Đó là ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị Đối thoại về Phòng chống tham nhũng lần thứ 12, với chủ đề “Vai trò của DN và khu vực tư nhân trong công tác PCTN” được tổ chức hôm nay (12/11) tại Hà Nội, do Thanh tra Chính phủ, VCCI phối hợp Đại sứ quán Vương quốc Anh và Bộ Phát triển Quốc tế Anh tại Việt Nam tổ chức, với sự tham gia của cộng đồng các nhà tài trợ, các đối tác phát triển quốc tế.

Phát biểu tại cuộc đối thoại, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, pháp luật về phòng, chống tham nhũng của Việt Nam tập trung chủ yếu cào các đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan công quyền, các đơn vị cung cấp dịch vụ công; lực lượng vũ trang và những người có trách nhiệm quản lý vốn, tài sản của Nhà nước tại các DN. Các quy định về “tham nhũng trong khu vực tư” ít được đề cập đến.

đối thoại phòng chống tham nhũng

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc đối thoại. Ảnh:HT

Từ trước tới nay, nhận thức xã hội thường xem DN là nạn nhân của tham nhũng, phải đưa phải hối lộ vì sự nhũng nhiễu của cán bộ, công chức trong các cơ quan công quyền. Tuy nhiên, các kết quả nghiên cho thấy điều đó đúng nhưng chưa đủ. Còn một thực tế khác, đó là nhiều DN thường chủ động thực hiện hành vi hối lộ nhằm đạt được những lợi thế không chính đáng trong cạnh tranh trên thương trường hoặc đế trốn tránh trách nhiệm pháp lý khi có sai phạm.

Vì thế, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Để phòng, chống tham nhũng đạt hiệu quả, một mặt cần ngăn chặn và xử lý nghiêm những công chức, viên chức nhũng nhiễu, nhận hối lộ; mặt khác phải cỏ chế tài đủ mạnh để răn đe, xử lý hành vi đưa hối lộ, đặc biệt cần nghiêm khắc đối với những doanh nghiệp coi hối lộ như một “giải pháp” trong kinh doanh, một cách thức để tạo lợi thế, hình thành “nhóm lợi ích”.

Đánh giá về thực trạng tham nhũng, hối lộ của doanh nghiệp hiện nay, ông Huỳnh Phong Tranh – Tổng Thanh tra Chính phủ cũng cho rằng, các nguyên tắc "thiện chí, trung thực", "không xung đột lợi ích", "tuân thủ pháp luật" đã được thực thi rộng rãi trong giao dịch dân sự, kinh tế và từng bước được thể chế hoá thành những quy phạm pháp luật trong Bộ luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp hay những luật chuyên ngành khác. Bộ luật Hình sự cũng quy định những chế tài nghiêm khắc với những tội phạm về hối lộ, gian lận thương mại. Tuy nhiên, các quy định đó dường như vẫn chưa đủ để có thể ngăn chặn, xử lý có hiệu quả những hành vi tham nhũng, hối lộ, gian lận trong hoạt động kinh doanh.

Thực tế tình trạng tham nhũng, hối lộ vẫn hết sức phức tạp. Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013 của Thanh tra Chính phủ cho thấy, qua 4.474 cuộc thanh tra hành chính và 131.749 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành tại 287.325 tổ chức, các nhân, đã phát hiện vi phạm 12.639,6 tỷ đồng, 1.438 ha đất. Trong đó, kiến nghị thu hồi về ngân sách Nhà nước 5.053, 6 tỷ đồng; xử phạt hành chính 324,7 tỷ đồng; xuất toán loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 6.379,8 tỷ đồng.

Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh: "Tham nhũng, hối lộ trong hoạt động của doanh nghiệp sẽ tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế, xã hội của mọi quốc gia; nó làm tăng chi phí, phá vỡ nền tảng quản trị của DN, tạo ra sự bất bình đẳng trong cạnh tranh giữa các DN trên thị trường. Đặc biệt, khi tham nhũng, hối lộ được thực hiện với sự cấu kết giữa DN và các quan chức tha hoá sẽ hình thành những "Nhóm lợi ích thân hữu", có khả năng tác động tiêu cực tới quá trình xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật, khi đó hậu quả càng nghiêm trọng".

Ông Tranh khẳng định, các Báo cáo nghiên cứu, ý kiến khuyến nghị và những thực tiễn tốt được giới thiệu, chia sẻ tại Đối thoại này sẽ được các cơ quan chức năng của Việt Nam tham khảo, nghiên cứu kỹ lưỡng để có sự tiếp thu, vận dụng phù hợp với thực tiễn của Việt Nam nhằm tạo lập môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch, liêm chính, không tham nhũng./.

Trung Ninh