Theo báo cáo về dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của HSBC, FDI vào các nước trên thế giới đã sụt giảm một thời gian sau khi đạt đỉnh vào năm 2015 như một phần của xu hướng "đảo ngược toàn cầu hóa" và "phân mảnh địa kinh tế".

Ngược lại, dòng vốn FDI vào châu Á tiếp tục tăng cao hơn với bước nhảy vọt đáng chú ý trong ba năm qua. Có thể thấy, đại dịch ít ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư chảy vào khu vực này. Dòng vốn FDI vào châu Á đã tăng hơn gấp đôi kể từ năm 2010.

Dòng vốn FDI vẫn tiếp tục đổ vào châu Á
Dòng vốn đầu tư nước ngoài vào châu Á

Là một nơi thu hút FDI, Trung Quốc đại lục thường xuyên nhận được lượng lớn dòng vốn đổ vào. Năm ngoái, nền kinh tế này đã nhận được lượng đầu tư cao kỷ lục mặc dù nhu cầu sụt giảm và những thách thức đi kèm với chiến lược "Zero Covid". Tuy nhiên, dòng vốn chảy vào ASEAN cũng đã tăng vọt, khu vực này nhận được nhiều vốn hơn Trung Quốc đại lục trong hai năm liên tiếp. Đồng thời, dòng vốn chảy vào Ấn Độ cũng đang có xu hướng tăng lên, nhưng xét về tổng thể thì vẫn còn thấp hơn nhiều.

Song, cũng có nhiều cách nhìn nhận cho vấn đề này. Các chỉ số FDI chính bao gồm nguồn vốn cho các dự án đầu tư hoàn toàn mới và thu nhập từ tái đầu tư, chẳng hạn như mở rộng quy mô hoạt động hiện tại. Ở Trung Quốc đại lục, đầu tư mới đã có sự sụt giảm đáng kể, nhưng các khoản đầu tư mới vào Ấn Độ lại tăng vọt và bắt đầu lan sang ASEAN, nơi vốn FDI mới cũng đã tăng đủ nhiều. Điều đó đồng nghĩa các dự án đầu tư mới chủ yếu hướng đến Đông Nam Á và Ấn Độ.

Đồng thời, các công ty cũng không “từ bỏ” Trung Quốc đại lục, tổng vốn FDI kỷ lục vào năm ngoái cho thấy những công ty đã có chỗ đứng trên thị trường đang tiếp tục mở rộng hoạt động.

Xét về tương quan tầm quan trọng của FDI trên toàn khu vực, tại Việt Nam, Malaysia, New Zealand, Úc và Philippines, dòng vốn FDI chiếm hơn 2% GDP. Ngược lại, ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc đại lục và Bangladesh, dòng vốn FDI chiếm khoảng 1% GDP hoặc ít hơn.

Nhìn trong bức tranh tổng thể, đầu tư xuyên biên giới giúp phổ biến công nghệ, nâng cao năng suất nền kinh tế ở quốc gia sở tại và nơi được rót vốn, đồng thời giúp thúc đẩy thương mại và kết nối quốc tế. FDI cũng đóng góp trực tiếp vào GDP dưới hình thức các khoản chi đầu tư. Và bức tranh tổng thể không thể hiện sự suy giảm, dù có sự dịch chuyển nhưng dòng vốn FDI nói chung vẫn duy trì ổn định bền vững.