Xung lực mới cho giao thông miền núi phía Bắc
Hiện toàn dự án đang triển khai 70 mũi thi công, sản lượng xây lắp đạt 33,4% giá trị xây lắp theo hợp đồng. Ảnh: Thái Hải

Điều chỉnh tăng 700 tỷ đồng vốn đầu tư

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) mới có quyết định phê duyệt điều chỉnh Dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc do Ngân hàng Phát triển châu Á và Chính phủ Australia tài trợ.

Theo đó, dự án sẽ được điều chỉnh tổng mức đầu tư là 6.018,1 tỷ đồng (tương đương 265,23 triệu USD), tăng gần 700 tỷ đồng so với phê duyệt ban đầu với tổng mức đầu tư 5.339,59 tỷ đồng (tương đương 235,328 triệu USD). Trong đó, chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư 1.019,4 tỷ đồng; chi phí xây dựng 4.155,3 tỷ đồng; chi phí tư vấn đầu tư xây dựng 325,8 tỷ đồng; chi phí dự phòng 417 tỷ đồng…

Đảm bảo an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế - xã hội

Việc đầu tư dự án nhằm hoàn chỉnh mạng lưới giao thông, đảm bảo an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế - xã hội cho các tỉnh miền núi phía Bắc, tăng cường khả năng kết nối, giao thương giữa các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Yên Bái, Lào Cai, Phú Thọ, Hà Giang, Tuyên Quang với các tỉnh đồng bằng sông Hồng.

Cụ thể, vốn vay từ Quỹ phát triển châu Á (ADF) của ADB là 187,2 triệu USD (tương đương 4.249,3 tỷ đồng), được sử dụng để thanh toán chi phí xây dựng, tư vấn giám sát, tư vấn kiểm toán theo quy định của ADB và khoản dự phòng tương ứng.

Vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Australia 6,37 triệu USD (tương đương 144,5 tỷ đồng) được thực hiện thông qua Chương trình Aus4transport của Bộ Giao thông Vận tải sử dụng để thanh toán chi phí tư vấn thiết kế kỹ thuật, lập dự toán và hỗ trợ đấu thầu; chương trình kiểm soát tải trọng xe; chiến dịch nâng cao nhận thức an toàn giao thông đường bộ; bổ sung khảo sát và lập thiết kế kỹ thuật Gói thầu XL07 và Gói thầu XL11.

Vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam 1.624,3 tỷ đồng (tương đương 71,58 USD), được sử dụng để thanh toán chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác (nếu có); quản lý dự án; tư vấn đầu tư xây dựng công trình; chi phí khác và khoản dự phòng tương ứng.

Bộ GTVT cũng yêu cầu Ban Quản lý dự án 2 có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với địa phương trong công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, bảo đảm tiến độ thực hiện dự án; bảo đảm chặt chẽ, đầy đủ về thủ tục và tuân thủ các quy định hiện hành.

Tổng chiều dài khoảng 200km, tiến độ thực hiện 5 năm

Theo Ban Quản lý dự án 2 (đại diện chủ đầu tư), dự án gồm 2 tuyến với tổng chiều dài khoảng 200km, tiến độ thực hiện 5 năm (từ năm 2019 - 2024). Trong đó, tuyến kết nối Lai Châu với cao tốc Nội Bài - Lào Cai: Điểm đầu (Km0+00) tại Nút giao IC16 đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai. Điểm cuối (Km146+600) tại Km34+800 Quốc lộ 4D, thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu. Chiều dài tuyến khoảng 147km, đường cấp III miền núi.

Tuyến nối Nghĩa Lộ với cao tốc Nội Bài - Lào Cai: Điểm đầu (Km0+00) tại nút giao IC14 đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái. Điểm cuối dự án (Km54+069) tại Km209+500 Quốc lộ 32, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Chiều dài tuyến khoảng 53km, đường cấp 4 miền núi. Dự án có 11 gói thầu, thời gian thực hiện dự án từ năm 2021 - 2024.

Việc đầu tư dự án nhằm hoàn chỉnh mạng lưới giao thông, đảm bảo an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế - xã hội cho các tỉnh miền núi phía Bắc, tăng cường khả năng kết nối, giao thương giữa các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Yên Bái, Lào Cai, Phú Thọ, Hà Giang, Tuyên Quang với các tỉnh đồng bằng sông Hồng, giảm chi phí vận tải hàng hóa và hành khách; góp phần giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông; tăng cường khả năng liên kết giữa các tỉnh và các vùng kinh tế; tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường đảm bảo quốc phòng - an ninh của khu vực.

Cũng theo Ban Quản lý dự án 2, tính đến thời điểm hiện nay, những gói thầu đang thi công đã được Ban Quản lý dự án 2, đại diện chủ đầu tư chỉ đạo tư vấn giám sát và nhà thầu thi công xây dựng xong kế hoạch tổng thể của dự án và gửi cho các đơn vị liên quan: Các nhà tài trợ ADB, DFAT, các địa phương có dự án đi qua… để các bên phối hợp thực hiện và kiểm soát tiến độ theo kế hoạch được xây dựng.

Đối với kế hoạch giải ngân vốn ODA và vốn đối ứng đối với từng gói thầu và giải ngân công tác GPMB, giải ngân kế hoạch bố trí vốn năm 2022 đạt 560,24/560,32 tỷ đồng (100% kế hoạch bố trí), trong đó vốn vay ADB 381,15/381,19 tỷ đồng (đạt 100%), vốn đối ứng 179,09/179,13 tỷ đồng (đạt 100%).

Công tác giải ngân năm 2023 đạt 762,73/808,49 tỷ đồng, đạt 94,34% kế hoạch, trong đó vốn vay ADB 542,82/570,8 tỷ đồng đạt 95,1%, vốn đối ứng 219,9/237,69 tỷ đồng, đạt 92,52%. Dự án đã được bàn giao mặt bằng với chiều dài 159,45/198,62km (đạt 80,3%), trong đó tỉnh Lào Cai 49,11/63,3 km (đạt 77,6 %), tỉnh Lai Châu 74,11/82,62km (đạt 89,7%) và tỉnh Yên Bái 36,23/52,67km (đạt 68,8%).

Lãnh đạo Ban Quản lý dự án 2 cho biết thêm, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác với tổng diện tích hơn 104,07ha. Hiện trên toàn dự án đang triển khai khoảng 70 mũi thi công tại 11/11 gói thầu; sản lượng đạt 33,4% giá trị xây lắp theo hợp đồng, đáp ứng kế hoạch.

Tuy nhiên, cũng theo lãnh đạo Ban Quản lý dự án 2 cũng cho biết, dự án vẫn còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc như: Công tác thu hồi đất rừng của các địa phương để bàn giao phục vụ thi công các gói thầu của dự án còn chậm. Việc di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật, hệ thống đường điện thuộc trách nhiệm Chủ sở hữu (Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Điện lực Miền Bắc, Công ty Điện lực Lào Cai) đã có nhiều chuyển biến tích cực trong thời gian qua, tuy nhiên vẫn chưa giải quyết hết vướng mắc mặt bằng. Chính vì vậy, các địa phương cần sớm triển khai các thủ tục liên quan đến thu hồi đất rừng bàn giao mặt bằng để dự án triển khai thi công đảm bảo tiến độ./.