Thu ngân sách đạt khá

Thông tin tại cuộc họp báo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 2/2023 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 do UBND TP. Hà Nội tổ chức chiều 9/3, ông Lê Văn Quân - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết, với quyết tâm cao nhất hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, trong 2 tháng đầu năm 2023, "bức tranh" kinh tế - xã hội của thành phố có nhiều điểm sáng, các chỉ tiêu cân đối lớn về kinh tế đạt kết quả tích cực.

Bức tranh kinh tế - xã hội Thủ đô nhiều điểm sáng
Nguồn: UBND TP. Hà Nội. Đồ họa: Văn Chung

Nổi bật, thu ngân sách nhà nước (NSNN) trên địa bàn đạt khá cao so với cùng kỳ; đảm bảo cân đối chi ngân sách. Tổng thu NSNN trên địa bàn thực hiện 2 tháng đầu năm là 108.761 tỷ đồng, đạt 30,8% dự toán, trong đó: Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 3.507 tỷ đồng, đạt 13% dự toán; thu từ dầu thô 405 tỷ đồng, đạt 19,3% dự toán; thu nội địa 104.844 tỷ đồng, đạt 32,4% dự toán.

Chi ngân sách địa phương thực hiện 2 tháng đầu năm là 10.879 tỷ đồng, đạt 10,4% dự toán, bằng 114,2% so với cùng kỳ, trong đó: Chi đầu tư phát triển 3.069 tỷ đồng, đạt 6,5% dự toán, bằng 126,9% so với cùng kỳ; chi thường xuyên là 7.803 tỷ đồng, đạt 14,0% dự toán, bằng 112,3% so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, các chỉ tiêu về thương mại - dịch vụ tăng trưởng mạnh. Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 2 đạt 59,490 nghìn tỷ đồng, tăng 16,8% so với tháng 2/2022, cùng kỳ tăng 11,1%. Lũy kế 2 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 122,452 nghìn tỷ đồng, tăng 12,3%, cùng kỳ tăng 9,9%. Ngành du lịch phục hồi mạnh khi trong tháng 2/2023, Thủ đô Hà Nội đón 340 nghìn lượt khách, tăng hơn 2,1 lần so với cùng kỳ năm 2022...

Đặc biệt, thành phố tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển doanh nghiệp và thu hút đầu tư. Trong tháng 2 có 2.045 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 23.482 tỷ đồng, tăng 48% về số lượng doanh nghiệp và giảm 17% vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 2 tháng đầu năm, có 3.691 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 38.218 tỷ đồng, tăng 2% về số lượng doanh nghiệp và giảm 39% vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Tổng số doanh nghiệp đăng ký trên địa bàn thành phố hiện có 353.704 doanh nghiệp.

Kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng

Theo nhận định của TP. Hà Nội, năm 2023, thành phố vẫn còn phải đối mặt với những khó khăn, thách thức thiên tai, dịch bệnh; áp lực lạm phát do khó khăn của nền kinh tế thế giới; nguồn lực của thành phố có hạn nhưng phải đối mặt giải quyết các vấn đề nội tại như quá tải về hạ tầng, ô nhiễm môi trường... Với mục tiêu giữ vững ổn định và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng... UBND TP. Hà Nội đề ra 22 chỉ tiêu chủ yếu của năm 2023 (với 5 nhóm chỉ tiêu kinh tế tổng hợp; 13 nhóm chỉ tiêu văn hóa - xã hội và 4 nhóm chỉ tiêu về đô thị, nông thôn, môi trường).

Để đạt mục tiêu này, thời gian tới, thành phố tiếp tục chú trọng đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành gắn với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động của các cơ quan hành chính các cấp và thực hiện công khai, minh bạch các thông tin quản lý, điều hành, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung của thành phố. Đồng thời, thành phố thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội gắn với phát triển các động lực tăng trưởng mới với trọng tâm chọn chuyển đổi số là động lực phát triển; phát triển các mô hình kinh tế mới; đẩy mạnh các hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án đầu tư.

TP. Hà Nội cũng quyết tâm thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án đầu tư; đôn đốc quyết liệt tiến độ các công trình trọng điểm, các công trình thiết yếu, dự án đường Vành đai 4; đánh giá, rà soát lại kế hoạch đầu tư công trung hạn để đảm bảo tiến độ thực hiện dự án và nâng cao chất lượng đầu tư công. “Thành phố thực hiện giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch; xử lý dứt điểm, hiệu quả các vấn đề tồn đọng trong đầu tư ngoài ngân sách, nhất là các dự án đầu tư chậm tiến độ” - ông Lê Văn Quân nói.

Ngoài ra, thành phố tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ sản xuất, kinh doanh như thực hiện đầy đủ các chính sách mới ban hành của Chính phủ về miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế, phí; hỗ trợ lãi suất cho vay; hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động; hỗ trợ cho vay tín dụng các đối tượng ưu tiên…

Tập trung vào 3 khâu đột phá

Nhấn mạnh nhiệm vụ trong năm 2023, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng từng khẳng định, thành phố quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tập trung vào 3 khâu đột phá. Đặc biệt, phải tiếp tục làm tốt hơn nữa việc huy động các nguồn lực đầu tư cho sự phát triển của thành phố, tập trung rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ, nâng cao tỷ lệ giải ngân đầu tư công ngay từ ngày đầu, tháng đầu năm 2023. Cùng với đó, tập trung thực hiện giải phóng mặt bằng đúng tiến độ các dự án đầu tư công, đặc biệt là dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đã được thành phố ký kết giao ước thi đua với các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên để bàn giao 70% diện tích mặt bằng các gói thầu xây lắp trước ngày 30/6/2023, phục vụ khởi công dự án…