Theo đó, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính xem xét, tính toán khả năng tài chính phương án điều chỉnh mức cho vay từ 1.100.000 đồng/tháng/HSSV lên 1.350.000 đồng/tháng/HSSV; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 27/11/2015.

Sau gần 9 năm thực hiện, tổng nguồn vốn của chương trình đến nay đạt trên 25 nghìn tỷ đồng, đáp ứng đủ, kịp thời nhu cầu vay vốn của đối tượng thụ hưởng theo quy định; tổng dư nợ đạt gần 25 nghìn tỷ đồng. Chương trình đã giúp cho hơn 3,2 triệu lượt HSSV được vay vốn trang trải chi phí học tập. Hiện nay, đang còn 1,1 triệu hộ gia đình còn dư nợ tại NHCSXH, với 1,3 triệu HSSV vay vốn đi học.

Mục tiêu của chương trình là “hỗ trợ một phần chi phí sinh hoạt” nhưng với đa số HSSV vay vốn là con em các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn lại ở các tỉnh hoặc các vùng nông thôn đến thành phố học thì bên cạnh học phí còn phải thêm các chi phí thuê nhà trọ, phương tiện đi lại và các chi phí sinh hoạt khác nên cũng gặp khó khăn.

Kể từ khi thực hiện chương trình này (tháng 9/2007) đến nay, mức cho vay đã nhiều lần được điều chỉnh mức. Thời điểm bắt đầu thực hiện chương trình mức cho vay là 800.000 đồng/tháng và sau gần 2 năm, đến ngày 26/8/2009 mức cho vay được tăng thêm 60.000 đồng/tháng lên mức 860.000 đồng/tháng/HSSV. Từ ngày 15/11/2010, Thủ tướng Chính phủ lại quyết định nâng mức cho vay tối đa đối với HSSV lên 900.000 đồng/tháng. Lần tăng mức cho vay gần đây nhất là từ ngày 01/8/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định nâng mức cho vay lên 1,1 triệu đồng/tháng/HSSV.

Theo kết quả khảo sát thực tế tại một số tỉnh, thành phố năm học 2014 - 2015, chi phí học tập của một HSSV trong khoảng từ 3 triệu đồng/tháng đến 3,5 triệu đồng/tháng (chi phí cho 1 HSSV nông thôn lên thành phố học khoảng 3,5 triệu đồng/tháng)./.

D.A