gỡ, cơ chế sai thì phải sửa cơ chế. Muốn làm được như vậy thì trước tiên, ở cơ sở, các doanh nhân DNNN phải đề xuất được mình cần gì.

Ví dụ tới đây, khi các luật về đầu tư, về đất đai, đấu thầu, về quản lý vốn nhà nước… được tiến hành sửa đổi thì các doanh nhân, doanh nghiệp cần tích cực tham gia, nêu rõ cái đúng, cái chưa đúng, vì sao, chứ không nên coi việc làm luật là của các nhà quản lý, nhà nghiên cứu.

PV: Nói về khó khăn trong cơ chế, một số ý kiến nhận xét DNNN “mơ” được cơ chế như doanh nghiệp tư nhân. Có phải cứ áp quy định như doanh nghiệp tư nhân vào DNNN là sẽ tốt?

Ông Đặng Quyết Tiến: Muốn có môi trường quản lý như doanh nghiệp tư nhân thì phải lưu ý đây phải là môi trường quản lý minh bạch theo nguyên tắc thị trường chứ không phải quản lý như doanh nghiệp gia đình. Thời gian vừa qua, nhiều DNNN đã lơ là thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý tài sản Nhà nước giao, thậm chí có một số người vì lợi ích cá nhân, đem tài sản của Nhà nước trở thành tài sản của mình và gần như biến doanh nghiệp đó thành doanh nghiệp của gia đình mình, quản lý như một doanh nghiệp tư nhân, dẫn đến sai phạm.

Khi các DNNN muốn phát triển theo đúng khả năng, sức sáng tạo của mình thì phải tích cực hoàn thiện pháp luật và phải tham gia một cách quyết liệt, thẳng thắn. Hiện Chính phủ đang đẩy mạnh phân cấp và Chính phủ đang giao cho Bộ Tài chính chuẩn bị trình Quốc hội đề xuất sửa Luật 69 (về quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp). Luật 69 hiện có nhiều quy định còn quá chặt, một số điều chưa đồng bộ các luật khác, dẫn đến doanh nghiệp bị bó buộc. Tới đây, sẽ sửa đổi theo hướng phân cấp mạnh hơn gắn với trách nhiệm của doanh nghiệp.

Tránh hình sự hóa các quan hệ kinh tế

Theo ông Đặng Quyết Tiến, dám nghĩ dám làm không phải là làm trái pháp luật, mà là làm trong khuôn khổ luật, nhưng được cụ thể hóa bởi những quy trình quy chế của doanh nghiệp, mà trong khuôn khổ đó doanh nghiệp quản lý được, chấp nhận được rủi ro đó. Ví dụ, một dự án sáng tạo có thể 70% thất bại, 30% thành công lớn, thì đơn vị đó có thể dành nguồn kinh phí nhất định để thử nghiệm. 70% thất bại đó được một tập thể bảo vệ, sẵn sàng dành nguồn lực để làm. Nếu dự án thất bại thì doanh nghiệp vẫn có thể bù đắp được chi phí, bảo toàn được vốn, tiền lương của người lao động và các nhiệm vụ khác hoàn thành. Quy chế này không phải là quy định pháp luật, chỉ cam kết bằng hợp đồng, tránh việc hình sự hóa các quan hệ kinh tế, như vậy doanh nghiệp, doanh nhân yên tâm làm.

Cùng với đó, doanh nghiệp phải áp dụng cơ chế quản trị hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin, đưa ra những quy trình, phương thức công khai, minh bạch về hoạt động doanh nghiệp. Ngoài điều lệ cần có bộ cơ chế để từ người lãnh đạo cao nhất cho đến người công nhân thấp nhất tuân thủ thống nhất các quy trình, quy chế theo vai trò, thẩm quyền, tránh những quyết sách mang tính chủ quan, của một người hay nhóm người quyết định.

Với quy trình này, quyền và trách nhiệm được quy định rõ, với các khuôn khổ cho phép thực hiện đổi mới sáng tạo, làm dự án mạo hiểm, trong một khuôn khổ kiểm soát được, phòng ngừa rủi ro được. Doanh nghiệp phải xây dựng cho mình những chỉ tiêu kinh tế, tiêu chí, quy trình bám sát điều lệ và quy định pháp luật, để đảm bảo có khung quy trình mềm phù hợp với doanh nghiệp, và chỉ đảm bảo áp dụng cho doanh nghiệp. Như vậy không làm thui chột sáng tạo, đổi mới, và có khuôn khổ pháp lý bảo vệ người dám nghĩ dám làm.

Về phía Nhà nước, tôi cho rằng là phải chú trọng đổi mới cơ chế, chính sách, thường xuyên có sự giám sát, kiểm tra, đôn đốc và quan trọng nhất là cho DNNN một điểm dừng nhất định mà đến đấy phải dừng lại, quay lại quỹ đạo với vai trò sứ mệnh của mình, không lấn át doanh nghiệp dân doanh, không cạnh tranh với những lĩnh vực mà doanh nghiệp dân doanh làm được.

PV: Xin cảm ơn ông!