PV: Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) năm 2021, Bộ Tài chính tiếp tục đứng thứ 2/17 bộ, ngành, là năm thứ 8 liên tiếp trong top 3. Ông nhận xét gì về kết quả này?

Bộ Tài chính đã chủ động, quyết liệt trong cải cách hiện đại hóa
TS. Nguyễn Minh Phong

TS. Nguyễn Minh Phong: Mọi CCHC đều hướng tới việc nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động của bộ máy, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển. Về cơ bản, kết quả PAR Index đã phản ánh khá sát, đánh giá những đóng góp sau 1 năm thực hiện các cải cách của các bộ, ngành.

Đối với Bộ Tài chính, kết quả này là ghi nhận cả một quá trình, không phải là phản ánh theo cảm hứng, mà khẳng định sự bền vững, kế tục từ nhiều năm qua. Năm 2021, Bộ Tài chính không chỉ vượt qua những khó khăn do dịch Covid-19 gây nên, mà còn nhiều khó khăn khác nữa, nhưng bộ đã có những thành công không chỉ trong thực hiện nhiệm vụ cân đối ngân sách, mà còn có những kết quả nổi bật trong cải cách, hiện đại hóa ngành. Trong đó, không thể không nhắc đến việc Bộ Tài chính đẩy mạnh thực hiện hóa đơn điện tử trên cả nước, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Môi trường đầu tư kinh doanh của cả nước được cải thiện có sự đóng góp không nhỏ của ngành Tài chính.

Như Thủ tướng Chính phủ đã từng mạnh mẽ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần phải cầu thị lắng nghe và tiếp thu ý kiến người dân, doanh nghiệp, khơi dậy và huy động mọi nguồn lực phát triển đất nước, nâng cao hiệu quả, hiệu lực điều hành của các bộ, ngành, địa phương. Bộ Tài chính đã thực hiện tốt những chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Việc Bộ Tài chính tập trung cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính (TTHC), cải cách tài chính công và hiện đại hóa ngành với những kết quả, con số hết sức cụ thể đã minh chứng cho điều đó.

Việc bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử từ 1/7/2022 góp phần tích cực để cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Việc bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử từ 1/7/2022 góp phần tích cực để cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính.

PV: Như ông vừa đề cập, đúng là việc đẩy mạnh cải cách, hiện đại hóa ngành, đẩy mạnh chuyển đổi số và quyết liệt triển khai chủ trương xây dựng chính phủ điện tử đã là một dấu ấn của ngành Tài chính. Tuy nhiên, những thách thức trong thời gian tới là không nhỏ. Xin ông nói rõ hơn về điều này?

TS. Nguyễn Minh Phong: Một số đơn vị trong ngành Tài chính như Thuế, Hải quan thời gian qua đã có những cố gắng rất lớn trong thực hiện cải cách, hiện đại hóa. Các cơ quan thuộc Bộ Tài chính đã chủ động, quyết liệt triển khai chủ trương xây dựng chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số và nền kinh tế số, từng bước đưa ứng dụng công nghệ thông tin trở thành một công cụ hỗ trợ đắc lực cho quá trình quản lý và điều hành ngân sách và tài chính.

Đặc biệt, trong lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc nhà nước, người dân, doanh nghiệp và những người sử dụng ngân sách đã được hưởng lợi từ quá trình này. Thời gian và chi phí có thể đong đếm được bằng tiền, nhưng sự tin tưởng của người dân và doanh nghiệp vào một Chính phủ công khai, minh bạch mới là kết quả đáng chú ý hơn cả.

Một trong những thành công được cho là dấu ấn trong thời gian gần đây chính là nỗ lực thực hiện hóa đơn điện tử. Trong lĩnh vực thuế, hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố và 100% chi cục thuế trực thuộc. Ấn tượng nữa là việc áp dụng hóa đơn điện tử trên cả nước đã thúc đẩy xây dựng, tích hợp, kết nối, chia sẻ với các cơ sở dữ liệu trọng yếu quốc gia như cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, doanh nghiệp, bảo hiểm xã hội, đất đai… hướng tới xây dựng hệ sinh thái số; đổi mới công tác quản lý nhà nước trên nhiều ngành, lĩnh vực; thúc đẩy phát triển chính phủ số, hướng tới nền kinh tế số, xã hội số, công dân số.

Việc đẩy mạnh ứng dụng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng doanh nghiệp, giảm chi phí và thời gian đi lại. Những phiền nhiễu cũng đã ít hơn, doanh nghiệp không còn kêu ca nhiều.

“Bộ Tài chính luôn là một trong những đơn vị dẫn đầu trong cải cách hành chính. Bộ cũng rất chủ động, linh hoạt trong thực hiện nhiệm vụ này. Tôi cho rằng, với sự nghiêm túc và cầu thị trong thực thi, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành công hơn trong thời gian tới”. - TS. Nguyễn Minh Phong

Tuy nhiên, những thách thức trong thời gian tới là không nhỏ, khi việc cải cách TTHC không còn nhiều về số lượng như trước nữa mà đi vào thực chất, hiệu quả hơn. Việc cắt giảm TTHC phải được thực hiện từ khi xây dựng chính sách, cũng như phải liên tục rà soát để cắt giảm. Nghĩa là, người làm chính sách phải thực sự vì cộng đồng doanh nghiệp để thiết kế chính sách ngay từ khởi thảo, cũng như rà soát trong suốt quá trình thực hiện.

PV: Theo ông, thời gian tới ngành Tài chính cần phải làm gì để hỗ trợ hơn nữa cho người dân và doanh nghiệp?

TS. Nguyễn Minh Phong: Tôi cho rằng, thời gian tới, Bộ Tài chính cần tiếp tục rà soát để cắt giảm các thủ tục không cần thiết. Ngoài ra, cần tập trung cắt giảm điều kiện kinh doanh trong cả giải đoạn 2021 - 2025, theo như đúng Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ.

Năm 2022 Chính phủ đã xác định đẩy mạnh xây dựng thể chế, do đó, Bộ Tài chính cần tập trung vào công tác này. Bộ cần tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Tài chính gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả. Công tác xây dựng, thi hành hệ thống pháp luật phải được thực hiện thống nhất, đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch.

Việc thực thi các chính sách pháp luật của Nhà nước, đi kèm với đó là thủ tục. Tuy nhiên, các bộ, ngành cũng cần phải thường xuyên thực hiện kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, xem xét, đánh giá về tính hợp hiến, hợp pháp, nhằm kịp thời xử lý hoặc kiến nghị các cấp có thẩm quyền xử lý tháo gỡ vướng mắc, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Năm 2022 những hệ lụy từ dịch Covid-19 vẫn còn đó, tôi cho rằng, Bộ Tài chính bên cạnh việc đẩy mạnh CCHC, cần tiếp tục nghiên cứu trình các cấp có thẩm quyền các biện pháp, giải pháp về chính sách tài khóa nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân bị tác động bởi dịch Covid-19.

PV: Xin cảm ơn ông!