Số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là “điểm sáng”

Ban Quản lý Thu - Sổ thẻ (Bảo hiểm xã hội - BHXH Việt Nam) cho biết, tính đến đầu tháng 10/2021, toàn quốc có trên 14,545 triệu người tham gia BHXH, đạt khoảng 82,2% kế hoạch được BHXH Việt Nam giao và khoảng 29,2% lực lượng lao động trong độ tuổi, giảm 1,619 triệu người so với cuối năm 2020. Điều này cho thấy, Covid-19 gây ra rất nhiều khó khăn cho công tác phát triển đối tượng tham gia.

Bảo hiểm xã hội các địa phương vượt khó nỗ lực thực hiện nhiệm vụ

Các cán bộ bảo hiểm xã hội tới từng nhà người dân vận động tham gia
bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế.

Hiện nay, BHXH các tỉnh, thành phố đã và đang đẩy mạnh nhiều giải pháp nhằm tăng cường thu BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT). Theo đó, các đơn vị đã rà soát 100.638 doanh nghiệp, với trên 1,5 triệu lao động. Sau khi rà soát, cơ quan BHXH đã khai thác tăng 38.945 lao động tham gia BHXH. Đồng thời, các đơn vị đã tổ chức 5.499 hội nghị trực tuyến và trực tiếp, qua đó phát triển được 72.967 người tham gia, trong đó có 35.572 người tham gia BHXH tự nguyện và 37.395 người tham gia BHYT hộ gia đình.

Về công tác thu, số thu lũy kế từ đầu năm đến nay đạt 69,8% kế hoạch được giao (tăng 3.211 tỷ đồng so với số thu cùng kỳ năm trước). Có 43 tỉnh, thành đạt số thu cao hơn tỷ lệ thu bình quân chung toàn quốc, điển hình như: Tuyên Quang (77,5%), Cao Bằng (73,1%), Hưng Yên (72,5%), Hà Nam (71,9%), Thanh Hóa (71,6%)… Trong bối cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng BHXH các tỉnh, thành phố đã và đang có nhiều nỗ lực, sáng tạo nhằm tăng cường công tác phát triển người tham gia cũng như thu BHXH, BHYT.

Đơn cử như tại Bắc Giang - từng là “tâm dịch” trong khoảng tháng 5-6 vừa qua, với việc tổ chức thành công tháng cao điểm vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, toàn tỉnh đã tăng mới hơn 3.700 người tham gia BHXH tự nguyện, lũy kế từ đầu năm đến nay lên trên 25.300 người tham gia… Tại Hà Nội, trong ngày chủ nhật (24/10), BHXH TP. Hà Nội đã phối hợp với Bưu điện thành phố tổ chức lễ ra quân vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Ngay trong ngày ra quân đầu tiên, đã vận động được 349 người đăng ký tham gia BHXH tự nguyện…

Nhờ sự tích cực nỗ lực của BHXH các địa phương nên mặc dù số người tham gia BHXH bắt buộc bị giảm sút nhưng tính đến tháng 10/2021, cả nước đã có trên 1,206 triệu người tham gia BHXH tự nguyện, đạt 69% kế hoạch được giao, tăng 77.800 người so với cuối năm 2020 và tăng 361.000 người so với cùng kỳ năm trước. Đây là “điểm sáng” trong công tác phát triển đối tượng của ngành BHXH Việt Nam dù trong bối cảnh Covid-19 gây ra những ảnh hưởng nặng nề tới mọi chỉ tiêu, nhiệm vụ của ngành.

Linh hoạt, chủ động triển khai các giải pháp phù hợp

Tại hội nghị trực tuyến công tác thu và phát triển người tham gia BHXH, BHYT tháng 10/2021 mới đây, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu đánh giá, mặc dù còn nhiều khó khăn, song đã có chỉ số cho thấy tín hiệu lạc quan như: Công tác đôn đốc thu, rà soát dữ liệu từ cơ quan thuế, đẩy mạnh truyền thông, thanh tra, kiểm tra... đã và đang phát huy hiệu quả tích cực.

