Kiểm soát chặt chẽ các nguồn thu

Ngay từ đầu năm, để thực hiện tốt công tác quản lý thu, triển khai thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách ở mức cao nhất, Bộ Tài chính đã phát động các phong trào thi đua, phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán thu NSNN được giao.

Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan thuế, cơ quan hải quan, triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý thu ngân sách; đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong quản lý thuế, kiểm soát chặt chẽ nguồn thu; nâng cao năng lực kiểm tra, kiểm soát hải quan, tăng cường chống thất thu gắn với cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người nộp thuế (NNT).

Bộ Tài chính triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý thu thuế, góp phần tăng thu về ngân sách
Nhiều lợi ích khi kết nối hóa đơn từ máy tính tiền với cơ quan thuế. Ảnh: TL

Đồng thời, các cơ quan thu tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, đối thoại, giải đáp, tháo gỡ kịp thời các vướng mắc cho NNT; chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra thuế, kiểm tra trị giá hải quan; đẩy mạnh công tác kiểm tra sau thông quan, đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại, trong đó tập trung kiểm tra chống gian lận về số lượng, xuất xứ hàng hóa…; kiểm soát chặt chẽ công tác miễn, giảm và hoàn thuế đảm bảo đúng đối tượng, đúng chính sách; tăng cường quản lý, hạn chế nợ đọng thuế.

Về công tác hỗ trợ NNT, Bộ Tài chính tiếp tục triển khai có trọng tâm, trọng điểm, xây dựng các sản phẩm hỗ trợ NNT theo phương thức điện tử, mang lại hiệu quả cao trong việc hướng dẫn NNT thực hiện thủ tục hành chính thuế cũng như tiếp cận chính sách thuế.

Năm 2023, các cơ quan đã cung cấp thông tin thông qua hình thức thư điện tử cho hơn 5,3 triệu lượt NNT; thực hiện hỗ trợ cho hơn 260.000 lượt NNT thông qua zalo, fanpage của các cục thuế; tổ chức trên 620 buổi đối thoại với 135.000 lượt NNT tham gia; tổ chức 630 lớp tập huấn về các chính sách mới với 112.000 NNT tham dự. Tại bộ phận “một cửa”, cơ quan thuế đã trực tiếp hướng dẫn cho khoảng 802.000 lượt NNT và có 26.000 văn bản trả lời vướng mắc của NNT.

Xử lý vi phạm trên sàn thương mại điện tử 275 tỷ đồng

Kết quả quản lý đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh qua sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) như sau: đã thực hiện rà soát đối với 5.826 doanh nghiệp và 23.192 cá nhân. Số thuế kê khai thường xuyên (không phân biệt hoạt động kinh doanh TMĐT hay truyền thống) của các doanh nghiệp và cá nhân có hoạt động kinh doanh trên sàn 10 tháng đầu năm 2023 tăng 318 tỷ đồng so với bình quân 10 tháng năm 2022. Đến nay, cơ quan thuế đã tiến hành truy thu, xử lý vi phạm đối với 179 doanh nghiệp và 1.061 cá nhân có hoạt động kinh doanh trên sàn giao dịch TMĐT với số tiền khoảng 275 tỷ đồng.

Những nỗ lực trong đổi mới phương thức, hình thức tuyên truyền, hỗ trợ của cơ quan thuế và cơ quan hải quan đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của NNT, từ đó tăng thu NSNN.

Cùng với đó, Bộ Tài chính đã tham mưu, đề xuất nhiều giải pháp quan trọng về tài khóa hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp, người dân với quy mô lớn (miễn, giảm, gia hạn cho hàng trăm nghìn đối tượng; 8 loại thuế, phí với quy mô lên đến khoảng 190 - 200 ngàn tỷ đồng), đẩy mạnh triển khai, kịp thời đưa các gói chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế vào cuộc sống, tiếp sức cho doanh nghiệp khơi thông nội lực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Với sự quyết tâm cao của các đơn vị trong hệ thống tài chính (thuế, hải quan, kho bạc…); đồng thời, được sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền địa phương các cấp, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, đơn vị có liên quan, sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, công tác thu NSNN năm 2023 đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ.

