Có tới 88 luật, bộ luật liên quan đến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Tại hội thảo các ý kiến xoay quanh tính khả thi của Luật Đất đai (sửa đổi) vì đây là một đạo luật lớn, bao trùm và liên quan đến hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội, đặc biệt là các quan hệ dân sự, đầu tư, kinh doanh, bất động sản, tác động đến mọi chủ thể trong xã hội.

PGS. TS. Đinh Dũng Sỹ - nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ, cho rằng để bảo đảm sự tương thích, tránh mâu thuẫn, chồng chéo, xung đột giữa Luật Đất đai với các luật khác hiện hành, cần có những rà soát, so sánh, đánh giá kỹ lưỡng các quy định của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với các luật khác trong hệ thống pháp luật, hạn chế chồng lấn. Đồng thời, nếu có xung đột pháp luật thì cần phải xử lý, bảo đảm các quy định phải rõ ràng, minh bạch, tránh gây khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện luật.

Cần bảo đảm tính thống nhất các quy định về tài chính đất đai
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Hải Anh
Theo Báo cáo kết quả rà soát của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì có tới 88 luật, bộ luật hiện hành có các quy định liên quan đến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Trong đó, mới chỉ có 4 luật đã có trong chương trình xây dựng luật của Quốc hội, đó là Luật Đấu thầu, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở và Luật Công chứng. Đối với 4 luật này do được sửa đổi, bổ sung cùng với Luật Đất đai, nên việc xử lý những chồng chéo, thiếu thống nhất sẽ không có gì khó khăn. Tuy nhiên vẫn còn 84 luật, bộ luật liên quan khác, trong đó có 24 luật, bộ luật có các quy định chồng chéo, mâu thuẫn với các quy định của dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.

Theo PGS. TS. Đinh Dũng Sỹ, đây là việc rất khó. Hơn nữa, trường hợp luật khác ban hành sau ngày Luật Đất đai có hiệu lực thi hành cần quy định đặc thù về quản lý, sử dụng đất khác với quy định tại Luật Đất đai thì phải xác định cụ thể nội dung thực hiện hoặc không thực hiện theo quy định của Luật Đất đai, nội dung thực hiện theo quy định của luật khác đó; trường hợp luật khác không xác định cụ thể thì áp dụng quy định của Luật Đất đai.

Ông Đinh Dũng Sỹ đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục hoàn thiện quy định về áp dụng pháp luật tại Điều 4 dự thảo luật; cân nhắc lựa chọn một trong hai phương án theo quy định của Điều 12 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để xử lý những chồng lấn, thiếu thống nhất giữa Luật Đất đai với 24 đạo luật khác có các quy định liên quan, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và tính khả thi trong tổ chức thi hành luật.

Làm rõ vai trò của các cấp chính quyền

Góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nhiều ý kiến cho rằng, cần có những quy định cụ thể, rõ ràng hơn về trách nhiệm của từng cấp chính quyền…

Ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản TP. Hà Nội cho biết, hiện Nhà nước vẫn điều tiết quyền sử dụng đất thông qua quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm, đấu giá quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, vẫn thiếu đánh giá về nhu cầu sử dụng, nhu cầu ở thực từ cơ quan quản lý, trong khi người dân tham gia đấu giá chủ yếu vì mục đích kiếm lời dẫn đến phát sinh các vụ việc thổi giá, đẩy giá.

Ông Điệp góp ý, cần có những quy định cụ thể, rõ ràng hơn về trách nhiệm của từng cấp chính quyền, cơ quan quản lý để tránh phát sinh các tiêu cực. Song song với quy định Nhà nước điều tiết quyền sử dụng đất, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần bổ sung vào đó cơ chế bắt buộc khảo sát, nghiên cứu nhu cầu sử dụng, nhu cầu ở thực dựa trên các tiêu chí về dân số địa phương, độ tuổi có nhu cầu ở riêng, thu nhập bình quân của địa phương... làm cơ sở xây dựng kế hoạch sử dụng đất hàng năm, cơ sở đấu giá đất...

Cần bảo đảm tính thống nhất các quy định về tài chính đất đai
PGS. TS. Đinh Dũng Sỹ phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Hải Anh

Còn theo PGS. TS. Đinh Dũng Sỹ, Điều 147 dự thảo luật thống kê các khoản thu tài chính từ đất đai nhưng không thấy bóng dáng của hai loại thuế là thuế sử dụng đất nông nghiệp và thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.

Luật Đất đai năm 2013 tuy không nói cụ thể là thuế sử dụng đất nông nghiệp và thuế sử dụng đất phi nông nghiệp nhưng có liệt kê về khoản thu thuế sử dụng đất, tại điểm c khoản 1 Điều 107. Do vậy, ông đề nghị cần phải bổ sung hai khoản thu tài chính này cho đầy đủ bức tranh tài chính về đất đai.

Về Bảng giá đất (Điều 154) và giá đất cụ thể (Điều 155), PGS. TS. Đinh Dũng Sỹ góp ý, dự thảo luật đã bỏ khung giá đất. Tuy nhiên, vẫn còn hệ thống hai giá đất là giá trong bảng giá đất và giá đất cụ thể và việc xây dựng, áp dụng hai loại giá này vẫn còn nhiều điểm chưa rõ cả về nội dung chính sách lẫn kỹ thuật lập pháp. Chính vì vậy, ban soạn thảo cần chú ý nghiên cứu làm rõ về thẩm quyền, quy trình xây dựng bảng giá đất và giá đất cụ thể.