Áp dụng tính điểm tín dụng cá nhân sẽ hạn chế tình trạng
Nguồn: Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam. Đồ họa: Phương Anh

PV: Quan sát bức tranh tài chính tiêu dùng tại Việt Nam, ông đánh giá thế nào về tình trạng nợ xấu của tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam hiện nay?

Áp dụng tính điểm tín dụng cá nhân sẽ hạn chế tình trạng

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Theo thống kê của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2023 của tín dụng cho vay đời sống phục vụ tiêu dùng là 3,8% và đến nay nhích lên hơn 4%. Riêng nợ xấu tại các công ty tài chính có giảm nhẹ từ mức 15% cuối năm 2023 đến nay chỉ còn khoảng 14,63%, nhưng đây vẫn là tỷ lệ đáng báo động, do các công ty này phải trích dự phòng rủi ro cao.

Việc tín dụng tiêu dùng có xu hướng tăng thể hiện tình hình kinh tế khó khăn. Trong năm 2023, số doanh nghiệp phải giải thể, đóng cửa, ngưng hoạt động trung bình khoảng 15.000 doanh nghiệp mỗi tháng và có thể xu hướng này vẫn tiếp tục trong năm 2024 do tình hình kinh tế thế giới nói chung vẫn còn nhiều khó khăn, bất định. Trong tình hình như vậy thì nhiều người vay tiêu dùng đã mất khả năng trả nợ do thu nhập giảm sút. Chính vì vậy tỷ lệ nợ xấu tiêu dùng tăng lên.

Nâng cao hiệu quả thu hồi nợ tiêu dùng

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, các công ty tài chính tiêu dùng cũng như ngân hàng cần nâng cao chất lượng và tiến tới xử lý tốt nợ xấu, đặc biệt trong bối cảnh xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội vấn nạn người vay vốn bùng nợ hay bày cách không trả nợ ngân hàng. Cần cho vay chặt chẽ hơn, tránh gây mất an toàn hệ thống. Việc nâng cao chất lượng cho vay tiêu dùng phục vụ nhu cầu đời sống người dân, giảm tín dụng đen là điều cần thiết.

PV: Trước tình trạng nợ xấu cho vay tiêu dùng tăng, để hạn chế việc “bùng nợ”, có ý kiến đề xuất chấm điểm tín dụng người dân, tích hợp dữ liệu dân cư, để nhiều người vay vốn thấy hậu quả của việc "bùng nợ" khiến công việc làm ăn khác khó khăn và phải trả nợ ngân hàng. Ông nghĩ sao về đề xuất này?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Việc chấm điểm tín dụng của người dân là điều rất quan trọng trong cho vay tiêu dùng. Đáng lý, Việt Nam phải thành lập hệ thống chấm điểm tín dụng một cách đại trà từ lâu rồi, nhưng hiện nay vẫn chưa có. Các ngân hàng có hệ thống chấm điểm tín dụng cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp của mình, nhưng không phải là một hệ thống chấm điểm tín dụng đại trà, áp dụng cho cả nước. Công ty CIC của Ngân hàng Nhà nước cũng đã có hệ thống chấm điểm tín dụng, nhưng số cá nhân được chấm điểm tín dụng so với số người đi vay các tổ chức tín dụng trên cả nước còn rất ít.

Trong khi điều này đã được áp dụng rất rộng rãi tại nhiều nước trên thế giới. Đơn cử như tại Hoa Kỳ, đã có hệ thống chấm điểm tín dụng thông dụng là Isaac Scoring, được 3 công ty xếp hạng tín dụng lớn nhất áp dụng cho tất cả những người đi vay ở các tổ chức tín dụng. Hệ thống chấm điểm này rất hiệu quả, khách quan và công ty tài chính cũng như ngân hàng có thể tham khảo điểm tín dụng của người dân qua hệ thống này để có thể quyết định cho vay hay không cho vay một cách rất nhanh chóng. Trong khi đó, Việt Nam đã đi vào nền kinh tế thị trường 30 năm nay nhưng đến giờ này vẫn chưa có một hệ thống chấm điểm tín dụng đại trà cho tất cả người dân.

