Chuyển đổi công nghệ để tăng hiệu quả

Các số liệu từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho thấy, quá trình chuyển đổi số của các ngân hàng đã diễn ra với tốc độ rất nhanh và điều này cho thấy tín hiệu tích cực cho cả phía ngân hàng và người dân thụ hưởng các dịch vụ ngân hàng.

Thói quen sử dụng các ứng dụng công nghệ của người dân gia tăng là một xu hướng tích cực.
Thói quen sử dụng các ứng dụng công nghệ của người dân gia tăng là một xu hướng tích cực.

Theo NHNN, đến nay đã có tới 95% tổ chức tín dụng (TCTD) đã và đang xây dựng, triển khai Chiến lược chuyển đổi số tại đơn vị mình. Nhiều TCTD chuyển đổi số ở tốp đầu hiện đã đạt 90% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số; nhiều TCTD có hiệu quả hoạt động tốt nhờ tích cực chuyển đổi số. Trong 2 tháng đầu năm 2023, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 50,14% về số lượng so với cùng kỳ; qua kênh internet tăng 90,21% về số lượng và 10,01% về giá trị. Thanh toán qua kênh điện thoại di động tăng 60,29% về số lượng và 13,89% về giá trị. Phương thức thanh toán qua QR code tăng 142,06% về số lượng và 49,42% về giá trị; qua POS tăng 36,65% về lượng và 29,72% về giá trị.

Về diễn biến thực tế thời gian qua, một số ngân hàng cũng đã có các chương trình hợp tác với các đối tác nước ngoài để đẩy mạnh chuyển đổi số. Chẳng hạn gần đây, Sacombank và Tập đoàn IBM đã có buổi gặp gỡ chia sẻ thông tin về chương trình hợp tác chiến lược nhằm đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số. Trong các nội dung hợp tác với IBM, Sacombank đã đưa vào vận hành Trung tâm Điều hành an ninh mạng (SOC); thành lập Trung tâm Chuyển đổi số (Digital Transformation Center - DTC) với sự tư vấn từ IBM Consulting… Ông Trần Thái Bình - Giám đốc Khối Công nghệ thông tin kiêm Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số Sacombank cho biết, hệ thống lõi của Sacombank ngày càng được củng cố đã giảm thiểu được gần 50% thời gian xử lý, tăng tốc và ổn định các giao dịch tới 80%.

Trong khi đó, Ngân hàng Standard Chartered cũng vừa bắt tay chiến lược với Công ty cổ phần MISA để cung cấp giải pháp vay vốn trên hóa đơn tín chấp cho doanh nghiệp vừa và nhỏ với lãi suất ưu đãi. Với nội dung hợp tác này, các doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng nền tảng MISA Lending giờ đây có thể đăng ký khoản vay chỉ bằng hai cú nhấp chuột từ máy tính và nhận kết quả sơ duyệt chỉ trong vòng 30 phút.

Đối mặt với sự tấn công của tội phạm công nghệ

Theo dự báo của NHNN, thời gian tới, giá trị thanh toán qua thiết bị di động tại Việt Nam dự kiến tăng rất nhanh, từ 16 tỷ USD vào năm 2016 lên đến mức dự kiến khoảng 70,9 tỷ USD vào năm 2025. Ngoài ra, đến năm 2025, tín dụng cá nhân sẽ chiếm khoảng 24% thị trường ứng dụng công nghệ trong dịch vụ tài chính. Điều này cho thấy thị trường Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển và có thể trở thành thị trường rất hấp dẫn cho các sản phẩm công nghệ tài chính (Fintech).

Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng cho biết, nhiều xu hướng tài chính công nghệ cũng đang phát triển như ngân hàng số; mua trước trả sau, siêu ứng dụng tài chính, dịch vụ tài chính dựa trên trí tuệ nhân tạo AI, ngân hàng mở, quan hệ đối tác thanh toán xuyên biên giới... Với tỷ lệ thuê bao internet và số lượng smartphone cao, hạ tầng thanh toán phát triển, chính sách khuyến khích của Chính phủ…, dư địa cho công nghệ tài chính ở Việt Nam vẫn còn rất lớn.

Thị trường tài chính công nghệ có thể đạt tới 18 tỷ USD

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, các ngân hàng có lịch sử và thương hiệu lâu năm với kinh nghiệm hoạt động, tài chính đủ mạnh, dữ liệu khách hàng lớn, mạng lưới rộng khắp song lại có độ trễ nhất định về mặt công nghệ so với các công ty Fintech với ưu thế về đổi mới sáng tạo và khả năng ứng dụng công nghệ linh hoạt và hiệu quả. Do vậy, sự hợp tác giữa công ty Fintech và ngân hàng có thể thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số của hệ thống ngân hàng. Với dự kiến thị trường Fintech tại Việt Nam đạt mức 18 tỷ USD vào năm 2024 và điều này có thể sẽ khiến cho ngành Ngân hàng có những thay đổi không nhỏ trong tương lai.

Thói quen sử dụng các ứng dụng công nghệ đối với các sản phẩm dịch vụ của người dân gia tăng tuy là một xu hướng tích cực, nhưng bên cạnh đó cũng là một “miếng mồi béo bở” của tội phạm công nghệ. Trong một cuộc tọa đàm chuyên môn về an ninh công nghệ, ông Đỗ Ngọc Duy Trắc - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ An ninh mạng VinCSS cho biết, các tổ chức tài chính - ngân hàng là đối tượng được tội phạm mạng “quan tâm” do lợi ích kinh tế từ việc này là rất lớn.

Số liệu được ông Trắc cho biết, số tiền tội phạm công nghệ có được trên thế giới thậm chí còn nhiều hơn là buôn ma túy và buôn vũ khí cộng lại. Đặc biệt, tội phạm công nghệ thường nhắm vào mắt xích yếu nhất trong các khâu phòng vệ của các tổ chức tài chính là người dùng đầu cuối. Trong khi đó, các phương thức bảo mật truyền thống trước đây là mật khẩu và OTP hiện đã bị lạc hậu và nó cần thay thế bằng các tính năng công nghệ mới hơn.

Để tăng cường khả năng phòng vệ của “mắt xích yếu nhất” là phía người dùng đầu cuối, thời gian qua các ngân hàng vẫn liên tục cảnh báo về ý thức cảnh giác của người dân trước sự tấn công của tội phạm công nghệ. Theo đó, một số lời khuyên của các chuyên gia công nghệ dành cho người dân là không nên trả lời các email lạ, không bấm vào các đường link không rõ ràng hoặc yêu cầu nhập thông tin cá nhân, thông tin thẻ. Các chuyên gia cho biết, trong mọi trường hợp, khách hàng tuyệt đối không cung cấp các thông tin thẻ bảo mật qua các mạng xã hội (Facebook, Messenger, Zalo…); không lưu tài khoản đăng nhập và mật khẩu có gắn với thông tin thẻ trên trình duyệt khi giao dịch; giao dịch xong thì phải đăng xuất thoát khỏi ứng dụng…