Trong bối cảnh tình hình mới, trong quý còn lại của năm 2021, ông Trần Đình Liệu yêu cầu các đơn vị trực thuộc và BHXH các tỉnh, thành phố phải nhanh chóng thích ứng, linh hoạt, chủ động triển khai các giải pháp phù hợp hơn. Ông nhấn mạnh: “Mỗi nhóm đối tượng phải có giải pháp phù hợp và phải được triển khai từ sớm”. Theo đó, BHXH các tỉnh, thành phố phải bám sát tình hình thực tiễn ở cơ sở, từ đó cụ thể hóa các định hướng chỉ đạo của BHXH Việt Nam về đôn đốc thu, truyền thông, thanh tra, kiểm tra... để đạt hiệu quả cao nhất. Trong đó, trước mắt cần có giải pháp tập trung vào nhóm người lao động trở về địa phương, nhóm dừng tham gia BHYT theo Quyết định 861/QĐ-TTg (một số địa phương không còn thuộc danh sách các xã khu vực I, II, III… nên không được hỗ trợ kinh phí mua thẻ BHYT..).

Căn cứ vào đó, cơ quan BHXH các địa phương cần phải nắm chắc số liệu, phối hợp với các sở, ngành, chính quyền địa phương để có giải pháp tổng thể tạo công ăn việc làm, qua đó gia tăng số tham gia BHXH bắt buộc hoặc vận động tiếp tục tham gia theo hình thức BHXH tự nguyện. Về BHYT, cũng cần rà soát chi tiết ở từng nhóm, cố gắng tham mưu để UBND tỉnh có cơ chế, chính sách hỗ trợ tham gia BHYT, nhất là với nhóm đồng bào dân tộc thiểu số.

Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cũng yêu cầu, các đơn vị nghiệp vụ của BHXH Việt Nam và BHXH các tỉnh, thành phố cần phải chủ động trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, cùng tìm giải pháp, tháo gỡ khó khăn với các vấn đề trong tình hình thực tế. Trên tinh thần đó, BHXH các địa phương linh hoạt và sáng tạo hơn nữa trong tổ chức thực hiện, nhất là trong việc thu hút người lao động tiếp tục tham gia BHXH, BHYT trở lại cũng như gia tăng số tham gia mới.

Bên cạnh đó, BHXH các địa phương cần phối hợp, chia sẻ dữ liệu với cơ quan Bưu điện và hệ thống đại lý thu để tăng cường vận động phát triển BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Cơ quan BHXH phối hợp với các bên để có giải pháp truyền thông, xây dựng ấn phẩm, tài liệu truyền thông hợp lý, hiệu quả, phù hợp với bối cảnh tình hình ở từng thời điểm, từng nhóm đối tượng cụ thể. Công tác truyền thông phải chủ động hơn nữa, bằng nhiều kênh hơn nữa. Ngoài ra, phát huy hiệu quả truyền thông qua ứng dụng VssID-BHXH số; chú trọng phát triển ứng dụng VssID để đem lại lợi ích thực tế, chứ không chỉ dừng lại ở số lượng.

Kiến nghị cho phép hệ thống đại lý thu xã, phường
được hoạt động trở lại bình thường

Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP. Hồ Chí Minh cho biết, tình hình phục hồi sản xuất kinh doanh trên địa bàn còn nhiều khó khăn, hiện mới chỉ đạt khoảng 70%. Do đó, BHXH thành phố đang quyết liệt triển khai nhiều giải pháp, một mặt vừa đảm bảo hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, mặt khác tăng cường các giải pháp thu, phát triển người tham gia BHXH, bảo hiểm y tế. BHXH TP. Hồ Chí Minh đã kiến nghị UBND thành phố cho phép hệ thống đại lý thu xã, phường được hoạt động trở lại bình thường.