PV: Theo ông, trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, việc áp dụng giải pháp chấm điểm tín dụng người dân có khả thi và sẽ hạn chế tình trạng nợ xấu cho vay tiêu dùng do việc cố tình bùng nợ của cá nhân?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Chắc chắn rằng, nếu có một hệ thống chấm điểm tín dụng cá nhân khách quan, chính xác thì những công ty tài chính, các tổ chức tín dụng sẽ dựa vào đó để cho vay hiệu quả hơn. Có hệ thống chấm điểm tín dụng người dân đại trà thì sẽ giảm thiểu rủi ro cho ngân hàng, tổ chức tài chính, qua đó giảm được nợ xấu.

Theo tôi được biết, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có ý định làm việc này từ mấy năm trước, nhưng cho đến giờ này vẫn chưa thấy có một hệ thống chấm điểm tín dụng chung cho tất cả mọi người dân. Theo tôi, cần có một công ty thu thập tất cả các dữ liệu tín dụng của toàn dân để chấm điểm tín dụng của mỗi cá nhân, tương tự như hệ thống chấm điểm tín dụng Isaac Scoring tại Hoa Kỳ. Theo đó, điểm càng cao càng dễ vay tiền và vay với lãi suất thấp và ngược lại.

Nếu Việt Nam có một hệ thống chấm điểm tín dụng cá nhân minh bạch và theo những thông lệ tốt nhất thì việc bùng nợ sẽ không còn đất sống, vì xù nợ sẽ để lại một dấu vết trốn nợ và từ đó cá nhân xù nợ sẽ có điểm tín dụng thấp, không còn cơ hội đi vay.

PV: Vậy làm thế nào để có một hệ thống chấm điểm tín dụng khách quan, chính xác, thưa ông?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Tôi cho rằng, có lẽ Ngân hàng Nhà nước nên đứng ra tiếp tục xây dựng một hệ thống chấm điểm tín dụng và cần có một công ty chấm điểm tín dụng có uy tín được công nhận tại Việt Nam và quốc tế để áp dụng hệ thống này. Hệ thống này cần có những chuẩn mực chung cho tất cả mọi người. Hiện chỉ có hệ thống CIC của Ngân hàng Nhà nước, nhưng hệ thống này chỉ áp dụng cho một số cá nhân vay tiền của ngân hàng, chưa phải là hệ thống chấm điểm tín dụng một cách đại trà cho toàn dân. Một công ty chấm điểm tín dụng cần thu nhập những thông tin liên quan đến nợ ngân hàng, nợ công ty tài chính, nợ các cơ quan thuế và các cơ quan khác.

PV: Xin cảm ơn ông!

Công ty tài chính cần có các chuẩn mực cho vay chặt chẽ hơn

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, ngoài giải pháp về chấm điểm tín dụng với người dân thì hành lang pháp lý để xử lý vấn đề nợ xấu cho vay tiêu dùng tại Việt Nam không phải là một trở ngại.

Vấn đề là các tổ chức ngân hàng phải có những chuẩn mực về tín dụng và áp dụng nó một cách chặt chẽ. Đặc biệt, các công ty tài chính hoạt động trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng cần chú ý điều này vì các công ty tài chính thường áp dụng các chuẩn mực thấp hơn ngân hàng. Do đó, các công ty tài chính cần có các chuẩn mực cho vay chặt chẽ hơn khi cho vay tiêu dùng. Bên cạnh đó, các công ty tài chính cần lưu ý về việc điều tra về lịch sử tín dụng, về tình trạng việc làm của người đi vay. Những thông tin này chính là nền tảng quan trọng để giảm tình trạng bùng nợ, nợ xấu trong cho vay tiêu dùng.

“Liên quan đến việc thu hồi nợ, tôi cho rằng, nên xem xét việc cho phép các công ty thu hồi nợ chuyên nghiệp, hoạt động trong vòng pháp luật và dưới sự giám sát của cơ quan quản lý nhà nước. Tại các quốc gia tiên tiến, các công ty thu hồi nợ (Collection Agencies) hoạt động rất hiệu quả và là “cánh tay phải” của các định chế tài chính trong việc thu hồi nợ” - TS. Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.