Tính đến ngày 25/12/2023, thu NSNN đạt 1.693,5 nghìn tỷ đồng, bằng 104,5% (tăng 72,7 nghìn tỷ đồng) so dự toán (ngân sách trung ương đạt 104,6% dự toán; ngân sách địa phương đạt 104,4% dự toán), giảm 4,2% so cùng kỳ năm 2022; trong đó, thu nội địa đạt 105,7% dự toán, thu từ dầu thô đạt 144,6% dự toán, thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 92,1% dự toán.

Phấn đấu hoàn thành dự toán thu ngân sách năm 2024 ở mức cao nhất

Theo Bộ Tài chính, năm 2024 là năm bứt phá để hoàn thành Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 trong bối cảnh tình hình kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn.

Bộ Tài chính triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý thu thuế, góp phần tăng thu về ngân sách
Cơ quan thuế, hải quan tăng cường ứng dụng CNTT hỗ trợ công tác quản lý và NNT.

Về thu ngân sách, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 104/2023/QH15 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, với tổng số thu NSNN là 1.700.988 tỷ đồng. Trong đó, thu nội địa là 1.444.413 tỷ đồng; thu từ dầu thô là 46.000 tỷ đồng; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu là 204.000 tỷ đồng; thu viện trợ: 6.575 tỷ đồng

Để đảm bảo hoàn thành dự toán pháp lệnh, Bộ Tài chính tập trung triển khai đồng bộ, có hiệu quả các nhóm giải pháp. Theo đó, bộ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan trong điều hành chính sách kinh tế vĩ mô, kiểm soát chặt chẽ lạm phát, siết chặt kỷ cương kỷ luật trong quản lý tài chính, ngân sách nhà nước; quyết liệt thực hiện công tác thu NSNN, phấn đấu hoàn thành dự toán thu được giao ở mức cao nhất.

Bên cạnh đó, ngành Tài chính tiếp tục triển khai các nghị quyết, kế hoạch, chương trình của Chính phủ với mục tiêu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; thực hiện đồng bộ, toàn diện các giải pháp cải cách hành chính trong lĩnh vực tài chính; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số mạnh mẽ với mục tiêu tiến tới tài chính số.

Ngành Thuế, Hải quan tiếp tục theo dõi sát tình hình thực tế để nghiên cứu, đề xuất các giải pháp hỗ trợ NNT phù hợp với diễn biến kinh tế thế giới và trong nước trong thời gian tới; đồng thời tập trung triển khai kịp thời, hiệu quả các giải pháp này nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh, tạo đà phát triển kinh tế, nuôi dưỡng nguồn thu.

Đồng thời, Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện tốt chương trình xây dựng chính sách pháp luật về thuế để bảo đảm công bằng, chú trọng hiệu quả thu thuế. Tin tưởng rằng, với quyết tâm và nỗ lực triển khai các nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2024, ngành Tài chính sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao./.

Ban hành 18.131 quyết định hoàn thuế GTGT với tổng số tiền 139.868 tỷ đồng

Về giải quyết hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT), Bộ Tài chính đảm bảo giải quyết kịp thời, chặt chẽ, đúng quy định, công khai, minh bạch.

Với việc quyết liệt, khẩn trương của cơ quan thuế các cấp, công tác quản lý hoàn thuế GTGT đã có chuyển biến khá tích cực thời gian qua. Cụ thể trong năm 2023, cơ quan thuế đã ban hành 18.131 quyết định hoàn thuế GTGT, với tổng số tiền thuế hoàn là 139.868 tỷ đồng, bằng 88,6% ước thực hiện Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ, bằng 97% so với cùng kỳ năm 2022. Dự kiến cả năm 2023, cơ quan thuế ước ban hành gần 20.000 quyết định hoàn thuế GTGT, với tổng số tiền thuế hoàn khoảng 152.000 tỷ đồng, bằng 100,9% cùng kỳ năm 2022.

Đã thực hiện thanh tra, kiểm tra đối với 7.275 quyết định hoàn, tương ứng với tổng số tiền hoàn là 45.757 tỷ đồng. Tổng số thuế truy hoàn và phạt là 324 tỷ đồng (trong đó: số thuế truy hoàn là 247 tỷ đồng, phạt là 77 tỷ đồng).