Việc tiếp tục thực hiện giảm thuế giá trị gia tăng nhằm hỗ trợ người dân, từ đó kích thích cho sản xuất, kinh doanh. Ảnh: TL |
PV: Để tiếp tục hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh và vượt qua khó khăn, trong năm 2023, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ thông qua gia hạn, giảm thuế, phí. Theo ông, những chính sách này liệu có hỗ trợ được doanh nghiệp, trong thời điểm hiện nay?
TS. Mạc Quốc Anh |
TS. Mạc Quốc Anh: Ngày 31/1/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 01/2023/QĐ-TTg về việc giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước của năm 2022 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; tiếp đến, ban hành Nghị định số 12/2023/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất trong năm 2023…
Tôi cho rằng, các chính sách ứng phó của Chính phủ ngay những tháng đầu năm 2023 để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp đã thu được nhiều kết quả tích cực. Trong đó, đã kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp trong quá trình phòng chống dịch Covid-19 và nhất là phục hồi sản xuất, kinh doanh sau đại dịch. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai cho thấy, một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó sau đại dịch cũng phát sinh một số bất cập, hạn chế chưa phù hợp với thực tế.
Nhưng xét về tổng thể cái được lớn hơn và cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao sự hỗ trợ từ Chính phủ, từ đó giúp doanh nghiệp từng bước phục hồi sản xuất, kinh doanh.
PV: Tại kỳ họp Quốc hội này, Chính phủ sẽ trình Quốc hội đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) 2% đối với phần lớn hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% đến hết năm 2023. Ông đánh giá như thế nào về chính sách này khi đi vào thực thi?
TS. Mạc Quốc Anh: Theo tôi, khi ban hành chính sách giảm thuế GTGT 2% sẽ thúc đẩy người dân chi tiêu nhiều hơn. Việc tiếp tục thực hiện giảm thuế GTGT như đã áp dụng năm 2022 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân là cần thiết, từ đó kích thích cho sản xuất, kinh doanh và hạ giá thành sản phẩm, giúp cung - cầu trong nước tăng cao, do vậy sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2023.
Cần đa dạng hóa các kênh huy động vốn TS. Mạc Quốc Anh cho rằng, cần đa dạng hóa các kênh huy động vốn và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn để vượt qua những khó khăn, thách thức. Đồng thời, tăng cường các giải pháp hỗ trợ khác như tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại tại thị trường mới nổi như Trung Đông, Mỹ La tinh, châu Phi.... các doanh nghiệp logistic cần áp dụng các nền tảng chào giá trực tuyến nhằm cắt giảm chi phí logistic cho các doanh nghiệp xuất khẩu… |
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện đã gặp khó khăn cho cả người nộp thuế và cơ quan thuế khi xác định hàng hóa, dịch vụ không thuộc đối tượng được giảm thuế. Quy định loại trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ như tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 gây khó cho người nộp thuế và cả cơ quan thuế (nhiều loại hàng hóa, dịch vụ khi xác định đối tượng không được giảm thuế cần có sự phối hợp của nhiều bộ, ngành liên quan).
PV: Bên cạnh chính sách gia hạn, giảm thuế, phí hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, cần thêm những giải pháp hỗ trợ nào để giúp doanh nghiệp và nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, thưa ông?
TS. Mạc Quốc Anh: Bên cạnh các chính sách hỗ trợ như gia hạn, giảm thuế, phí… người dân, doanh nghiệp vẫn rất cần các cơ quan quản lý nhà nước vào cuộc tháo gỡ khó khăn từ những thủ tục hành chính. Vì vậy, tôi mong rằng Quốc hội, Chính phủ tiếp tục cải cách hành chính một cách thiết thực và cụ thể để người dân, doanh nghiệp tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Cụ thể, tôi cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục có những giải pháp hỗ trợ, đó là khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc, rào cản về pháp lý nhằm khơi thông nguồn lực cho đầu tư sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp, tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, nguồn lực hỗ trợ của nhà nước; khắc phục đứt gãy chuỗi cung ứng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, mở rộng thị trường trong nước; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh.
Chính phủ cũng cần thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp; hỗ trợ tái cơ cấu lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đổi mới sáng tạo và cách mạng công nghiệp 4.0; tăng cường hiệu quả triển khai các chính sách và nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động hội nhập quốc tế, nắm bắt và đón đầu các xu hướng kinh doanh mới, xu hướng thị trường mới.
Để các chính sách tài chính tiếp tục ban hành được kỳ vọng sẽ có những tác động tích cực trong việc tạo niềm tin cho doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn và khủng hoảng tài chính sau thời kỳ đại dịch, nhằm phục hồi kinh tế năm 2023 và các năm sau. Chính phủ và các bộ, ngành tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tập trung hơn vào các gói chính sách hỗ trợ tiền tệ - tín dụng, tiếp tục duy trì gói chính sách tài khóa thông qua thuế, tiền sử dụng đất.
PV: Xin cảm ơn ông!
Giảm thuế giá trị gia tăng 2%, ngân sách sẽ giảm thu 24.000 tỷ đồng Tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tại tờ trình mới nhất, Chính phủ đề xuất tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) 2% quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 (Nghị quyết số 43) ngày 11/1/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian từ ngày 1/7 đến hết ngày 31/12/2023, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%. Như vậy, việc giảm thuế GTGT sẽ giữ nguyên như đã triển khai năm 2022 và sẽ không áp dụng với nhóm hàng hoá như: viễn thông, công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất và các mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Theo Chính phủ, trong bối cảnh dự báo tình hình thế giới và trong nước diễn biến phức tạp, khó khăn với nền kinh tế và doanh nghiệp tăng, tạo sức ép lớn tới ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi và phát triển nhiều ngành, lĩnh vực, Chính phủ khẳng định việc tiếp tục giảm thuế GTGT 2% bên cạnh các giải pháp đã và đang thực hiện năm 2023 là cần thiết, phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay để kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; qua đó, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sớm phục hồi và phát triển để đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước cũng như nền kinh tế. Theo ước tính của Chính phủ, nếu áp dụng việc giảm thuế này trong 6 tháng cuối năm 2023, dự kiến ngân sách giảm thu khoảng 24.000 tỷ đồng. Trước đó, tại phiên họp cho ý kiến về dự thảo nghị quyết giảm thuế GTGT vào ngày 13/5, do lo ngại việc mở rộng chính sách giảm thuế sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến thu ngân sách trong khi tình hình thu ngân sách năm 2023 đang khó khăn, tổng cầu yếu, sức khoẻ doanh nghiệp sụt giảm, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế GTGT 2% theo như chính sách đã quy định tại Nghị quyết số 43, thay vì mở rộng áp dụng đối với mọi loại hàng hóa, dịch vụ như đề xuất của Chính phủ. Cùng với đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng yêu cầu không được làm giảm thu ngân sách theo dự toán đã được duyệt và không được tăng bội chi ngân sách của năm 2023. |